10 đại án sẽ xét xử năm 2020 liên quan những “quan lớn” nào?
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, trong năm 2020, sẽ tập trung đưa ra xét xử sơ thẩm 10 vụ án nghiêm trọng, phức tạp. Dư luận quan tậm, trong 10 đại án sẽ xét xử trên, những “quan lớn” nào sẽ liên quan?
Vụ gang thép Thái Nguyên và hàng loạt cán bộ liên quan
Đáng chú ý trong 10 đại án trên là vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Tháng 4/2019, Bộ Công an đã khởi tố, bắt 5 bị can liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên (Công ty TISCO).
Trong đó các bị can Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam), Đậu Văn Hùng (cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam), cùng về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trần Trọng Mừng (cựu Tổng Giám đốc Công ty TISCO), Trần Văn Khâm (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TISCO) và Ngô Sỹ Hán (cựu Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty TISCO), cùng về hai tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Liên quan dự án này, mới đây, tại kỳ họp 42, UBKT Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với các ông: Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch HĐQT; Đậu Văn Hùng, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam; Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch HĐQT; Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng giám đốc; Ngô Sỹ Hán, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty gang thép Thái Nguyên.
Ngoài ra, UBKT Trung ương cũng quyết định cảnh cáo đối với các ông Văn Trọng Lý, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Văn Tài, nguyên hàm Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ; Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất – Khoáng sản, Bộ Tài nguyên – Môi trường, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ. Đồng thời, kỷ luật khiển trách đối với các ông Nguyễn Hữu Vũ, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Đặng Thúc Kháng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT; Lê Phú Hưng, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam.
Đáng chú ý, ngày 10/1, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Ủy viên Ban Cán sự Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ do những vi phạm, khuyết điểm liên quan tới vụ việc này.
Hàng loạt cựu quan chức bị khởi tố liên quan sai phạm “đất vàng” Sabeco, dự án 8-12 Lê Duẩn
Liên quan vụ án sai phạm tại khu “đất vàng” Sabeco, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27/8/2019, Bộ Công an khởi tố ba bị can liên quan đến dự án “đất vàng” tại địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Các bị can bị khởi tố nhưng được cho tại ngoại gồm bà Nguyễn Lan Châu – chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh; ông Lâm Nguyên Khôi – nguyên PGDD Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Quang Minh – nguyên Trưởng phòng Hạ tầng, Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, liên quan đến lô “đất vàng” này, VKSND Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can ông Nguyễn Hữu Tín (SN 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh); ông Đào Anh Kiệt (SN 1957, nguyên Giám đốc Sở TN&MT TP) cùng 3 người khác tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, quy định tại điều 229 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Đối với vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, (Quận 1, TP Hồ Chí Minh), mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Nguyễn Thành Tài (67 tuổi, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM).
Cùng bị truy tố còn có các ông Đào Anh Kiệt (63 tuổi, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM), ông Nguyễn Hoài Nam (55 tuổi, cựu Bí thư Quận ủy quận 2), bà Lê Thị Thanh Thúy (41 tuổi, cựu Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm và Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue) và ông Trương Văn Út (50 tuổi, cựu Phó trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM.
Ngày 9/10/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1958), nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Thủy đã bỏ trốn, đang bị truy nã.
Vụ án xảy ra tại công ty Hải Thành liên quan cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Út trọc
Đối với vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân liên quan đến đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, mới đây, Cơ quan điều tra đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát truy tố các bị can liên quan. Có 8 bị can bị đề nghị truy tố với 3 tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Theo đó, các bị can là ông Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Bình), Vũ Thị Hoan (Công ty TNHH sản xuất Thương mại Yên Khánh) cùng có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Các bị can Bùi Như Thiềm (SN 1959, ngụ TPHCM), Đoàn Mạnh Thảo (SN 1957, ngụ TP Hải Phòng), Bùi Văn Nga (sinh năm 1956, ngụ TP Hải Phòng) và Trần Trọng Tuấn (SN 1964, ngụ TPHCM) cùng bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Bị can Nguyễn Văn Hiến (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đô đốc, Tư lệnh Quân chủng Hải quân – QCHQ) là bị can duy nhất trong vụ án bị đề nghị truy cứu tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo Cơ quan điều tra, ông Hiến là người đứng đầu Quân chủng Hải quân, quá trình triển khai thực hiện các hợp đồng cho các đối tác thuê đất để làm dự án, đã không thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ của mình trong kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, giám sát quá trình thực hiện của cán bộ cấp dưới… Hậu quả là QCHQ mất quyền quản lý có thời hạn 3 khu đất số 2, 7-9 và 9-11 đường Tôn Đức Thắng, TPHCM, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Út trọc và hàng loạt bị can liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Yên Khánh
Đối với vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan, ngày 24/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can 9 bị can; bắt tạm giam 6 bị can, gồm: Dương Tuấn Minh, nguyên Tổng Giám đốc, Dương Thị Trâm Anh, nguyên Phó Tổng Giám đốc và Nguyễn Thu Trang, nguyên Phó Phòng Đầu tư và Quản lý đấu thầu Tổng Công ty Cửu Long về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015;
Tạ Đức Minh, Phạm Tấn Hoàng và Đinh Thị Chung, nhân viên Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 221 Bộ luật Hình sự 2015;
Ra Lệnh tạm giam 3 bị can, gồm: Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt, Giám đốc điều hành và Vũ Thị Hoan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 221 Bộ luật Hình sự 2015 (hiện 03 bị can đang bị tạm giam trong vụ án khác).
