+
Aa
-
like
comment

19/2 của 51 năm trước, người đàn ông Mỹ bị buộc tội vì dám lên tiếng phản đối Chiến tranh Việt Nam

Bảo Trâm - 19/02/2021 14:54

Ngày 19/2/1970, Tom Hayden, là thành viên của Chicago 7 bị buộc tội âm mưu kích động bạo loạn sau cuộc biểu tình trước Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ năm 1968. Bất chấp phiên tòa gây nhiều tranh cãi và ồn ào diễn ra sau đó, Hayden đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm khi đối mặt với áp lực từ chính phủ.

Tom Hayden đã cống hiến cuộc đời mình cho những lý tưởng tiến bộ mà giới lãnh đạo Mỹ từng cho là cấp tiến vào những năm 1960. Với tư cách là người sáng lập tổ chức Sinh viên vì Xã hội Dân chủ (SDS), ông đã vận động hàng nghìn thanh niên lên tiếng phản đối Chiến tranh Việt Nam và đòi hỏi quyền công dân cho tất cả mọi người. Tom Hayden nhanh chóng trở thành một biểu tượng phản văn hóa của nước Mỹ bởi việc lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa mà chính quyền Mỹ lúc ấy đang đem đến với người dân Việt Nam.

Năm 1960, ông có cơ hội trực tiếp phỏng vấn nhà hoạt động Martin Luther King Jr (chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 1964) ngay tại Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ ở Los Angeles. Đó là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời. Tom Hayden từng chia sẻ: “Dần dần tôi từ một nhà báo trở thành nhà tuyên truyền, ủng hộ tích cực, rồi thành nhà hoạt động”.

Tom Hayden phát biểu trước báo giới tại Tòa nhà liên bang ở Chicago vào tháng 10/1969.

Những lời nói của Luther King Jr đã đi theo Hayden suốt cuộc đời. Trong cuốn hồi ký “Reunion” (Hòa giải), King đã khuyên Hayden rằng điều quan trọng nhất là “phải giữ vững lập trường với cuộc sống của mình”. Hayden sau đó viết: “Tôi đã tự hỏi bản thân tại sao tôi lại đứng ngoài quan sát và ghi chép về bộ máy này (chính trị Mỹ), thay vì dấn thân vào đó”.

Những cơ hội này sau đó đã trở thành một phần nguyên nhân đưa Hayden trở thành thành viên sáng lập SDS từ khi vẫn còn là sinh viên Đại học Michigan.

Năm 1960, Hayden cùng với các nhà hoạt động khác như Michael Harrington và Robert Alan Haber, thành lập SDS, một chi nhánh của Liên đoàn vì Dân chủ Công nghiệp và Hiệp hội Xã hội Chủ nghĩa liên Đại học. Ông cũng từng là thành viên nhóm “Freedom Rider” (Người vận động Tự do) ở miền Nam, lực lượng đấu tranh cho các quyền công dân của người Mỹ gốc Phi.

Bản thảo Tuyên bố Port Huron.

Với lý tưởng mạnh mẽ và kinh nghiệm hoạt động tích cực của mình, chàng trai 22 tuổi đã soạn thảo “Tuyên bố Port Huron” – một văn kiện có tầm nhìn xa, tạo ra một “phong trào chính trị dân chủ hoàn toàn mới” tại Mỹ, truyền cảm hứng cho các phong trào dân chủ tới tận ngày nay.

Bản tuyên ngôn dài 64 trang kêu gọi cơ hội bình đẳng cho tất cả – và tố cáo những kẻ đạo đức giả trong hệ thống chính trị Mỹ lúc bấy giờ. Những dòng mở đầu của Tuyên bố Port Hureon có đoạn: “Chúng tôi là những người thuộc thế hệ này, được nuôi dưỡng trong một sự thoải mái nào đó, học tập trong các trường đại học, nhưng cảm thấy bất an về thế giới mà chúng tôi sẽ kế thừa”. Khoảng 60.000 bản sao của văn kiện đã được phân phát với giá 25 xu/bản. Hayden thậm chí còn đích thân giao một bản đến Nhà Trắng, nơi Tổng thống Kennedy đang cầm quyền.

