+
Aa
-
like
comment

2 mặt của 1 đồng vàng

26/01/2024 09:34

Tháng 12/2023, thị trường vàng chứng kiến biến động liên tục, khi giá vàng SJC đạt mức kỷ lục 80,3 triệu đồng/lượng, lập đỉnh lịch sử.

Theo thống kê, chỉ trong tháng 12/2023, giá vàng miếng SJC đã tăng khoảng 8 triệu đồng/lượng, đạt mức 79,22 triệu đồng/lượng vào sáng ngày 28/12. Nếu so với đầu năm 2023, giá vàng miếng SJC đã tăng khoảng 12,6 triệu đồng/lượng.

Không phải chỉ Việt Nam, việc quản lý thị trường vàng luôn là bài toán đau đầu của tất cả các nền kinh tế trên thế giới.

Vấn nạn Vàng

Lý giải về việc tăng mạnh của giá vàng, một số nhận định cho rằng đó là kết quả của nhu cầu tăng cao vào cuối năm, đặc biệt là để phục vụ các sự kiện như cưới hỏi, lễ hội và làm quà tặng.

Các yếu tố như giảm lãi suất tiền gửi tại ngân hàng, biến động thị trường chứng khoán, tình trạng thị trường bất động sản đóng băng đã làm tăng sự chuyển dòng tiền đầu tư vào thị trường vàng. Ngược lại, giá vàng trong nước cũng chịu ảnh hưởng từ tình trạng khan hiếm nguồn cung vàng SJC do Ngân hàng Nhà nước không nhập khẩu vàng trong nhiều năm qua…

Đáng chú ý, trong khi kinh tế khó khăn, thì giá vàng trong nước lại cao hơn thế giới khoảng 18 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra cũng lên tới 5 triệu đồng/lượng (ngày 28/12). Rõ ràng đây là những bất thường mà cơ quan quản lý cần phải có chính sách điều chỉnh để ổn định thị trường vàng trong nước.

Việc giá vàng tăng mạnh sẽ tác động lớn đến nền kinh tế. Bởi lẽ vàng trong nước tăng giá mạnh có thể tạo ra hiện tượng đầu cơ, nhập lậu vàng, và ảnh hưởng đến tỷ giá. Hậu quả rõ ràng là khi giá vàng tăng, người dân thường tìm đến vàng như một phương tiện lưu trữ giá trị, thay vì gửi tiền vào ngân hàng hoặc mua hàng hóa, dịch vụ để kích thích tăng trưởng kinh tế. Việc này không chỉ giảm lưu thông tiền mà còn tạo ra áp lực tăng giá trên nhiều loại hàng hóa khác, nhất là thị trường nhà đất, khiến cho tình trạng càng ảm đạm hơn.

Công điện kịp thời

Trước những tác động tiêu cực, Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 đã được ban hành để chỉ đạo các cơ quan chức năng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội”.

Để ổn định và phát triển thị trường vàng, Thủ tướng yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng.

NHNN cũng được yêu cầu chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý, sử dụng các công cụ theo thẩm quyền phù hợp, hiệu quả, kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô.
Chỉ đạo của Thủ tướng nhấn mạnh: “NHNN dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia”.

Ngoài ra, cơ quan quản lý tiền tệ cũng cần khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô. NHNN cần báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 1/2024.

Cũng theo công điện, Thủ tướng chỉ đạo NHNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường.

Hoạt động này nhằm kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền, đề xuất cấp thẩm quyền biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định.

Thủ tướng đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân… gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật phối hợp với NHNN khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp công tác để kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng.
Nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi… bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, minh bạch, an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Giá vàng lao dốc mạnh ngay sau chỉ đạo “nóng” của Thủ tướng Chính phủ.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao. Theo nhiều ý kiến, đây là một chỉ đạo rất kịp thời để chấn chỉnh giá vàng trong nước, nhất là giá vàng SJC, và quan trọng nhất là đã “buộc” các cơ quan chức năng phải khẩn trương hành động.

Giá vàng trong nước bắt đầu giảm mạnh kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan hữu quan triển khai các biện pháp ổn định thị trường vàng. Chỉ sau hai ngày, giá vàng miếng trong nước đã giảm từ 9 đến 10 triệu đồng/lượng, tùy từng doanh nghiệp.

Có thể thấy, bản thân Công điện 1426 của Thủ tướng đã là một “liều thuốc” đánh đúng vào trọng tâm “căn bệnh” quản lý thị trường Vàng trong nước, đó chính là câu chuyện về vấn đề tâm lý. Khi tâm lý, xu hướng của những người đầu tư vàng được bình ổn thì thị trường cũng trở về trạng thái bình ổn.

2 mặt của 1 đồng vàng

Sự biến động của giá vàng ngoài ảnh hưởng của cung, cầu thị trường thì còn chịu sự tác động của hoạt động quản lý thị trường vàng của NHNN. Nhằm tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP từ 12 năm trước. Về hiệu quả của Nghị định 24, chúng tôi đã có bài phân tích chi tiết. Thế nhưng, như 2 mặt của 1 đồng xu, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý thị trường vàng hiện có một số khó khăn, hạn chế.

Thứ nhất, chính sách đóng cửa khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới khá cao, đặc biệt là vàng SJC, tạo ra tình trạng đầu cơ, buôn lậu vàng.

Thứ hai, các DN kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ gặp khó khăn khi họ không được cấp phép nhập khẩu vàng mà nhu cầu ngày càng tăng nên phải mua vàng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, mua hàng nhập lậu vừa rủi ro cho DN vừa tạo điều kiện cho thị trường ngoại tệ “chợ đen” phát triển.

Thứ ba, khi NHNN vừa thực hiện chức năng kinh doanh vàng vừa thực hiện chức năng bình ổn thị trường vàng, dễ dẫn tới mâu thuẫn về mục tiêu.

Ngoài ra, việc Nhà nước cấm hoàn toàn giao dịch của sàn vàng, các sàn vàng mở trái phép, gây khó khăn cho việc quản lý. Hơn nữa, việc cấm giao dịch vàng tài khoản, chỉ cho phép giao dịch vàng vật chất gây tốn kém ngoại tệ nhập khẩu và tăng chi phí cho DN. Với cách làm như hiện nay thì Nhà nước chưa thể huy động được một lượng lớn vàng trong dân.

Và đó chính là những khó khăn mà Chính phủ cần tìm ra giải pháp để xử lý. Ông Đào Minh Tú – Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng nhưng cũng không thể chấp nhận giá vàng miếng cao hơn thế giới gần 20 triệu đồng/lượng như thời gian qua. Trong tháng 1, Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá, rà soát Nghị định 24/2012 về Quản lý thị trường vàng. Mục tiêu cuối cùng là quản lý thị trường vàng, không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô”.

Ngày 3/1, tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng 2024 của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đã có những chia sẻ về quan điểm điều hành, sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.

Mặc dù các thông tin được công bố chưa rõ nhà điều hành sẽ can thiệp thị trường vàng bằng biện pháp nào nhưng giá vàng trở nên bất động. Các đơn vị kinh doanh vàng cho biết, thị trường gần như không có giao dịch gì nhiều. Mãi lực thị trường đột ngột xuống thấp, các đơn vị cũng không hỏi han mua bán gì. Thị trường chờ những biện pháp can thiệp căn cơ từ Ngân hàng Nhà nước.

Thành An

Bài mới
Đọc nhiều