+
Aa
-
like
comment

10 ngày dập dịch không phải là cái cớ để “hỏi tội” Chính phủ

Thu An - 03/02/2021 17:22

Khi cả nước đang hừng hực chuẩn bị đón Tết Nguyên đán thì đùng, dịch tái bùng phát tại Quảng Ninh, rồi Hải Dương. Cả Chính phủ lại hối hả vào cuộc, Trưởng ban chỉ đạo chống dịch lại tiếp tục nhận lệnh lăn xả vào vùng tâm dịch. Thế nhưng, đáng tiếc thay sự nỗ lực ấy đang bị mang ra đánh giá, bỉ bôi, cân đong đo đếm, thậm chí xuyên tạc về một Chính phủ mâu thuẫn, đấu đá nội bộ bởi phát ngôn dập dịch 10 ngày của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Khi nói, quyết tâm dập dịch trong vòng 10 ngày, ai cũng hừng hực khí thế chống dịch. 10 ngày là cái mốc để thể hiện quyết tâm, để mọi người nỗ lực hết sức. 10 ngày là khát khao có một cái Tết an lành cho nhân dân. 10 ngày là thể hiện sự nhất trí đồng lòng của cả nước cùng chống dịch. Nhưng cái không thể ngờ, 10 ngày ấy lại là cái cớ để cho ai đó yêu cầu Chính phủ phải dẹp xong dịch, là cái cớ để quy đổi trách nhiệm cá nhân?

Về phát ngôn “10 ngày dập dịch”, khi tra lại các thông tin trước đó, một số tờ báo đã trích nguyên văn câu nói của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam như thế này: “Đến giờ phút này, dù không chủ quan nhưng tình hình cũng đã được kiểm soát. Chiều hôm qua, chúng tôi tự hứa với nhau cố gắng trong 10 ngày khoanh trọn dịch. Đến nay, trừ 2 ngày còn 8 ngày. Cố gắng từng giờ từng phút, khoanh gọn và dập được đúng thời hạn. Cố phấn đấu trước tết ông Công, ông Táo”. Câu chuyện lời hứa 10 ngày vốn chỉ nằm gọn ở đấy.

Vậy nên nếu căn cứ vào lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long rằng, “Lần bùng dịch lần này, khó khăn hơn, phức tạp hơn, khác hẳn đợt dịch ở Đà Nẵng”, thì lý ra cái điều mà chúng ta nên quan tâm ở đây không phải là thời gian 10 ngày hay 20 ngày, mà chúng ta đã nỗ lực đối phó với dịch bệnh như thế nào? Tại sao không quan tâm đến việc những vị lãnh đạo Chính phủ cùng các vị lãnh đạo địa phương đã xuyên đêm vội vã, khẩn trương, trực tiếp chỉ đạo, làm việc để đưa ra những quyết sách tối ưu và nhanh nhạy nhất về chống dịch?

Thậm chí, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, có rất nhiều người đã hoãn lại lịch trình di chuyển về quê ăn Tết, thế nhưng chẳng ai oán trách câu nào. Ấy thế mà, không hiểu sao có những kẻ mang danh là làm truyền thông, là người trực tiếp xông pha sát cánh cùng lãnh đạo nhà nước, chứng kiến những khó khăn vất vả của họ mà lại cố tình có những câu hỏi móc ngoáy, quy đổi trách nhiệm đến lạnh lùng như vậy? Chẳng lẽ, các anh chị đã quên mất rằng, Chính phủ và người dân đã Việt Nam đã tạo ra những kỳ tích đáng kinh ngạc trong 3 đợt dịch vừa qua.

Chẳng lẽ chỉ vì, chúng ta đã kiểm soát tốt, không để lây nhiễm nCoV ra cộng đồng dẫn đến việc người ta đã không còn đeo khẩu trang nữa, các rạp chiếu phim đã có những bộ phim doanh thu trăm tỷ bán ra hàng triệu vé, các khu du lịch đã chạy những chương trình khuyến mãi lớn, các giải chạy marathon hàng nghìn người tổ chức khắp nơi, báo cáo cuối năm của ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng 2,65%, dẫn tới việc toàn dân háo hức đón tết thì có quyền yêu cầu Chính phủ phải làm tốt và tốt hơn nữa trong đợt dịch này?

Lý ra những người làm truyền thông, phải là lực lượng tiên phong đưa thông điệp của Chính phủ và cung cấp đầy đủ thông tin để mọi người có cái nhìn khách quan hơn về trận chiến này, chứ không phải để đích thân Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, “Chống Covid -19 mạnh mẽ nhưng không để hoảng loạn”.

Hãy nhớ mới đây, chính Thủ tướng đã nhấn mạnh, việc phấn đấu trong 10 ngày kiểm soát được dịch bệnh là quyết tâm chính trị lớn, đòi hỏi mọi cấp, mọi ngành và người dân phải chung tay thực hiện.

Thu An

Bài mới
Đọc nhiều