10 năm, tiết giảm hàng chục nghìn tỉ đồng nhờ cải cách hành chính
Quá trình thực hiện cải cách hành chính thời gian qua, gắn với triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020 đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước ta, đồng thời tiết giảm hàng triệu ngày công và hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm.
Mỗi năm cắt giảm 6.300 tỉ đồng
Theo dự thảo báo cáo của Chính phủ tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng giai đoạn 2021 – 2030, ngay sau khi chương trình tổng thể được ban hành, các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới chính quyền địa phương các cấp đều triển khai thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo và hàng năm, Chính phủ, Ban Chỉ đạo đề ra các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính mang tính toàn diện, đồng bộ và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch cải cách hành chính một cách thiết thực, cụ thể, phù hợp với chương trình tổng thể cũng như thực tiễn của các bộ, tỉnh.
Ở nội dung thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), trong 10 năm qua, việc triển khai thực thi phương án đơn giản hóa TTHC theo 25 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ được các bộ, ngành thực hiện cơ bản hoàn thành với việc đơn giản hóa 4.527/4.723 TTHC, đạt tỉ lệ 95.85% (chỉ tính đến tháng 12.2016).
Theo đánh giá của Chính phủ, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa dòng hàng đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó chỉ riêng trong năm 2018, các bộ trình ban hành được 28 văn bản để chính thức cắt giảm 3.345/6.191 điều kiện kinh doanh (54,5%), đạt 108,1%, vượt 8,1% so với chỉ tiêu giao. Bước sang năm 2019, Chính phủ ban hành 09 Nghị định để cắt giảm, đơn giản hóa thêm 309 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm đến cuối tháng 2.2019 là 3.654/6.191 điều kiện kinh doanh. Các bộ đồng thời trình ban hành và ban hành được 21 văn bản quy phạm pháp luật, qua đó cắt giảm, đơn giản hóa 30 thủ tục và 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (68,2%), đạt 136,5%, vượt 36.5% so với chỉ tiêu giao và vượt 13% so với phương án dự kiến của các bộ.
Đáng chú ý tại cuộc họp Chính phủ mới đây, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, Chính phủ cắt giảm, đơn giản hóa được 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.
Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm và tương đương hơn 6.300 tỉ đồng/năm. Hoạt động kiểm tra chuyên ngành có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức theo hướng toàn diện, thực chất hơn. Nhiều bộ, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phân định đầu mối kiểm tra chuyên ngành, giảm chồng chéo về thẩm quyền. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ ngành có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.
Đẩy mạnh số hóa TTHC
Dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có những chuyển biến mạnh mẽ và trở thành điểm sáng của nhiệm kỳ Chính phủ khoá XIV, đặc biệt là trong những năm 2018, 2019 và những tháng đầu năm 2020, dự thảo báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận TTHC trên một số lĩnh vực hiện vẫn còn nhiều rườm rà, phức tạp; vẫn còn tình trạng một số luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật không thống nhất, có nhiều điểm bất đồng, gây khó khăn cho cả cơ quan chức năng và người dân, doanh nghiệp khi thực hiện giải quyết TTHC.
Bên cạnh đó, tình trạng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp không niêm yết công khai các TTHC, hoặc niêm yết các TTHC cũ, hết hiệu lực thuộc phạm vi giải quyết của mình, đồng thời còn có hiện tượng yêu cầu thêm nhiều giấy tờ không được quy định trong bộ hồ sơ khi giải quyết các TTHC tại một số cơ quan, đơn vị, gây bức xúc cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Theo đó trong giai đoạn 10 năm 2020-2030 tới đây, dự thảo báo cáo của Chính phủ định hướng các quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước cần tiếp tục được đẩy mạnh cải cách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cắt giảm chi phí tuân thủ. Đồng thời thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, thành phần hồ sơ và các điều kiện TTHC không cần thiết, không hợp lý, đảm bảo thực chất.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2020-2030, hoạt động cải cách cắt giảm TTHC cần hướng đến tăng cường giải quyết TTHC trên môi trường điện tử: Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ; trao đổi văn bản trên môi trường mạng; số hóa kết quả TTHC để nâng cao tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí. Chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa các cấp để cải thiện chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Được khai trương vào tháng 12.2019, Cổng Dịch vụ công Quốc gia (www.dichvucong.gov.vn) là đầu mối kết nối với các cổng dịch vụ công và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về TTHC và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với từng đối tượng.
Chỉ tính đến đầu tháng 5.2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia có trên 35 triệu lượt truy cập với trên 134 nghìn tài khoản đăng ký, trên 7 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái, trên 55 nghìn hồ sơ được thực hiện qua cổng đồng thời tiếp nhận, hỗ trợ trên 10 nghìn cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỉ đồng/năm, trong đó riêng Cổng Dịch vụ công Quốc gia đóng góp 3.036 tỉ đồng/năm.