Trước đó, tháng 1/2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) ra quyết định bắt khẩn cấp và khám xét đối với Ngô Bá Thắng – giám đốc chi nhánh Long An thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh – vì che giấu doanh số thu phí, trốn thuế xảy ra tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Cùng bị bắt với bị can Thắng còn có: Trần Văn Miền – phó giám đốc chi nhánh Long An thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, trạm trưởng trạm thu phí Chợ Đệm; Tô Phước Hùng – kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh; Nguyễn Thị Kim Huệ – kế toán Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và Nguyễn Văn Hiền – giám đốc Công ty TNHH Xuân Phi.
Hàng loạt bị can bị khởi tố vụ BIDV Chi nhánh Hà Thành, Ethanol Phú Thọ
Ngày 8/1/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Thành, Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng, cùng ngày đã ra các Quyết định, Lệnh tố tụng đối với các đối tượng có liên quan.
Đồng thời, khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với Đoàn Ánh Sáng, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV; Ngô Duy Chính, nguyên Giám đốc; Nguyễn Xuân Giáp, nguyên Phó Giám đốc; Phạm Hồng Quang, nguyên Trưởng Phòng Khách hàng doanh nghiệp 1; Đặng Thanh Nam, nguyên cán bộ Phòng Khách hàng doanh nghiệp 1 BIDV, Chi nhánh Hà Thành về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại Điều 206, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với Đoàn Hồng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015 và áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam.
Liên quan vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) trong Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ, tháng 6/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đỗ Văn Quang (47 tuổi – chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp và dân dụng dầu khí – PVC-IC thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí VN- PVC) do vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm. Đồng thời, khởi tố đối với ông Phạm Xuân Diệu (59 tuổi, nguyên chủ tịch PVC), hiện là phó ban nhiệt điện Sông Hậu và ông Nguyễn Ngọc Dũng (63 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc PVC).
Trước đó, ngày 14/11/2018, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam các bị can: Nguyễn Xuân Thủy, nguyên phó trưởng phòng đầu tư dự án; Khương Anh Tuấn, nguyên phó trưởng phòng thương mại; Hoàng Đình Tâm, nguyên trưởng phòng tài chính – kế toán PVB, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Thanh Thái (sinh năm 1960), trưởng phòng thương mại của PVB về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điều 224 Bộ luật hình sự.
Cựu Tổng giám đốc SAGRI Lê Tấn Hùng bị khởi tố 2 tội danh
Đối với vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, ngày 24/8/2019, bị can Lê Tấn Hùng, nguyên tổng giám đốc SAGRI bị khởi tố về tội danh tham ô tài sản. Trước đó, bị can này đã bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Cùng bị khởi tố về hai tội danh trên còn có bị can Nguyễn Thị Thúy, 53 tuổi, nguyên kế toán trưởng.
Cùng bị khởi tố, bắt giam về tội “tham ô tài sản”, quy định tại khoản 4, điều 353 bộ luật Hình sự 2015 còn có: Trần Văn Trường, 43 tuổi, Giám đốc Công ty CP du lịch Thanh niên xung phong (VYC Travel) và Đỗ Sĩ Hoài Thanh, 42 tuổi, Kế toán trưởng VYC Travel; Đoàn Quang Hồi, 47 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ lữ hành Hòa Bình Quốc tế (PIT Travel), Nguyễn Thị Nguyên, 51 tuổi, Kế toán trưởng PIT Travel; riêng bị can Nguyễn Thị Tuyết Mai, 39 tuổi, Trưởng phòng Nhân sự – Hành chính PIT Travel được cho tại ngoại hầu tra.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an, đã khởi tố bị can, tạm giam đối với Vân Trọng Dũng, (SN 1967, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Nguyễn Thành Mỹ (SN 1959; nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch – Đầu tư về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Trầm Bê và 7 thuộc cấp tại Ngân hàng Phương Nam dính “siêu lừa” Dương Thanh Cường
Liên quan vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Sacombank)”, ngày 27/8, Viện KSND tối cao đã phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can liên quan đến 4 cán bộ của ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam để điều tra về hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng gồm Ngô Văn Huổi (40 tuổi, nguyên Phó Giám đốc kiêm ủy viên Hội đồng tín dụng Sở giao dịch), Phan Thị Hồng Vân (38 tuổi, nguyên cán bộ pháp chế kiêm Ủy viên Hội đồng tín dụng), Trịnh Bích Nga (35 tuổi, nguyên Trưởng phòng kinh doanh kiêm Ủy viên Hội đồng tín dụng Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam) Nguyễn Văn Công (43 tuổi, nguyên Phó Giám đốc kiêm Ủy viên Hội đồng tín dụng Sở giao dịch).
Trước đó, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can Trầm Bê, Phan Huy Khang cùng đồng phạm về hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Mới đây, cơ quan điều tra đã truy nã bà Nguyễn Thị Xuân Trang, nguyên Giám đốc Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam sau khi có quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam nhưng bà Trang không có mặt tại địa phương.
Đáng lưu ý vụ án này liên quan tới hành vi siêu lừa đảo Dương Thanh Cường vay tiền, vàng, thế chấp 23 quyền sử dụng đất tại TPHCM, chiếm hưởng số tiền 185 tỷ đồng tiền gốc và 146 tỷ đồng tiền lãi. Đây cũng là số tiền mà Ngân hàng Phương Nam bị thiệt hại.
Đối với vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi), ngày 14/11/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, tạm giam 4 bị can về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 298 – Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm Nguyễn Tiến Thành, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Hà Văn Bình, nguyên Giám đốc gói thầu số 7, Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Phạm Đình Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty Phương Thành, Giám đốc Ban điều hành gói thầu số 5; và Nguyễn Thành An, thành viên Cienco 1, Phó giám đốc Ban điều hành gói thầu số 7.
PV/VTC