13 năm TP HCM ấp ủ mô hình chính quyền đô thị
Mô hình chính quyền đô thị được TP HCM ấp ủ 13 năm kỳ vọng tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách và hiệu quả quản lý cho đô thị lớn nhất nước.
Sau hai lần đề xuất thí điểm mô hình chính quyền đô thị vào năm 2007 và 2014 nhưng không được chấp thuận, sáng 16/11 Nghị quyết cho TP HCM triển khai mô hình chính quyền đô thị, không cần thí điểm đã được Quốc hội thông qua với 420 đại biểu (tỷ lệ 87%) tán thành.
Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2021 và thực hiện từ 1/7/2021. Theo đó, chính quyền cấp thành phố gồm có HĐND và UBND thành phố; chính quyền địa phương ở quận, phường là UBND quận, phường (không có HĐND). Các nhiệm vụ của cơ quan dân cử cấp quận, phường được điều chuyển cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố và UBND quận, phường để bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ.
UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng; có nhiệm vụ phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của UBND phường trực thuộc để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện.
UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng; cán bộ, công chức làm việc ở các tổ chức cấp phường thuộc biên chế của tổ chức cấp trên.
Trả lời VnExpress, ông Trương Văn Lắm, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM – người nhiều năm xây dựng Đề án chính quyền đô thị của TP HCM cho biết, việc không tổ chức HĐND ở quận, phường là một trong ba nội dung Đề án chính quyền đô thị TP HCM có từ năm 2007. Thành phố hai lần trình Trung ương nhưng thời điểm đó vướng một số quy định pháp lý nên chưa được chấp nhận.
Lý do TP HCM kiên trì theo đuổi đề án này vì địa phương có dân số, mật độ và quy mô kinh tế lớn nhất nước. Yêu cầu đặt ra, các quyết định quản lý hành chính của chính quyền thành phố phải đến chính quyền cơ sở, người dân, doanh nghiệp nhanh và chính xác nhất, hạn chế cấp trung gian.
Ông Lắm cho biết khi đề án được triển khai, khu đô thị lõi trung tâm TP HCM (19 quận) chỉ còn chính quyền cấp thành phố có HĐND và UBND. UBND quận, phường sẽ là cánh tay nối dài của chính quyền thành phố phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ở địa bàn nông thôn (5 huyện) vẫn có đủ HĐND và UBND.
“Cách tổ chức này phù hợp với xu hướng phát triển, đòi hỏi những quyết sách đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tế. Việc này nhằm tinh gọn bộ máy, tạo sự quản lý hiệu quả của đô thị đặc biệt như TP HCM”, ông Lắm nói.
Khi tổ chức chính quyền đô thị, 316 đại biểu chuyên trách ở HĐND quận và phường phải tinh giản, giúp TP HCM tiết kiệm mỗi năm gần 1.200 tỷ đồng (lương và kinh phí vận hành HĐND hai cấp). Chủ tịch UBND thành phố có quyền bổ nhiệm, cách chức Chủ tịch UBND quận, không cần thông qua HĐND quận như hiện nay. Điều này tương tự ở cấp phường, xã, thị trấn.
Theo nguyên Giám đốc Sở Nội vụ thành phố, mô hình chính quyền đô thị của TP HCM có những điểm khác với Hà Nội và Đà Nẵng.
Thứ nhất, đề án của TP HCM xây dựng khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã có hiệu lực nên không cần thí điểm mà thực hiện luôn. Điều này khác với Hà Nội và Đà Nẵng khi xây dựng chưa có luật trên, hoặc luật đã có nhưng chưa hiệu lực nên phải thí điểm.
Thứ hai, chính quyền đô thị ở Hà Nội không tổ chức HĐND cấp phường, còn ở TP HCM và Đà Nẵng không tổ chức HĐND cả cấp quận và phường.
Ngoài ra, với việc không tổ chức HĐND cấp quận phường, TP HCM được Quốc hội cho thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù giúp bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả hơn, tự chịu trách nhiệm cao hơn. Vì vậy, đề án chính quyền đô thị ở TP HCM được đánh giá có tính đồng bộ, toàn diện hơn so với Hà Nội, Đà Nẵng.
Trước đó, quá trình thẩm tra đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết TP HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, là đầu tàu kinh tế cả nước… Vì vậy, việc nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị phù hợp với TP HCM là cần thiết và mô hình phù hợp sẽ thúc đẩy thành phố phát triển.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, TP HCM chưa phát huy hết tiềm năng do nhiều nguyên nhân, trong đó có một phần mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm đô thị loại đặc biệt. Ngoài ra, tổng kết hơn 6 năm (từ năm 2009 đến năm 2016) thí điểm TP HCM không tổ chức HĐND huyện, quận, phường cho thấy nhiều kết quả tích cực…
Hữu Công/VNE