+
Aa
-
like
comment

2 nhân viên y tế Việt Nam đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2: Cần tiếp sức cho các chiến sĩ áo trắng

21/03/2020 09:14

Làm việc 10 giờ mỗi ngày, thậm chí là hơn thế. Họ lấy viện làm nhà. Những ca trực đêm vừa chợp mắt vài phút thì lại vang lên tiếng còi cấp cứu. Theo thói quen, tất cả y bác sĩ, điều dưỡng lại đứng dậy rồi tất bật với công việc quên thời gian. Chưa kể những nguy hiểm của nghề nghiệp luôn rình rập.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Mến (BV Việt – Pháp) – một trong những “chiến sĩ áo trắng” thời chống dịch SARS 2003-2004 – đến nay vẫn gắn bó với công việc và sẵn sàng tham gia chống dịch COVID-19. Ảnh: Tô Thế

Những người đi trong dịch bệnh

Ngày 20.3, Bộ Y tế đã xác nhận 2 điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai đã được xác định dương tính với virus SARS-COV-2. Cả 2 điều dưỡng công tác tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Một điều dưỡng ở Phòng khám ngoại trú HIV và một người làm việc tiếp đón tại khu cách ly của Trung tâm.

Phòng khám cách ly của Trung tâm Bệnh nhiệt đới đặt tại tầng 1, nhân viên được trang bị bảo hộ lao động để làm việc (mũ, khẩu trang, kính, quần áo…). Điều dưỡng này được cử làm việc ở đây từ đầu tháng 2.2020, hằng ngày nhập thông tin của các bệnh nhân đến khám tại Phòng khám cách ly vào máy tính, điền thông tin, đo dấu hiệu sinh tồn… Đây là những nhân viên y tế đầu tiên của Việt Nam mắc COVID-19.

Dịch COVID-19 đang diễn ra ở nhiều quốc gia, đã có hàng nghìn nhân viên y tế, điều dưỡng nhiễm virus SARS-CoV-2.

Vừa bước ra từ giai đoạn đầu của dịch COVID-19, điều dưỡng Nguyễn Hồng Nhung, sinh năm 1983, Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà (tỉnh Vĩnh Phúc) có thâm niên 14 năm công tác nơi đây nghẹn ngào: Vui và hạnh phúc lắm! Không nghĩ là thành công lại đến sớm như vậy. Vì những ngày đầu năm, tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc căng thẳng, ai cũng lo, nhất là Việt Nam có 16 ca nhiễm.

Chị kể, thời điểm có dịch nhiều ngày chị đã không về nhà. “Không phải mình chị, mà tất cả các bác sĩ và chị em điều dưỡng đều thế. Mọi người đều chung cảnh nhớ con, lo cho gia đình và người bệnh. Có những điều dưỡng ở đây vất vả lắm, con mới chỉ hơn tuổi, vừa dứt sữa là phải xa con rồi. Tối đến, các chị quây quần với nhau chỉ để ngắm con qua ảnh, con chưa ngủ thì còn được nghe tiếng bập bẹ của con qua màn hình gọi về nhà”.

“Chuyên môn của mình là chăm sóc bệnh nhân, không chỉ là vấn đề sức khỏe, thể chất mà còn cả tinh thần của bệnh nhân”. Với chị, chăm sóc bệnh nhân là chuyên môn nhưng đối với bệnh nhân COVID-19, họ ở đây vừa cách ly, vừa được điều trị căn bệnh mới này không khỏi có những tâm trạng buồn, lo lắng. Bác sĩ, điều dưỡng ở đây không chỉ điều trị, chăm sóc bệnh nhân mà còn giúp họ khoẻ mạnh cả về tinh thần.

Hơn 17 năm về trước, đại dịch SARS cũng là một đối mặt lớn đối với nhân viên y tế. Dịch SARS năm 2003 khiến 5 y bác sĩ của Bệnh viện Việt Pháp tử vong. Ký ức đau buồn ấy vẫn còn ám ảnh trong tâm trí nhiều người, đặc biệt với nữ Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Mến – Bệnh viện Việt Pháp. Điều dưỡng Mến là một trong những điều dưỡng nhiễm bệnh trong đại dịch SARS năm 2003. Hơn 17 năm trôi qua nhưng biết bao đêm chị vẫn mất ngủ, những ký ức kinh hoàng năm ấy vẫn là nỗi đau trong tim chị, nghĩ đến những đồng nghiệp không được may mắn “từ cõi chết trở về” như mình, điều dưỡng Mến lại cảm thấy xót xa.

Đêm 8.3.2003, trong trí nhớ của chị Mến, chị cùng nhiều đồng nghiệp ở Bệnh viện Việt  Pháp có chung cảm giác không thở được, như có người bóp cổ, lúc sốt bừng bừng, lúc lại rét cắt da, rồi thiếp đi… Những triệu chứng đến với điều dưỡng Mến và đồng nghiệp bắt đầu từ khi họ tiếp xúc với bệnh nhân Chong Cheng (quốc tịch Mỹ). Người này nhập viện Việt Pháp vào ngày 26.2.2003, với các triệu chứng giống cúm nên các bác sĩ, y tá của Bệnh viện Việt Pháp thăm khám và điều trị cho bệnh nhân này như với bệnh cúm thông thường khác. Trong thời gian ngắn, bệnh đã diễn tiến quá nặng khiến chị phải thở máy và hôn mê.

Thời gian này, khi các phương tiện truyền thông liên tục nhắc đến dịch bệnh COVID-19, điều dưỡng Mến lại nhớ đồng đội. Những ký ức của hơn 17 năm trước lại hiển hiện, như mới ngày hôm qua.

“Chưa lúc nào tôi ân hận đã chọn nghề này. Lúc bị bệnh nặng nhất, tôi có nghĩ số phận sao khắc nghiệt với mình như vậy, nhưng tôi lại muốn làm việc nhiều hơn nữa. Điều khiến tôi day dứt nhất là chưa làm được gì giúp đồng đội, khi họ ra đi ở độ tuổi còn trẻ, đang là trụ cột trong gia đình, để lại con thơ, cha mẹ già” – điều dưỡng Mến nghẹn ngào nhớ lại.

Nghề đầy áp lực nhưng không thể thiếu

Thạc sĩ Phạm Đức Mục – Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam – chia sẻ: Người ta ví điều dưỡng là “nghề làm dâu trăm họ”, bởi đối tượng mà điều dưỡng tiếp xúc chính là người bệnh. Điều dưỡng viên chăm sóc người bệnh theo một cách toàn diện và liên tục, từ tư vấn và hướng dẫn cho người bệnh, người nhà về: Giáo dục sức khỏe, cách tự chăm sóc, tự theo dõi trong thời gian nằm viện và sau khi ra viện về nhà; trợ giúp bác sĩ thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật; hay chăm sóc tinh thần cho người bệnh là một phần không thể thiếu…

Ý thức được trách nhiệm của mình, điều dưỡng viên đã gạt bỏ hết những định kiến của xã hội, chuyên tâm vào công việc, giữ vững tình yêu nghề và lương tâm nghề nghiệp.

Nếu như bác sĩ là người chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị bệnh thì điều dưỡng viên là những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân để đạt kết quả phục hồi tối đa. Không chỉ là cánh tay hỗ trợ bác sĩ trong cuộc chiến với bệnh tật, điều dưỡng viên còn là cầu nối giữa bệnh viện và bệnh nhân, truyền tải tâm tư người bệnh để bác sĩ điều chỉnh phương pháp điều trị kịp thời.

Hiện Hội Điều dưỡng Việt Nam có hơn 100.000 hội viên và hàng nghìn chi hội tại các bệnh viện đang ngày càng hội nhập và khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống y tế.

Lệ Hà, Thùy Linh/LDO

Bài mới
Đọc nhiều