+
Aa
-
like
comment

‘11 kỳ họp Quốc hội diễn ra dân chủ, công khai, chất lượng’

15/03/2021 10:25

Đánh giá về hoạt động của Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng ‘hiệu quả được nâng lên, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước, để lại nhiều dấu ấn quan trọng’.

Sáng nay (15-3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để cho ý kiến vào dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội.

Một phiên họp toàn thể của Quốc hội khóa XIV – Ảnh: Quochoi.vn

“Tuy còn có điểm chưa hoàn toàn đáp ứng được như mong muốn của cử tri, nhưng hoạt động của Quốc hội đã luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước” – Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Theo ông Phúc, trong số 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật đã được thông qua, có những đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế – xã hội, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thể hiện tính kịp thời, sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, nhiều hiệp định thương mại, công ước, điều ước quốc tế quan trọng được phê chuẩn, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế phù hợp với lợi ích của quốc gia.

“Tuy nhiên, hoạt động lập pháp cũng còn những hạn chế nhất định. Tính dự báo trong việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa cao, chương trình còn phải điều chỉnh nhiều.

Việc lấy ý kiến về dự án có lúc còn hình thức, thời gian ngắn, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ; có nội dung đánh giá tác động chính sách chưa sâu, có chính sách mới được bổ sung nhưng chưa được đánh giá tác động” – Tổng thư ký nói.

Về phía các cơ quan của Quốc hội, “một số báo cáo thẩm tra còn có nội dung chưa thể hiện rõ quan điểm, chưa cung cấp đầy đủ luận cứ phục vụ việc xem xét, lựa chọn các phương án đối với một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau”.

Nguyên nhân của những hạn chế, theo dự thảo báo cáo, là “do đất nước đang trong quá trình phát triển, các quan hệ kinh tế – xã hội thay đổi nhanh. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong công tác chuẩn bị dự án, dự thảo; chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn, nhất là việc gửi dự án luật đến các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội”.

Đánh giá về hoạt động chất vấn, dự thảo báo cáo khẳng định đây là hoạt động tiếp tục có nhiều đổi mới, nhất là cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn” đã tạo điều kiện để tăng cả về số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, cả về nội dung và chất lượng câu hỏi, câu trả lời, tạo không khí sôi nổi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước.

“Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hoạt động, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước” – Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Tôi thấy “nợ dân 2 điều”

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu tự hào về những thành tích Quốc hội khóa XIV đạt được, để lại rất nhiều dấu ấn.

Tuy vậy, trong tư cách đại biểu Quốc hội ứng cử tại An Giang, ông Giàu thấy nợ dân điều thứ nhất là chính sách trong sản xuất nông nghiệp, vẫn còn tình trạng người dân sản xuất ra hàng hóa nhưng hiệu quả không cao, nhiều khi được mùa rớt giá.

Điều thứ hai là phát triển cơ sở hạ tầng đối với Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn còn nhiều tồn tại, bức xúc.

“Chúng ta cần triển khai tuyến đường sắt TP.HCM đi Cần Thơ để vận chuyển hàng hóa” – ông mong muốn.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều