1 người chết, 56.000 nhà dân ‘bay nóc’ sau bão số 9
Bão số 9 đổ bộ vào Đà Nẵng – Phú Yên đã làm 1 người chết, 2 người bị thương, 34 nhà bị sập, 56.000 nhà tốc mái (riêng Quảng Ngãi 53.000 nhà), 66 trường học, trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, lúc 17h chiều 28-10, sau khi đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực biên giới Việt – Lào.
Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu và Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14, ở TP Huế và TP Đà Nẵng có gió giật cấp 10; ở Sân bay Đà Nẵng có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; An Khê (Gia Lai) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, các nơi khác ở khu vực ven biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có gió giật cấp 7-8.
Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên đã có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 150-400mm, có nơi trên 400mm.
Mưa lớn khiến lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai đang lên nhưng ở mức trên BĐ1. Dự bão lũ trên các sông tiếp tục lên trong đêm nay.
Thống kê nhanh đến 17h chiều 28-10, bão số 9 gây ra làm 1 người ở Gia Lai tử vong do bị sập lán, 2 người ở Bình Định bị thương.
Về nhà, có 34 nhà bị sập (Quảng Ngãi: 09, Bình Định: 23, Phú Yên: 1, Gia Lai: 1); 56.163 nhà tốc mái (Quảng Ngãi: 53.390, Bình Định: 2.588, Phú Yên: 44, Gia Lai: 109, Kon Tum: 32).
31 trụ sở cơ quan ở Quảng Ngãi và 35 điểm trường (Quảng Ngãi: 28; Gia Lai: 03, Kon Tum: 4) bị tốc mái, hư hỏng.
Tại Kon Tum, một cầu treo ở huyện Kon Rẫy bị cuốn trôi, chia cắt thôn 11, xã Đắc Ruồng và có 14 điểm trên địa bàn tỉnh bị sạt lở gây ách tắc giao thông.
Đối với sự 2 tàu của Bình Định cùng 26 ngư dân bị chìm trên biển ngày 27-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều 2 tàu Hải quân và 2 tàu kiểm ngư từ Cam Ranh ra cứu hộ. Đến 17h, chưa có kết quả tìm kiếm.
Ngoài ra, có 3 chiếc tàu cá nhỏ bị chìm (Phú Yên: 2; Bình Thuận: 1).
CHÍ TUỆ/TT