15 năm ngày Hội Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc: quân – dân một lòng, đất nước phồn vinh (phần 1)
Bài 1: Ngày Hội Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc – ngày hội lớn của toàn dân tộc
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, bảo vệ an ninh, trật tự cũng là sự nghiệp của quần chúng. Phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc là một nội dung quan trọng trong công tác vận động quần chúng của Đảng; đồng thời là nội dung chủ yếu của biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội – biện pháp cơ bản, chiến lược của lực lượng Công an nhân dân. Xây dựng thế trận an ninh nhân dân góp phần củng cố sức mạnh dân tộc.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an và sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá VII tại Công văn số 6917/CV-VPTW ngày 06/4/2005 đồng ý lấy ngày 19 tháng 8 hàng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số: 521/2005/QĐ-TTg quyết định hàng năm lấy ngày 19/8 là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đây là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp xã hội trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng lực lượng Công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; phát huy tinh thần cảnh giác cách mạng của các tầng lớp trong xã hội, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và đồng thời là dịp để biểu dương, khen thưởng kịp thời với cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Qua thực tiễn cách mạng Việt Nam, có thể khẳng định việc xây dựng an ninh nhân dân là một chủ trương lớn trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Thông qua đây tiếp tục khẳng định quan điểm toàn dân tham gia, bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.
Ngược dòng lịch sử, tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI, cùng với đề ra bài học “lấy dân làm gốc”, Đảng khẳng định phải “đẩy mạnh công cuộc xây dựng nền quốc phòng và an ninh toàn dân”. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, cụm từ “xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân” lần đầu tiên được đề cập trong phần quốc phòng – an ninh. Cương lĩnh 1991 nêu rõ: “Không ngừng nâng cao giác ngộ và cảnh giác chính trị của nhân dân, xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân trong điều kiện mới, với những lực lượng nòng cốt tinh nhuệ”.
Nghị quyết 08 về Chiến lược An ninh quốc gia ngày 17/12/1998 của Bộ Chính trị đưa ra chủ trương: “Phát động sâu rộng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Dựa vào dân, huy động sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia…”. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX chỉ rõ: “Xây dựng cơ sở chính trị – xã hội, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân… trên các địa bàn chiến lược trọng yếu”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhấn mạnh: “Củng cố và hoàn thiện nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên từng địa bàn tỉnh, thành phố, đặc biệt là trên các địa bàn chiến lược”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, ngày 09/02/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 xác định: “Xây dựng và phát triển kinh tế biển phải gắn chặt với đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với phát triển kinh tế biển”.
Bảo vệ ANTQ là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân. Hiến pháp nước ta qua các thời kỳ đều ghi nhận và quy định về vấn đề này.
Tại Điều 4, Mục A, Chương 2 về nghĩa vụ và quyền lợi của công dân trong Hiến pháp năm 1946 quy định: “Mỗi công dân Việt Nam phải: Bảo vệ Tổ quốc; Tôn trọng Hiến pháp; Tuân theo pháp luật”.
Hiến pháp năm 1959 khẳng định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý nhất của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Công dân có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự để bảo vệ Tổ quốc” (Điều 42).
Điều 50, Hiến pháp năm 1980 nhấn mạnh: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện và hiện đại trên cơ sở kết hợp xây dựng Tổ quốc với bảo vệ Tổ quốc, kết hợp sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân với sức mạnh của toàn dân, kết hợp sức mạnh truyền thống đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm với sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa” và Điều 77 tiếp tục quy định: “Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân”.
Hiến pháp năm 1992 quy định tại Điều 44 và Điều 77: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân nòng cốt là các lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc”, “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân”.
Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định vai trò của quần chúng nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh”.
Trong các biện pháp bảo vệ ANQG được quy định trong Luật ANQG, biện pháp vận động quần chúng tiếp tục được xác định là một trong những biện pháp đặc biệt quan trọng. Vận động quần chúng là trong việc bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH được hiểu là việc huy động và sử dụng sức mạnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự, được thực hiện dưới nhiều hình thức như công khai hoặc bí mật, vận động rộng rãi, vận động tập trung hoặc vận động cá biệt.
Việc tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ” thể hiện chủ trương “lấy dân làm gốc”, “coi dân là gốc” của Đảng, Nhà nước ta trong sự nghiệp bảo vệ ANQG, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; là một hình thức để củng cố, phát huy sức mạnh về tinh thần, vật chất, sự đoàn kết và truyền thống dựng nước, giữ nước của toàn dân tộc được huy động vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia làm nòng cốt.
Bảo An