Việt Nam nâng hạng cạnh tranh nhờ điểm sáng cải cách hành chính
Trao đổi với Báo Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Hành chính cho rằng, thời gian vừa qua chúng ta đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (CCHC) ở mọi khâu, mọi lĩnh vực trong hoạt động kinh tế xã hội. Đây là một trong những điểm sáng để Việt Nam được nâng hạng cạnh tranh, nâng cao chỉ số về phát triển kinh tế xã hội.
Đặc biệt, trong năm 2019 và 2020 các cơ quan, bộ ngành đã cắt giảm hàng nghìn thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, hay văn bản quản lý hành chính. Theo ông Thịnh, việc cắt giảm đó là những bước khởi động ban đầu mang tính bề rộng còn về mặt bề sâu thì rõ ràng có những bước tăng trưởng phát triển trong CCHC. Vị chuyên gia này cho rằng, trong năm 2020 khi đại dịch COVID-19 xảy ra, việc số hóa và thực hiện hoạt động công ích được tiến hành qua mạng Iternet cũng như hình thức số góp phần giảm thời gian tiếp cận thông tin, thời gian tiếp cận các chính sách chế độ quản lý của người dân, của doanh nghiệp trong nền kinh tế. Cũng trong những năm qua, nhiều nghị quyết liên quan đến cải CCHC đã được Chính phủ ban hành, nhất là về công tác xây dựng pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp vẫn mong muốn khả năng đổi mới, CCHC cao, thực chất hơn. Có thể kể đến, một số cơ quan, đơn vị đã quán triệt chỉ đạo, điều hành qua môi trường điện tử, hạn chế sử dụng văn bản giấy, nâng cao hiệu lực quản lý, năng suất lao động và giảm chi phí hành chính. Tuy nhiên, việc sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành tại nhiều nơi chưa mang lại hiệu quả cao, chủ yếu chỉ sử dụng trong việc gửi, nhận văn bản, hỗ trợ công tác văn thư, mà chưa thực hiện chức năng quản lý, chỉ đạo, điều hành qua mạng.
“Rõ ràng, việc đi vào thực chất chưa đảm bảo nên thời gian tới, cần phải đẩy mạnh tính công khai, minh bạch và số hóa. Theo đó, số hóa cũng có thể trở thành lực lượng, giúp cho nền kinh tế giảm chi phí, minh bạch, bình đẳng trong xã hội” – ông Thịnh nói và nhấn mạnh làm thế nào để người dân tương tác với cơ quan nhà nước một cách dễ dàng. Khi người dân vào một trang nào đó họ có thể gửi các văn bản đi hoặc tìm được các văn bản đã ra một cách đơn giản thì lúc đó cải cách mới đi vào thực chất và đáp ứng.
Trong khi đó, PGS-TS Võ Kim Sơn – nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng, CCHC là cách thức làm chứ không phải quan niệm bỏ bớt khâu này, khâu kia.
“Có thể chúng ta thêm một bước nhưng nó rõ ràng, dễ hiểu thì lúc đó người dân vẫn cảm thấy tốt, và đó là hiệu quả của CCHC. Chúng ta đừng nghĩ thêm một bước là gây khó khăn, không phải như vậy” – ông Sơn nói và đưa ra ví dụ trước đây khi đi làm một giấy tờ nào đó có 5 bước nhưng bước thứ 4 chưa rõ ràng thì ta tách ra thêm 1 bước nữa. Lúc đó, lại dễ hiểu hơn và nhanh hơn thì đó là cải cách.
Theo PGS-TS Võ Kim Sơn, trước đây còn một số hạn chế như nhận thức và sự quan tâm của một số cấp uỷ, chính quyền các cấp và một bộ phận cán bộ, công chức về CCHC chưa thật sự đầy đủ, chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Thậm chí, người đứng đầu của một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác CCHC. Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC một số cơ quan, đơn vị, đặc biệt là đối với đơn vị trực thuộc, cấp xã còn nhiều hạn chế. Việc ban hành các kế hoạch về CCHC chưa thực sự gắn với hoạt động, thực tiễn của ngành, đơn vị. Một số nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế – xã hội của đơn vị, địa phương đạt thấp; còn có cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật.
Để khắc phục được tình trạng này, ông Sơn cho rằng, thời gian tới cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá quá trình triển khai thực hiện công tác cải CCHC; Nâng cao năng lực của đội ngũ công chức làm công tác cải CCHC; bố trí đủ nguồn lực tài chính cho cải CCHC.
Cao Nguyên/LDO