Khi SDS trở thành một thực thể có ảnh hưởng của phong trào Cánh tả Mới, Hayden trở thành một trong những người phát ngôn nổi bật nhất trong thế hệ của mình. Và khi Chiến tranh Việt Nam leo thang vào năm 1963, Hayden đã trở thành một trong những tiếng nói phản chiến mạnh mẽ nhất.

Từ năm 1964 đến năm 1968, Hayden làm việc tại Newark, New Jersey, với Dự án Liên minh Cộng đồng Newark, một nhóm cộng đồng địa phương hỗ trợ những cư dân nghèo khó tại thành thị.

Hayden hướng đến Hội nghị Quốc gia của đảng Dân chủ năm 1968 với mục tiêu hàng đầu là kết thúc chiến tranh. Hayden ghi dấu ấn trong lịch sử nước Mỹ khi trở thành một thành viên của Chicago 7 – nhóm đã tham gia biểu tình trước Hội nghị toàn quốc ảng Dân chủ phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Với hành động này, ông đã bị chính quyền Mỹ bắt giam ít ngày với cáo buộc “châm ngòi cho bạo động”.

Đối với Hayden, 3 ngày diễn ra Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ năm 1968 dường như là một cơ hội lý tưởng để “loại bỏ khối u chiến tranh Việt Nam đang tồn tại trong cuộc sống của chúng ta”. Nhóm đã biểu tình bên ngoài Nhà hát Quốc tế ở Chicago với hy vọng cuộc biểu tình của họ sẽ tác động để đại hội đề cử một ứng cử viên có tư tưởng phản chiến. Bạo lực diễn ra nhanh chóng sau đó, khi Thị trưởng Richard Daley chỉ đạo lực lượng an ninh trấn áp những người biểu tình một cách quyết liệt.

Rất nhiều người bị thương trong các vụ đụng độ. Hàng trăm người khác bị bắt giữ. Nhưng chỉ có 8 người trong số họ bị kết tội âm mưu kích động bạo loạn liên bang, là nhóm “Chicago 8” ban đầu gồm Abbie Hoffman, Jerry Rubin, David Dellinger, Rennie Davis, John Froines, Lee Weiner, Hayden và Bobby Seale. Mặc dù tất cả đều bị buộc tội âm mưu kích động bạo loạn, Seale sau đó đã bị xét xử riêng, vì vậy phần còn lại được gọi là nhóm Chicago 7.

Thẩm phán Julius Hoffman chủ tọa phiên tòa nhanh chóng gây nên một cơn bão truyền thông. Các bị cáo bị buộc tội theo các quy định của Đạo luật Quyền Công dân năm 1968, đạo luật này coi việc vượt qua các quy định cấp bang để kích động bạo loạn là một tội hình sự liên bang. Không nản lòng trước sức ép của các cáo buộc, Davis và Rubin đã gay gắt chỉ trích phiên tòa là thứ “rác rưởi”. Hoffman và Rubin thậm chí còn xuất hiện trong trang phục áo choàng tư pháp để chế nhạo phòng xử án.

Bất chấp những nhân chứng có sức ảnh hưởng với lập luận đứng về phía họ, Hoffman, Rubin, Dellinger, Davis và Hayden đều bị kết tội kích động bạo loạn với mức án 5 năm tù cùng số tiền phạt 5.000 USD.

Tòa phúc thẩm lật lại bản án hình sự vào năm 1972 do những sai sót trong thủ tục của thẩm phán cũng như thái độ thù địch công khai với các bị cáo. Trước sự ngán ngẩm của nhà chức trách, phiên tòa chỉ càng khiến sự ủng hộ đối với Chicago 7 trở nên mạnh mẽ hơn. Điều đáng tiếc là Hayden cùng những người bạn của mình không thể gây tiếng vang tới cuộc bầu cử. Richard Nixon chiến thắng và Chiến tranh Việt Nam vì thế còn diễn ra nhiều năm nữa.

Tom Hayden và vợ, bà Jane Fonda

Bất chấp viễn cảnh ảm đạm phía trước, Hayden vẫn tiếp tục chiến đấu cho những gì ông cho là đúng – và thậm chí còn tìm cách tham gia vào hệ thống chính trị mà ông từng đối đầu để tìm cách thay đổi từ bên trong.

Hayden đã phớt lờ lệnh cấm đi lại của Bộ Ngoại giao Mỹ để tận mắt chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh tại Việt Nam, trở thành một trong những người Mỹ đầu tiên đến thăm Hà Nội thời chiến vào năm 1965. Đây là chuyến đi đầu tiên trong hành trình nhiều năm gắn bó với mảnh đất này của ông.

Như trong hồi ký Reunion, chuyến đi của ông là để tìm hiểu đất nước do những người Cộng sản quản lý và “đã gặp những người Cộng sản đầy tính nhân văn”. Hayden sớm nhận ra rằng Việt Nam là một đất nước, một dân tộc không đáng bị vùi dập trong chiến tranh.

Trở về nước, ông đã cũng các bạn viết cuốn sách đầu tiên về Việt Nam “Another Side” (Phía bên kia) để kể lại những điều mắt thấy, tai nghe ở miền Bắc Việt Nam, về cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc của đất nước đang chiến đấu với quân đội Mỹ. Cuốn sách là một đóng góp rất lớn giúp những người tham gia phong trào hòa bình và phản chiến ở Mỹ nhận thức đúng về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Ông tham gia Hội nghị Brastislava tố cáo tội ác của Mỹ và đòi hòa bình cho Việt Nam vào năm 1967, tham gia thuyết trình về Việt Nam tại Hạ viện Mỹ năm 1973. Chính vì những điều này mà ông trở thành một mục tiêu của chính phủ liên bang. Hayden có một chuyến đi khác tới miền Bắc Việt Nam vào năm 1967 khi chính quyền bản địa yêu cầu ông xúc tiến việc đưa 3 tù nhân chiến tranh Mỹ về nước. Đây cũng là một sự kiện ngoại giao nhân dân mở đầu cho cuộc đàm phán Paris lịch sử từ năm 1968-1973.

Tom Hayden và Jane Fonda cùng con trai chụp năm 1975.

Hành trình dấn thân vào các hoạt động đòi chấm dứt chiến tranh để lập lại hòa bình tại Việt Nam đã đưa Tom Hayden gặp gỡ nghệ sỹ Jane Fonda. Hai người đã sát cánh trong nhiều hoạt động vì hòa bình tại Việt Nam và một tình yêu rất đẹp đã kết trái. Năm 1973, con trai của Tom Haden và Jane Fonda đã ra đời và được đặt tên theo tên của Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi của Việt Nam – Troy Garity.

Khi cuộc nổi loạn phản văn hóa của những năm 1960 nhường chỗ cho những thực tế rõ ràng của những năm 1970, Hayden quyết định tham gia chính trường. Hayden nói: “Chủ nghĩa cấp tiến của những năm 1960 đang nhanh chóng trở thành ý thức chung của những năm 1970”. Tom Hayden đã viết rất nhiều bài báo và in gần 20 cuốn sách về hòa bình, bảo vệ môi trường và nhân quyền, trong đó có 3 cuốn riêng về Việt Nam.

Tháng 12/2007, Tom Hayden trở lại Việt Nam và được Chính phủ Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương nhằm tôn vinh những đóng góp của ông trong các phong trào đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam trước đây.

Bảo Trâm (Lược dịch theo Time, History)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều