+
Aa
-
like
comment

03/3/1955 – 03/3/2021: Lịch sử 66 năm Bộ đội Không quân chiến đấu, xây dựng và trưởng thành

Bảo Trâm - 03/03/2021 16:36

Hơn 45 năm chiến tranh đã trôi qua, nhưng những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam luôn là trang sử chói lọi và đầy tự hào của bộ đội không quân nhân dân Việt Nam.

Trung đoàn Không quân Sao đỏ

Cách đây 66 năm, ngày 3/3/1955, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP), đã ký Quyết định số 15 thành lập “Ban Nghiên cứu sân bay” với nhiệm vụ: Tiếp quản, chỉ huy và quản lý các sân bay hiện có, đồng thời giúp Bộ Quốc phòng nghiên cứu về tổ chức, xây dựng lực lượng Không quân.

Ngày 3/3/1955 đã trở thành ngày truyền thống của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Một năm sau đó, liên tục các đoàn cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban nghiên cứu sân bay được cử đi nước ngoài học tập. Ngày 26 tháng 1 năm 1956, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận 5 máy bay đầu tiên do Trung Quốc viện trợ gồm 2 Li-2 và 3 Aero 45. Ngày 24 tháng 2 năm 1956, 2 đoàn học viên lái máy bay gồm Đoàn học máy bay tiêm kích MiG-17, gồm 50 học viên, do Phạm Dưng làm Đoàn trưởng và Đoàn học máy bay ném bom Tu-2, gồm 30 học viên, do Đào Đình Luyện làm Đoàn trưởng, học tại Trường Không quân số 2 ở Trường Xuân, Trung Quốc.

Các phi công của Trung đoàn Không quân Tiêm kích 925 với các máy bay Shenyang J-6 (Mikoyan-Gurevich MiG-19),ảnh chụp năm 1971 tại Sóc Sơn

Về sau, Đào Đình Luyện chuyển sang làm Đoàn trưởng Đoàn học máy bay MiG-17 và Phạm Dưng được giao nhiệm vụ phụ trách nhóm huấn luyện máy bay Li-2 và trực thăng Mi-4. Ngoài ra, trong Đoàn học Tu-2 còn có 6 học viên dẫn đường trên không (chuyên dẫn đường trên các loại máy bay và trực thăng) đầu tiên.

Ngày 24 tháng 1 năm 1959, Bộ Quốc phòng – Tổng Tư lệnh ban hành Quyết định số 319/QĐ thành lập Cục Không quân thuộc Bộ Tổng Tham mưu trên cơ sở tổ chức và lực lượng của Ban Nghiên cứu Sân bay và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Đại tá Đặng Tính được bổ nhiệm làm Cục trưởng, Thượng tá Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy, Trung tá Hoàng Ngọc Diêu làm Tham mưu trưởng.

Các phi công – Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân giai đoạn 1964 – 1973

Sau ngày thành lập, được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và sự giúp đỡ tận tình của các nước XHCN, lực lượng Không quân đã phát triển nhanh chóng. Ngày 24/1/1959 thành lập Cục không quân, tiếp đến là các Trung đoàn 910, 919, 921; Trung đoàn không quân tiêm kích 921 – Trung đoàn sao đỏ, đơn vị Không quân chiến đấu đầu tiên của Quân đội ta, được thành lập theo quyết định số 18/QĐ do Trung tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng BQP ký ngày 30/5/1963.

Cuối năm 1964, Tổng thống Lyndon Johnson cho phép xây dựng kế hoạch dài hạn không kích ra miền Bắc Việt Nam với hai giai đoạn, nhằm hủy diệt tiềm lực kinh tế – quốc phòng và buộc miền Bắc Việt Nam từ bỏ việc chi viện cho cách mạng giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ những ngày đầu năm 1965 mỹ bắt đầu tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 921-Đoàn Không quân Sao đỏ nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Mùi 1967

Ngày 3-4-1965 khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm Trung đoàn 921: “Tổ tiên ta từ xưa đã có chiến công trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử, trên bộ như Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa…, ngày nay chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiệm ấy trước hết là ở các chú, nghệ thuật đánh giặc của Việt Nam rất độc đáo, vũ khí trong tay người Việt Nam dù thô sơ cũng giành hiệu suất cao, phát huy cách đánh của ta, không sợ Không quân địch hiện đại, hãy bắt chước đồng bào miền Nam, nắm chắc thắt lưng địch mà đánh”.

Hai trận không chiến ngày 3-4/4/1965 có ý nghĩa hết sức quan trọng, đối với không quân Việt Nam đây là những chiến thắng đầu tiên, “mở ra mặt trận trên không thắng lợi”.

Máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi T-28 (Mỹ sản xuất), ta thu được từ phi công phản chiến Lào lái sang việt Nam. Ngày 15/2/1965, Trung đoàn Vận tải 919 đã dùng T-28 (trang bị súng máy 7,62mm, 12,7mm và pháo 20mm) bắn rơi tại chỗ một máy bay C-123 chở biệt kích của Mỹ gần biên giới Việt – Lào.

Ngày 5/4/1965 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi bộ đội Không quân “…Các chú đã chiến đấu dũng cảm, đã tiêu diệt máy bay Mỹ, các chú đã thực hiện được khẩu hiệu: “Đã đánh là thắng” xứng đáng truyền thống anh hùng của quân và dân ta…”. Cùng trong ngay 5/4/1965 Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP), đã tới thăm và biểu dương tinh thần chiến đấu Trung đoàn 921.

Hai trận chiến thắng đầu tiên của bộ đội không quân Việt Nam đã gây tiếng vang lớn trên thế giới. Ngày 4/4/1965 trong buổi họp báo ở Sài Gòn, Tương William W. Momyer – Tư lệnh tập đoàn không quân Mỹ số 7 đã phải thừa nhận rằng, các máy bay MiG của không lực Bắc Việt Nam đã dùng súng Cannon bắn hạ các máy bay phản lực siêu âm của Mỹ, trong khi chúng tôi không bắn rơi chiếc nào. Hãng tin Mỹ – UPI thì đưa tin, “Việc máy bay MiG bắn hạ những máy bay phản lực bay nhanh gấp 2 lần tiếng động, khiến Nhà Trắng phiền lòng, còn Lầu Năm Góc thì đang loay hoay tìm cách thay đổi chiến thuật ném bom ở Bắc Việt Nam…”.

hình vẽ minh họa MiG-17 Việt Nam bắn hạ F-4 “Con ma” – tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ lúc đó.

Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, Không quân nhân dân Việt Nam có 6.960 lần xuất kích, với khoảng 300 trận không chiến đã bắn rơi 320 máy bay (trong đó có 2 máy bay B-52) trong tổng số 2.635 máy bay do Quân chủng PK-KQ và 4.181 chiếc bị quân và dân ta bắn rơi trên miền Bắc, gồm tất cả các kiểu loại hiện đại nhất của không quân Mỹ.

Với những thành tích và chiến công đặc biệt xuất sắc, Quân chủng Không quân (trước đây) và hàng chục đơn vị và cán bộ, chiến sĩ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Trải qua 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ bộ đội không quân đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh, nhưng bộ đội Không quân vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu, lập nhiều chiến công hiển hách.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, không quân ta đã dùng MiG-21 bắn hạ hàng trăm máy bay tối tân của địch, trong đó có cả siêu pháo đài bay B-52.

Chiến tranh đã lùi xa, song những chiến công hiển hách của Không quân nhân dân Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc vẫn mãi là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần quyết tâm “dám đánh, biết đánh và quyết thắng” giặc Mỹ xâm lược; là thắng lợi của ý chí, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa và phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh.

Phi công Trung đoàn 927, Sư đoàn 371 trao đổi kinh nghiệm sau sân bay

Ngày nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Bộ đội Không quân Việt Nam, cùng với các lực lượng của Quân chủng PK-KQ vẫn thủy chung, son sắt trọn lời thề “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng…”. Không để Tổ quốc bất ngờ vì những tình huống trên không, tất cả “vì sự nghiệp bảo vệ bầu trời tổ quốc”.

Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay đặt ra yêu cầu ngày càng cao với tinh thần đa dạng, phức tạp, khẩn trương nhất là trên hướng biển, đảo. Bộ đội Không quân cùng cán bộ, chiến sĩ trong toàn Quân chủng PK-KQ sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quan điểm chiến tranh nhân dân, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhất là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 mà Thường vụ Quân ủy Trung ương đã đề ra; xây dựng Quân chủng PK-KQ “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, có chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao.

Bảo Trâm 

Bài mới
Đọc nhiều