+
Aa
-
like
comment

12 dự án đắp chiếu: Đã xuất hiện kỳ tích

Diệu Hương - 12/04/2022 11:29

Những năm qua, cụm từ “12 dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành Công Thương” chưa bao giờ hạ nhiệt. Nhưng chính sức nóng đó đã thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Đến nay đã có 5/12 dự án được đưa ra khỏi “danh sách đen” chậm tiến độ, kém hiệu quả; nhiều dự án bắt dầu hồi sinh và có lãi.

Dự án nhà máy đạm Ninh Bình

Hơn 10 năm trước, 12 đại dự án nghìn tỷ với những cái tên tưởng như sẽ tạo ra bước ngoặt thay đổi diện mạo một số ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, như: Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy bột giấy Phương Nam, Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và Nhà máy đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Đạm DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Thép Việt Trung, thế nhưng kết quả đã không như dự tính ban đầu. Dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, nguy cơ thất thoát hơn 60.000 tỷ đồng.

Hơn 60.000 tỷ đồng là con số không chỉ làm “đau đầu” Chính phủ, các Bộ ngành về việc tìm phương án xử lý. Nhưng đồng thời cũng là động lực và mệnh lệnh thôi thúc các đơn vị, nhất là các doanh nghiệp đưa ra các giải pháp cụ thể để tháo gỡ tồn tại. Và để hồi sinh 5 trong số 12 dự án nêu trên, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương, do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban. Bởi những tồn tại của các dự án được xác định là kéo dài qua các nhiệm kỳ. Có những vấn đề thuộc về thị trường do dự báo không sát, nhu cầu sản phẩm thay đổi. Nhưng cũng có những dự án đội vốn nhiều lần, có những tranh chấp phát sinh.

Hiện trạng ngổn ngang của dự án mở rộng giai đoạn 2 công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO)

Có thể nói, chưa bao giờ, chúng ta thấy các dự án nhận được sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục như vậy. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, chưa có nhóm dự án nào mà Bộ Chính trị 2 lần nghe báo cáo tình hình. Quốc hội cũng có Nghị quyết số 33 từ năm 2006 để chỉ đạo giải quyết. Chính phủ khóa trước và khóa này đã có tới 20 cuộc họp để chỉ đạo.

Kết quả, kế thừa kết quả của nhiệm kỳ trước, đặc biệt từ năm 2021, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số dự án trì trệ đã có bước chuyển biến tích cực, có dự án đã hoạt động và kinh doanh có lợi nhuận. Tiêu biểu là nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sau 11 năm đóng băng đã tổ chức đốt lửa lần đầu tổ máy số 1 ngày 23/3 vừa qua, hướng tới mục tiêu hòa lưới điện vào ngày 30/4 và đốt than lần đầu tổ máy 1 vào ngày 16/6 tới đây. Dự án nhiện điện Thái Bình 2 đã minh chứng cho sự sát sao, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế và tinh thần dám làm, dám chịu, nỗ lực quyết tâm của tất cả các bên liên quan.

Nhưng đó cũng chỉ là những thành công bước đầu, vẫn còn 7 trong số 12 đại dự án chưa được xử lý dứt điểm, còn rất nhiều vấn đề nổi cộm, những tồn tại khó gỡ. Nghĩa là vẫn còn hàng chục nghìn tỷ đồng vốn, tài sản của Nhà nước có nguy cơ thất thoát mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tìm cách xử lý dứt điểm.

Với nguyên lý, chỉ khi bắt đúng bệnh mới có thể đưa ra được phương thuốc khả thi và phù hợp nhất. Giới phân tích chỉ ra rằng: Phải mạnh dạn giao quyền cho doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tuân thủ các nguyên tắc của thị trường, thay vì đòi hỏi tuyệt đối. Cần tính cái tối ưu cho lợi ích của doanh nghiệp, cho đất nước. Phải đặt đồng hồ đếm ngược cho tất cả các dự án đang tồn tại, để giải quyết trong thời gian sớm nhất như chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ. Bởi sớm ngày nào, thiệt hại sẽ ít đi ngày đó.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều