+
Aa
-
like
comment

‘100% ĐBQH chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì cũng khó thực quyền’

26/05/2020 12:35

Đại biểu Lê Thanh Vân tranh luận với các ý kiến cho rằng cần nâng cao tỉ lệ ĐBQH chuyên trách với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học.

100% ĐBQH chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì cũng khó thực quyền - Ảnh 1.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đồng Tháp – Ảnh: VIỆT DŨNG

Sáng nay (26-5), Quốc hội đã họp phiên toàn thể trực tuyến để thảo luận dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Dự kiến dự luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Đa số các ý kiến phát biểu đồng tình với quy định tỉ lệ tối thiểu ĐBQH chuyên trách là 40% (hiện tại là hơn 30%), cho rằng nâng cao tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách sẽ tăng cường nhân sự cho Quốc hội, giúp các hoạt động của Quốc hội chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

“Tôi tán thành quy định Quốc hội có ít nhất 40% đại biểu hoạt động chuyên trách để tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả” – đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ. Ông cũng đồng tình với quy định tỉ lệ 3-5% ĐBQH là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn sức khỏe và không tham gia công tác quản lý.

“Tôi cũng đề nghị giảm tỉ lệ ĐBQH là người ở cơ quan hành chính, công an, quân đội” – đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Cũng đồng tình quy định 3-5% các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý còn sức khỏe tham gia Quốc hội, hoạt động chuyên trách để đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) nhấn mạnh đến chất lượng đại biểu khi lựa chọn.

Trong khi đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) phân tích: Trong những năm qua chúng ta chủ yếu lựa chọn ĐBQH theo tính đại diện (cơ cấu). Vì vậy, hoạt động Quốc hội đang có sự mâu thuẫn giữa tính đại diện và tính chuyên sâu. Việc lựa chọn các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đạt tỉ lệ nào đó không phải là dễ.

Giơ bảng sử dụng quyền tranh luận, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng quan niệm cần tăng cường ĐBQH là chuyên gia, nhà khoa học là chưa đúng. “Vì ĐBQH là chính trị gia, là những người am hiểu về nguyên lý vận hành quyền lực, có năng lực đề xuất chính sách, xây dựng chính sách” – ông Vân nói.

Vấn đề quan trọng, theo đại biểu Lê Thanh Vân, là tăng cường năng lực cho ĐBQH mà trước hết là năng lực pháp lý, năng lực lập pháp của ĐBQH. Có như vậy mới đảm bảo quyền khởi xướng chính sách của ĐBQH.

“Tính chuyên nghiệp mới quan trọng, cho dù có 100% chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì cũng không đảm bảo thực quyền, vẫn thiếu hiệu quả” – ông nói.

Từ thực tế, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) nhận xét rằng “vẫn còn không ít ĐBQH trúng cử nhưng suốt nhiệm kỳ ngán ngại phát biểu tại hội trường và tại tổ. Một số đại biểu phát biểu chưa đúng trọng tâm, chưa đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, chưa đúng tầm của ĐBQH”.

LÊ KIÊN/TT

Bài mới
Đọc nhiều