1.960 binh sĩ, 90 xe bọc thép Nga tiến vào vùng xung đột với Azerbaijan, thay thế Armenia
Binh sĩ Nga đóng vai trò là lực lượng gìn giữ hòa bình, đã bắt đầu được huy động đến vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan.
Các máy bay vận tải quân sự IL-67 cất cánh từ Ulyanovsk, đưa những binh sĩ Nga đầu tiên đến vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận vào lúc 23h30’ giờ GMT (6h giờ 30 phút sáng giờ Việt Nam).
Đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố, cho thấy đoàn xe quân sự Nga, bao gồm xe tải, xe bọc thép chở quân và các xe hậu cần ồ dạt di chuyển tới khu vực.
Bộ Quốc phòng Nga không cho biết vị trí đoàn xe ở thời điểm quay video, nhưng theo ghi nhận của báo Nga RT, xe quân sự Nga hiện diện ở thị trấn Goris, Armenia, cách Stepanakert, thủ phủ vùng Nagorno-Karabakh khoảng 90km.
Nga đã làm trung gian buộc Armenia và Azebaijan ký thỏa thuận hòa bình, mở đường binh sĩ Nga hiện diện ở vùng tranh chấp.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, 1.960 binh sĩ Nga, 90 xe bọc thép và 380 phương tiện quân sự Nga sẽ đến Nagorno-Karabakh ở giai đoạn đầu.
Lữ đoàn cơ giới số 15 thuộc Quân khu Trung tâm được chỉ định là lực lượng gìn giữ hòa bình và là lực lượng nòng cốt của Nga ở Nagorno-Karabakh. Trung tâm chỉ huy sẽ được đặt gần thủ phủ Stepanakert.
Các binh sĩ Nga cũng sẽ thay thế quân đội Armenia, hiện đang được triển khai dọc đường biên giới với Azerbaijan ở vùng tranh chấp. Binh sĩ Nga sẽ chốt chặn tại các điểm nóng, chấm dứt giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan.
Theo thỏa thuận, binh sĩ Nga sẽ hiện diện ở Nagorno-Karabakh trong 5 năm và thỏa thuận được tự động gia hạn trừ khi một trong các bên phản đối.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev coi đây là thỏa thuận hòa bình mang tính “lịch sử”, còn Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan coi đây là điều “đau đớn” nhưng cần thiết, sau 6 tuần giao tranh ác liệt ở khu vực.
Nagorno-Karabakh là vùng lãnh thổ thuộc Azerbaijan nhưng có cộng đồng đông người Armenia sinh sống. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Armenia và Azerbaijan rơi vào cuộc chiến ác liệt. Năm 1994, Azerbaijan mất quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh và khu vực này là vùng tranh chấp cho đến nay.
Trong cuộc xung đột, Azerbaijan được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn mạnh mẽ. Các máy bay không người lái Azerbaijan do Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cung cấp đã giáng đòn gây tổn thất đáng kể cho Armenia.
Trong khi đó, Armenia là quốc gia nằm trong liên minh quân sự với Nga và Nga hiện duy trì thường trực một căn cứ quân sự ở Armenia.
Đăng Nguyễn/DV