10 tàu ngầm tối tân Nga áp sát bờ biển Mỹ, 6 TSB Mỹ nằm yên ở cảng: Chưa từng có tiền lệ!
Chiến dịch triển khai hạm đội tàu ngầm lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay của Nga đã bộc lộ những thách thức vô cùng to lớn đối với cả Mỹ và khối quân sự NATO.
Nga đã triển khai 10 tàu ngầm vũ trang hạng nặng để thực hiện một sứ mệnh chưa từng có kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay.
Cụ thể, được đích thân Tổng thống Vladimir Putin phê chuẩn, hạm đội tàu ngầm hùng hậu này của Nga sẽ di chuyển áp sát lãnh hải Na Uy và thẳng tiến tới gần bờ biển phía Đông nước Mỹ.
Trong số 10 tàu ngầm tham gia sứ mệnh này thì có tới 8 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân và chúng đều được trang bị các vũ khí hạng nặng như ngư lôi, thủy lôi, tên lửa đạn đạo và tên lửa hạt nhân.
Các đây vài ngày, biên đội tàu ngầm trên đã rời khỏi các căn cứ bí mật ở Bán đảo Kola trên vùng biển Bắc Cực và di chuyển bám sát bờ biển phía Bắc Scotland.
Cơ quan tình báo Na Uy hiện đang theo dõi chặt chẽ hành trình của hạm đội tàu ngầm Nga bằng việc tăng cường các chuyến bay trinh sát trên biển.
Các nguồn tin tình báo Na Uy nhận định, Nga muốn triển khai biên đội tàu ngầm đồ sộ này ở mức xa nhất có thể tới Bắc Đại Tây Dương mà không để các lực lượng NATO phát hiện, lặn ngầm xuống phía Bắc Scotland qua vùng biển Greenland – Iceland – Anh.
“Nga muốn tuyên bố khu vực này là của chúng tôi, chúng tôi có thể làm điều này và chúng tôi đủ khả năng vươn tới Mỹ”, Cục tình báo Quân đội Na Uy nhận định.
Chiến dịch triển khai biên đội tàu ngầm lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay của Moscow đã bộc lộ những thách thức vô cùng to lớn đối với NATO.
Đặc biệt, nó lại diễn ra trong bối cảnh, Knyaz Vladimir – tàu ngầm năng lượng hạt nhân tiên tiến nhất của Nga vừa mới lần đầu tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Bulava tấn công mục tiêu từ khoảng cách hàng nghìn dặm.
Vụ thử nghiệm được thực hiện ở vùng Biển Trắng ngoài khơi bờ biển phía Tây Bắc nước Nga và tàu ngầm Knyaz Vladimir đã phóng đi một tên lửa vươn tới tận thao trường ở vùng Kamchatka phía Đông.
Đây được đánh giá là một động thái phô diễn sức mạnh mang tính lịch sử và nó cho thấy Nga đủ khả năng bảo vệ các căn cứ của mình, đồng thời vẫn đe dọa được cả các cơ sở quân sự của Mỹ ở bờ biển phía Đông.
Một diễn biến khác cũng đặc biệt đáng chú ý ở thời điểm hiện tại là toàn bộ 6 tàu sân bay Hải quân Mỹ ở bờ biển Đại Tây Dương đều chưa thể sẵn sàng chiến đấu bởi tất cả chúng đang neo đậu ở Norfolk, Virginia.
Theo hãng tin Sputnik thì nguyên nhân của tình trạng này là 6 hàng không mẫu hạm trên của Mỹ đều đồng loạt cần phải sửa chữa. Đầu năm nay, một vài chiến hạm cỡ lớn 100.000 tấn cũng đã quay về căn cứ ở Norfolk để đại tu, song những chiếc còn lại cũng gặp các trục trặc bất ngờ.
Chuyên gia chính sách đối ngoại Bruce Jones của Viện Brookings nhận xét, biên đội tàu ngầm mà Nga đang triển khai là một thách thức quốc phòng vô cùng to lớn đối với cả Anh, Mỹ nói riêng và khối NATO nói chung.
“Nó cho thấy số lượng tàu chiến của chúng ta đã giảm sút trầm trọng đến mức nào và các hệ thống cảnh báo của chúng ta trên khắp Đại Tây Dương đã bị suy giảm. Đây thực sự là một diễn biến rất nghiêm trọng”.
Anh Tú/Soha News