10 năm, 700 chuyến xuống cơ sở và tư tưởng trọng dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Theo ông Hồ Xuân Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, những tư tưởng của Bác Hồ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự cho đến ngày hôm nay.
Kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021), chúng ta lại nhớ về vị cha gia dân tộc, nhớ về những tư tưởng, tình cảm của Người dành cho dân tộc, cho đất nước. Với riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho sự quan tâm đặc biệt, đúng không thưa ông?
– Đúng là như vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Người dành cho sự quan tâm đặc biệt.
Bởi Việt Nam là đất nước nông nghiệp, nông nghiệp là cái gốc của sự phát triển. Tại sao trong cuộc đấu tranh cách mạng, Bác Hồ lại kêu gọi công – nông liên minh vì nông dân là lực lượng quan trọng, lực lượng chính của cách mạng.
“Giai cấp nông dân: Nông dân là tối đại đa số trong nhân dân nước ta là bộ phận chủ chốt trong đội ngũ cách mạng, là giai cấp đóng góp nhiều nhất trong kháng chiến”; “Giai cấp nông dân chủ chốt là bần nông và trung nông là quân đội chủ lực của kháng chiến và của cách mạng dân chủ mới… Cách mạng ta hiện nay là chống đế quốc, chống phong kiến. Nông dân là lớp người đông nhất trong Nhân dân, cho nên họ là quân chủ lực của cách mạng” – Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba, khóa II.
Tư tưởng của Bác là muốn “người cày có ruộng”, nghĩa là muốn giúp người nông dân thoát cảnh làm thuê. Đây là tư tưởng lớn, có tính chất xuyên suốt và còn nguyên giá trị đến ngày nay vì mục tiêu của “người cày có ruộng” chẳng phải là muốn đời sống của nông dân được ấm no, hạnh phúc, con cháu được học hành.
Lo cho cuộc sống của nông dân, thấu hiểu rõ những hy sinh, mất mát của người dân nên ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh bãi bỏ thuế khóa, giảm tô 25% và chia ruộng đất của thực dân, phong kiến cho nông dân.
“Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh” – Bác Hồ đã viết như vậy trong thư gửi cho các điền chủ nông gia Việt Nam.
Dành nhiều quan tâm cho nông dân, luôn trăn trở, lo lắng cho cuộc sống của nông dân, lịch sử đã ghi lại, trong 10 năm từ 1955 – 1965, Bác Hồ đã có 700 chuyến đi xuống cơ sở, chủ yếu là đi thăm bà con nông dân.
Hình ảnh vị lãnh tụ giản dị xuống đồng đạp guồng chống úng, tát nước chống hạn, cấy lúa… với dân là minh chứng, là bài học rõ nét, chân thực nhất cho tư tưởng trọng dân, vì dân mà các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước sau này luôn học tập.
Hình ảnh đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho thấy, bất kỳ trong hoàn cảnh nào, nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng được coi trọng vì lúc đó, đất nước đang thiếu lương thực, phải tập trung cao độ để giải quyết việc này.
Vậy ai làm ra lương thực, chính là nông dân. Việc một vị lãnh tụ đích thân đi tát nước chống hạn cho lúa với dân, không chỉ là sự quan tâm mà còn là thể hiện trách nhiệm với dân.
Và nhờ sự quan tâm sâu sát đó, ngay trong khó khăn, miền Bắc đã liên tiếp được mùa, trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến?
– Đó là một thời kỳ gian khổ nhưng hào hùng và nhiều kỳ tích, người nông dân lại được đặt lên vai gánh nặng sản xuất, từng bước xây dựng cơ sở vật chất để lên chủ nghĩa xã hội.
“Nông dân ta đã anh hùng trong cách mạng, trong kháng chiến, trong cải cách ruộng đất, thì trong cuộc cách mạng biến đổi nông nghiệp từ thấp lên cao này nông dân ta cũng phải là anh hùng” – Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định.
Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, ngày 22/7/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, tất cả đường lối, phương châm, chính sách… của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng.
Người cũng chỉ rõ quá trình, bước đi để xây dựng “nông thôn mới” thiết thực, có hiệu quả, đó là phải xây dựng cơ sở vật chất cho người nông dân để họ ổn định và có điều kiện tăng gia sản xuất, trước hết là “nhà ở”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn miền Bắc hào hứng bước vào cuộc cách mạng mới trên đồng ruộng. Tính đến năm 1975, cả nước có 17.000 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 12.200 hợp tác xã so với năm 1958; sản lượng lương thực quy thóc đạt 5,49 triệu tấn, tăng 1,73 triệu tấn so với năm 1955; năng suất lúa đạt 21,1 tạ/ha, tăng 5,2 tạ/ha; đàn lợn có 6,6 triệu con, tăng 4,2 triệu con.
Trong đó, tỉnh Thái Bình nổi lên như một điểm sáng về thành tích cải thiện năng suất lúa. Riêng năm 1972, Thái Bình góp cho nhà nước tới gần 12 vạn tấn thóc và mỗi lao động góp cho nhà nước tới 20 kg thịt lợn.
Có thể khẳng định, giữ vững tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn có những quyết sách mang tính đột phá cho nông nghiệp, ngay cả sửa sai trong cải cách ruộng đất để mở đường cho sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam sau này.
Từ hợp tác xã đến khoán hộ trong nông nghiệp là một cuộc cách mạng và sau này lại tiếp tục có chính sách phát triển hợp tác xã theo đúng nguyên lý của nó, nghĩa là các thành viên cùng có lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ “nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc”. Tư tưởng này còn nguyên giá trị cho đến ngày nay, nhất là ở thời điểm hiện tại khi dịch Covid-19 đã có những tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế – xã hội. Ông đánh giá như thế nào về vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp hiện nay?
– Trong bất kỳ một giai đoạn lịch sử nào, nông nghiệp cũng thể hiện vai trò trụ đỡ. Hiện, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, ngành nông nghiệp vẫn vững vàng giữ vững sản lượng lương thực, cung cấp thực phẩm, rau màu, đảm bảo tiêu dùng cho toàn xã hội.
Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng cho xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm 2020 đã vượt con số 41,2 tỷ USD dù Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Nông nghiệp cũng giải quyết việc làm, không chỉ cho lao động tại chỗ mà cho cả những lao động ở thành phố về quê sinh sống do dịch, nói cách khác, khi dịch Covid-19 xảy ra, nông thôn như là nơi nương tựa của nhiều người.
Như vậy, sau bao nhiêu năm, những giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn nguyên giá trị. Chỉ là tùy từng thời kỳ chúng ta có cách vận dụng cho phù hợp.
“Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. Khi ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất” – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Anh Thơ