+
Aa
-
like
comment

10 năm tới, tập trung xây dựng xong hạ tầng hiện đại cho ĐBSCL

14/03/2021 07:49

Tầm nhìn đến năm 2050 của vùng ĐBSCL được xác định theo hai khía cạnh, “nơi sống tốt” khi nhìn từ bên trong vùng và “nơi đáng đến” khi nhìn từ ngoài vùng.

Còn trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030, sẽ tập trung đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu cho khu vực.

Tăng cường đầu tư là giải pháp tối quan trọng trong giai đoạn đầu thực hiện quy hoạch vùng ĐBSCL. - Ảnh: VGP/Hoàng Giám
Tăng cường đầu tư là giải pháp tối quan trọng trong giai đoạn đầu thực hiện quy hoạch vùng ĐBSCL. – Ảnh: VGP/Hoàng Giám

Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trước thềm Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tổng thể, tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch.

Việc lập Quy hoạch vùng ĐBSCL cũng là một trong 5 giải pháp tổng thể được đề ra trong Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Quy hoạch đang được tổ chức thẩm định, dự kiến trình phê duyệt trong quý II năm 2021.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, đang có không ít khó khăn, thách thức trong xây dựng Quy hoạch này.

“Thách thức chính và cũng là nhiệm vụ chính của Quy hoạch vùng ĐBSCL đã được chỉ ra rất rõ trong Nghị quyết số 120 đó là phải làm thế nào để giải quyết đồng bộ các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, biến thách thức thành cơ hội, hướng tới mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL bền vững, an toàn, thịnh vượng, chủ động thích ứng với BĐKH”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Qua rà soát, hiện nay có hơn 20 bản quy hoạch được lập cho vùng ĐBSCL, trong đó chưa kể đến hàng trăm quy hoạch cấp quốc gia có liên quan đến Vùng. Việc lập riêng rẽ nhiều quy hoạch riêng rẽ, thiếu liên kết; quy hoạch không gắn với khả năng cân đối nguồn lực, thiếu tính khả thi và sử dụng nguồn lực không hiệu quả.

Đối với vùng ĐBSCL, thách thức chính hiện nay liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước, tác động của BĐKH, nước biển dâng và thiên tai. Đây là những vấn đề có tính chất liên ngành, vượt qua ranh giới hành chính của một tỉnh, thành phố và liên quan cả cấp khu vực là tiểu vùng sông Mekong. Tuy nhiên, các chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch đã, đang được thực hiện theo góc nhìn từ ngành, lĩnh vực và từng địa phương riêng rẽ, thiếu sự tính toán đến tác động tổng thể lên toàn đồng bằng, tác động đến ngành khác, địa phương khác và tác động tích lũy lâu dài theo thời gian.

Ở bình diện quốc gia, vùng ĐBSCL trong nhiều thập kỷ qua được giao trọng trách về việc bảo đảm an ninh lương thực, đặc biệt là việc mở rộng, duy trì diện tích đất trồng lúa song hành với việc phát triển hệ thống thủy lợi để ngọt hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả về phát triển kinh tế – xã hội, mô hình phát triển này cũng gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng về môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL cũng đối mặt với nhiều thách thức khác về cơ sở hạ tầng, lao động, di dân, an sinh xã hội… nếu như không được quan tâm giải quyết thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực, gia tăng sức ép về cung ứng dịch vụ đối với vùng lân cận, đặc biệt là vùng TPHCM.

Nhận thức được vấn đề này, Nghị quyết số 120 đã xác định tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển mới theo hướng phát triển “thuận thiên”, tôn trọng quy luật tự nhiên, biến thách thức từ BĐKH thành cơ hội phát triển.

“Để cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 120, Quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ xác định các định hướng, giải pháp cụ thể đối với các ngành, lĩnh vực, định hướng tổ chức không gian phát triển, hệ thống đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng, quản lý và sử dụng tài nguyên một cách bền vững thích ứng với BĐKH”, Thứ trưởng Phương khẳng định.

Tầm nhìn đến năm 2050 của vùng ĐBSCL được xác định theo hai khía cạnh: “Nơi sống tốt” khi nhìn từ bên trong vùng và “Nơi đáng đến” khi nhìn từ ngoài vùng. - Trong ảnh: TP Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang. - Ảnh: VGP/Hoàng Giám
Tầm nhìn đến năm 2050 của vùng ĐBSCL được xác định theo hai khía cạnh: “Nơi sống tốt” khi nhìn từ bên trong vùng và “Nơi đáng đến” khi nhìn từ ngoài vùng. – Trong ảnh: TP Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang. – Ảnh: VGP/Hoàng Giám

Để vượt qua các thách thức, tận dụng được cơ hội, quan điểm chủ đạo trong Quy hoạch là phát triển bền vững, thuận thiên, được cụ thể hóa phù hợp với điều kiện của vùng ĐBSCL. Đó là, kiến tạo phát triển bền vững trên cơ sở ổn định, cải thiện nền tảng sinh thái môi trường, làm giàu vốn tự nhiên, phát triển vốn xã hội – con người, tăng cường kết nối và văn hoá, từ đó đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đa dạng, chống chịu với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.

Về định hướng phát triển dài hạn, quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 kế thừa những quan điểm, định hướng phát triển dài hạn đã được xác định trong Nghị quyết số 120/NQ-CP và dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII để có lộ trình, bước đi cần thiết, phù hợp để đạt được tầm nhìn dài hạn.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, tầm nhìn đến năm 2050 của vùng ĐBSCL được xác định theo hai khía cạnh: “Nơi sống tốt” khi nhìn từ bên trong vùng và “Nơi đáng đến” khi nhìn từ ngoài vùng.

ĐBSCL phát triển bền vững, là nơi sống tốt cho những người dân ở đây, an toàn trước những ảnh hưởng lớn của tự nhiên, đảm bảo về an ninh quốc phòng, đa dạng về văn hoá cũng như hoạt động kinh tế, bền vững về môi trường sinh thái. Trên cơ sở phát huy những yếu tố nền tảng này mà phát triển thịnh vượng và bao trùm, không để ai bị bỏ lại trong quá trình phát triển.

Nhìn từ bên ngoài, ĐBSCL là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và du khách. Sự hấp dẫn là từ góc độ cơ hội kinh tế bền vững, cảnh quan, sinh thái, môi trường.

Tầm nhìn này được xây dựng dựa trên hai giải pháp chiến lược chính: Quản lý thách thức và Tạo giá trị. Các thách thức bao gồm thách thức từ bên ngoài, như quản lý tài nguyên nước, BĐKH, nước biển dâng và các thách thức nội tại. Việc tạo giá trị sẽ đòi hỏi kết cấu hạ tầng đồng bộ, người dân có trình độ giáo dục tốt hơn và có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong tăng trưởng và sự thịnh vượng lâu dài của vùng ĐBSCL.

Về định hướng phát triển trung hạn (đến năm 2030), Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, mục tiêu là phát triển vùng ĐBSCL thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp để kết nỗi chuỗi giá trị và làm gia tăng hiệu quả tại mỗi khâu trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Kinh tế nông nghiệp dựa trên ba trọng tâm: thủy sản – cây ăn quả – lúa, đảm bảo gắn kết chuỗi sản phẩm hàng hóa; phát triển công nghiệp xanh, chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp; phát triển dịch vụ – du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế về đặc điểm tự nhiên, sinh thái, văn hóa, con người với hiệu quả kinh tế cao.

Năng lượng tái tạo, kinh tế số, sáng tạo, AI, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… là tương lai của ĐBSCL do không đòi hỏi nhiều về điều kiện tự nhiên, nguyên liệu và không gian phát triển, trong khi hoàn toàn có tiềm năng chiếm từ 5%-30% GDP toàn vùng tùy vào khả năng chuyển đổi cơ cấu kinh tế và chiến lược thu hút nhân tài của vùng; đòi hỏi các giải pháp về xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và cải thiện môi trường sống, nhất là đối với các lợi thế sẵn có của ĐBSCL như giá trị đa dạng sinh học, môi trường và cảnh quan văn hóa…

Phát triển các hành lang kinh tế và chuỗi đô thị động lực; tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng, ứng dụng công nghệ cao với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với BĐKH, tăng cường kết nối nội vùng, trong nước và quốc tế.

Tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân địa phương gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái quan trọng của vùng; duy trì và tôn tạo bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc; chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển thịnh vượng lâu dài của Vùng.

Một dự án điện gió tại Bạc Liêu. - Ảnh: VGP/Hoàng Giám
Một dự án điện gió tại Bạc Liêu. – Ảnh: VGP/Hoàng Giám

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tăng cường đầu tư là giải pháp tối quan trọng trong giai đoạn đầu thực hiện quy hoạch vùng ĐBSCL. Do vậy, quan điểm chỉ đạo quy hoạch là tập trung đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030.

Sau khi nghiên cứu, rà soát, đánh giá sự phù hợp, hiệu quả của các định hướng, giải pháp đã và đang được thực hiện trong quy hoạch thời kỳ trước, Quy hoạch vùng ĐBSCL đề xuất một số định hướng, giải pháp chủ đạo cần tập trung triển khai cho thời kỳ tiếp về kết cấu hạ tầng.

Trong đó, chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, đặc biệt là giáo dục và y tế. Tập trung xây dựng, hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc hỗ trợ việc phát triển các khu vực động lực phát triển của Vùng, trong đó trong giai đoạn đến năm 2030 ưu tiên đầu tư hoàn thiện các trục cao tốc Bắc – Nam phía Đông và phía Tây, các tuyến kết nối giữa các đường cao tốc.

Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của Vùng; nâng cao thị phần vận tải container, trong đó chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối của vùng với các cảng biển tại TPHCM, đặc biệt là cảng Cái Mép – Thị Vải phục vụ xuất khẩu. Giải quyết vấn đề tĩnh không các cầu đường bộ và cống, đập nhằm đảm bảo sự vận hành hiệu quả của các tuyến đường thủy nội địa quốc gia.

Nâng cấp, cải tạo, duy trì các tuyến luồng hàng hải trong vùng. Nghiên cứu xây dựng cảng biển Sóc Trăng theo định hướng xã hội hóa, đảm nhận vai trò là cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL (loại đặc biệt).

Nghiên cứu đầu tư đường sắt TPHCM – Cần Thơ để tăng cường liên kết kinh tế với các trung tâm kinh tế lớn của quốc gia.

Phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng thủy lợi phục vụ việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng cơ chế vận hành các công trình thủy lợi phù hợp, đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và cấp nước thô phục vụ nhu cầu sinh hoạt và công nghiệp trong mùa khô.

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng cấp nước thô liên tỉnh để giải quyết vấn đề thiếu nước cho các tỉnh ven biển trong mùa khô.

Phan Nghĩa

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều