+
Aa
-
like
comment

12 đại dự án: “Chấp chới”, chết lâm sàng

27/07/2019 13:20

“Đã chết lâm sàng thì có bơm thuốc bổ cũng chết thôi! Phải xử lý dứt điểm”- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nói về 12 đại dự án thua lỗ.

Một trong những hình ảnh tiêu biểu về 12 đại dự án yếu kém
Một trong những hình ảnh tiêu biểu về 12 đại dự án yếu kém

Khi được bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, tình hình của 12 đại dự án là rất… tình hình.

6 nhà máy thua lỗ mới chỉ có 2 “bước đầu có lãi”; 4 dự án đang “giảm lỗ”: Nhà máy Đạm Hà Bắc giảm lỗ 30,25 tỉ đồng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai giảm lỗ 5,47 tỉ; Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 87,2 tỉ.

2 vừa vận hành trở lại; 1 chuẩn bị khởi động. Và 3 vẫn tiếp tục dở dang, thậm chí bế tắc.

Giảm lỗ. Có nghĩa là đang lỗ chứ đừng nói đến lãi. Vận hành trở lại hay chuẩn bị khởi động không hề là yếu tố đảm bảo không lỗ. 3 cái còn lại, thì đúng là đã “chết lâm sàng”.

Chết lâm sàng là từ dùng của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khi ông nhìn nhận về 12 đại dự án này tại Hội nghị Đảng bộ khối Doanh nghiệp Trung ương.

Những dự án “bắt đầu có lãi”, theo ông, “đó là do thị trường”. Và khi “xử lý các yếu kém, tích tụ thời gian qua là chưa thực hiện” thì ngay cả các dự án có lãi cũng “chấp chới.”

12 đại dự án, trải qua bao năm xử lý với yêu cầu “Đến năm 2020 phải xử lý dứt điểm tồn tại”, nhưng đến thời điểm này vẫn như những “cục nợ” của nền kinh tế, vẫn là nguồn cơn gây bức xúc dư luận nó được nhắc tới.

“Giờ là năm 2019, thử hỏi chúng ta đã xử lý cơ bản chưa? Qua nắm bắt sơ bộ tôi thấy là chưa cơ bản..”- lời ông Nguyễn Văn Bình. Và ông nói một cách hình ảnh: “Một người ốm thì phải ra sức cứu chữa cho người ta nếu thấy họ có khả năng khỏe. Còn cái nào mà yếu quá, vô phương cứu chữa thì cũng phải xử lý nhanh gọn, dứt điểm”.

Xử lý nhanh gọn dứt điểm thế nào cũng chính là cái khó mà ngành Công thương phải đối đầu bao năm qua trước những vấn đề lịch sử, nhất là khi việc xử lý thực hiện trong điều kiện “không bỏ thêm bất cứ đồng vốn nhà nước nào”.

12 “cục nợ” đã được chuyển sang Siêu Ủy ban, nói như ĐBQH Hoàng Văn Cường, có thể là bước tạo chuyển biến khi nó “chấm dứt được tình trạng bao bọc, tạo ra những lợi thế cạnh tranh không bình đẳng, dẫn tới tâm lý ỷ lại, không cần và không có sức ép phải cạnh tranh để phát triển” và cũng là cơ hội “làm lộ ra những dự án không tiềm năng, không khả năng phục hồi, tồn tại chỉ nhờ dựa vào lợi thế được “ban phát” để “sớm muộn cũng phải phá sản”.

Tất nhiên, trừ việc chuyển sang một siêu ủy ban đang quản lý 1 triệu tỉ đồng, tổng giá trị tài sản trên 2,3 triệu tỉ đồng lại bỏ vốn ra cứu để lại sa vào cái vòng luẩn quẩn “nuôi mãi dự án không có tiềm năng, càng giữ dự án càng lỗ, càng đổ thêm tiền càng mang nợ”.

(Theo Lao Động)

Bài mới
Đọc nhiều