1.000 tỷ USD giải cứu kinh tế vì dịch Covid-19: Trump muốn “chơi lớn”?
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/3 đã đề xuất “bơm” 1.000 tỷ USD để giải cứu nền kinh tế lớn nhất thế giới giữa dịch Covid-19.
Gợi nhớ thời Đại Suy thoái
Theo Reuters, đề xuất trên của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong bối cảnh nhiều ngành công nghiệp của Mỹ, đặc biệt là ngành hàng không, dịch vụ và giải trí, đang điêu đứng vì dịch Covid-19.
Giới quan sát nhận định, dù chưa rõ chi tiết khoản tiền 1.000 tỷ USD sẽ được sử dụng như thế nào, đây vẫn là một “kịch bản quen thuộc” mà chính quyền Mỹ từng thực hiện vào năm 2008, khi cuộc Đại Suy thoái bắt đầu khiến kinh tế Mỹ lao đao. Vào thời điểm đó, thông qua Đạo luật Kích cầu Kinh tế 2008, Chính phủ của Tổng thống George W. Bush đã “bơm” tới hơn 100 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ chỉ trong vòng vài tháng.
Các nhà kinh tế sau này khẳng định, đó là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn nền kinh tế Mỹ “lao dốc” như đã từng xảy ra vào thời điểm những năm 30 của thế kỷ trước. Cụ thể, dù tiêu tốn tới hơn 100 tỷ USD như đã đề cập, Chính phủ Mỹ lại thu lại được tới 155 tỷ USD từ các hoạt động chi tiêu vào nền kinh tế của người dân sau đó.
Dù đề xuất của Tổng thống Trump hiện nay sẽ phải được Quốc hội thông qua mới có thể có hiệu lực, cho đến thời điểm này, nhiều nghị sĩ ở cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa thuộc cả 2 viện Quốc hội Mỹ đều khẳng định sẽ “bật đèn xanh” cho ông Trump.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton tuyên bố: “Chúng ta cần phải đẩy nhanh việc đưa tiền đến tay những người lao động và gia đình của họ càng sớm càng tốt”. Đây có thể coi là sự thay đổi quan điểm rất chóng vánh của ông Cotton bởi trước khi dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ, ông đã nhiều lần bỏ phiếu phản đối việc “bơm” tiền vào nền kinh tế.
Một Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa khác là ông Mitt Romney và Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Sherrod Brown ủng hộ việc “bơm tiền” giải cứu nền kinh tế cần được thực hiện “sớm nhất có thể” trong khi Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Kamala Harris gọi đó là “khoản tiền khẩn cấp” dành cho các gia đình.
Còn nhiều tranh cãi
Dù thừa nhận hiệu ứng tích cực từ gói kích cầu kinh tế mà Tổng thống Trump đề xuất, giới quan sát Mỹ vẫn chia rẽ rất nhiều về tác động lâu dài của gói này nhất là trong bối cảnh hết sức đặc biệt hiện nay khi dịch Covid-19 đang bùng phát tại Mỹ với hơn 5.600 người mắc bệnh trên toàn bộ 50 bang của nước này.
Bà Claudia Sahm, Giám đốc về Chính sách Kinh tế Vĩ mô thuộc Trung tâm Washington về Tăng trưởng Công bằng, khuyến nghị: “Tôi cho rằng, Chính phủ nên chuyển tiền trực tiếp cho người dân để họ có thể chi tiêu nhiều hơn”.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm này với lý do, khi đó, những đồng Dollar sẽ nhanh chóng quay trở lại lưu thông trên thị trường. Điều này là bởi, nhiều gia đình tại Mỹ hầu như không có nhiều tiền tiết kiệm và nếu bị thất nghiệp do tác động của dịch bệnh Covid-19, số tiền mà Chính phủ Mỹ chuyển trực tiếp cho họ sẽ giúp họ có thể trả tiền thuê nhà và mua sắm các nhu yếu phẩm cần thiết khác. Khoản tiền này vì thế sẽ quay trở lại nền kinh tế Mỹ nhanh nhất có thể.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thận trọng cho rằng, còn quá sớm để thực thi biện pháp này bởi trong khi ngành hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn bị sụt giảm nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19, ngành bán lẻ tại Mỹ lại làm ăn phát đạt. Tập đoàn Amazon đầu tuần này cho biết, họ định thuê thêm khoảng 100.000 nhân viên để xử lý số lượng đơn đặt hàng giao tận nhà gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua.
Sự thận trọng của các chuyên gia kinh tế còn xuất phát từ nỗi lo dịch bệnh Covid-19 sẽ khó kiểm soát hơn trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đang khuyến nghị người dân cần phải đảm bảo việc “giãn cách xã hội” đề phòng, chống lây nhiễm. Ông Paul Winfree, nhà kinh tế học tại Quỹ Heritage chia sẻ: “Tôi không biết các chuyên gia y tế sẽ phải khuyến nghị như thế nào nếu người dân Mỹ lại đổ ra các siêu thị hoặc các rạp chiếu phim để chi tiêu từ khoản tiền mà họ sẽ nhận được từ Chính phủ?”.
Hơn thế nữa, nếu Quốc hội thông qua gói kích cầu 1.000 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Donald Trump, gánh nặng về thâm hụt ngân sách của nước này sẽ càng nặng nề thêm khi mức thâm hụt hiện nay đã ở mức 1.000 tỷ USD – một trong những mức thâm hụt cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử Mỹ.
Ngoài ra, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ Mỹ cũng nên cân nhắc thêm một số biện pháp khác thay vì chỉ chăm chăm “bơm tiền” vào nền kinh tế. Ông Jay Shambaugh, chuyên gia kinh tế tại Dự án Hamilton thuộc Viện Brookings khuyến nghị, giới chức Mỹ cần tính đến việc giảm thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa việc sa thải nhân công trong đợt dịch bệnh Covid-19. “Tôi cho rằng [đề xuất của ông Trump-ND] là ý tưởng tốt, nhưng đó không thể là giải pháp duy nhất”.
Hồng Anh (Theo Reuters)