+
Aa
-
like
comment

“Bệnh công thần” biểu hiện “thói hư tật xấu” của cán bộ, Đảng viên

22/10/2019 17:11

Trong các căn bệnh mà cán bộ, đặc biệt là những cán bộ được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo hay mắc phải thời gian vừa qua, bệnh “công thần” dù ít được nhắc đến nhưng nó lại đang hiện hữu không ít trong thực tế. Có những người lãnh đạo tự cho mình là quan trọng, tự cho mình là người đã đóng góp lớn cho Đảng, Nhà nước và sau đó đưa ra các yêu sách, đòi hỏi về những đặc quyền, đặc lợi cho bản thân, gia đình.

Năm 1921, V.I Lênin đã vạch ra một trong 3 thứ kẻ thù chính – kẻ thù “nội xâm” mà những người cộng sản Nga phải kiên quyết đấu tranh tiêu diệt, kẻ thù đầu tiên, chính là “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa”.

benh-cong-than-1

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến bệnh công thần: “Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng. Theo Người: “… Có những người cậy mình là “công thần cách mạng”, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng…”.

Người cũng chỉ ra nhiều thứ “bệnh” của cán bộ, trong đó có bệnh kiêu ngạo với những biểu hiện: “Tự cao, tự đại, hay lên mặt. Ưa người ta khen ngợi, tâng bốc mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo… Việc gì cũng muốn làm thày người khác”.

Cùng với đó là bệnh hiếu danh, tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Rồi bệnh óc lãnh tụ: “Đánh được vài trận, hoặc làm được vài việc gì ở địa phương đã cho mình là tài giỏi lắm rồi, anh hùng lắm rồi, đáng làm lãnh tụ rồi. Nào có biết so với công cuộc giải phóng cả dân tộc thì những thành công đó chỉ là một chút cỏn con, đã thấm vào đâu!”.

Cán bộ là sức mạnh của quốc gia, là linh hồn của toàn hệ thống chính trị. Vậy nhưng đáng buồn thay, thời gian vừa qua, không ít cán bộ, thậm chí là lãnh đạo cấp cao trong các cơ quan, đơn vị lại đang có dấu hiệu “ngồi nhầm ghế”, đi nhầm phòng.

Cùng với đó, không ít người đang có biểu hiện mắc căn bệnh “công thần”. Thậm chí, có người không chỉ đòi hỏi những đặc quyền, đặc lợi cho cá nhân mà còn dung túng cho vợ con, họ hàng sử dụng ảnh hưởng của bản thân để mưu cầu những lợi ích cá nhân.

Thậm chí, có người từng gắn bó cả đời với Đảng nhưng khi về hưu chỉ vì không được “vuốt ve”, yêu chiều, chỉ vì những đòi hỏi không được đáp ứng mà sinh ra chống đối, xét lại. Họ còn tham gia các cuộc tọa đàm, trao đổi, tham gia xuất bản những ấn phẩm do một vài hội, nhóm tổ chức gây ra những tranh cãi, bất đồng chính kiến làm bức xúc dư luận. Rồi còn tham gia ký các đơn, tâm thư, thỉnh nguyện tập thể có nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, không có lợi cho đất nước, quân đội nhưng họ lại được kẻ xấu tung hô, ngợi ca nên ngày càng mù quáng…

Như việc tại buổi tọa đàm “Bãi tư Chính và luật pháp quốc tế” mới được tổ chức gần đây, ông Lê Mã Lương lên giọng thóa mạ cả chính sách ngoại giao của Đảng, Nhà nước, công khai xúc phạm danh dự, uy tín của các lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đặt điều vu vạ cho Bộ Ngoại giao…

Lê Mã Lương chê bai lãnh đạo Bộ Quốc phòng không biết bảo vệ chủ quyền, thậm chí “không biết đọc bản đồ”, chê bai chủ nhiệm Tổng cục chính trị không qua trận mạc… lớn tiếng đe dọa Bộ Ngoại giao rằng Lê Mã Lương sẽ cầm đầu tướng lĩnh Quân đội đến hỏi tội Bộ Ngoại giao.

Nghe những gì Lê Mã Lương phát biểu thấy rằng, bệnh công thần và kiêu ngạo trong ông ta quá lớn. Đó là biểu hiện rõ ràng của người có chức mắc bệnh cậy chức, kiêu ngạo, biết mình có khuyết điểm, nhưng không chịu cố gắng sửa đổi, thuộc nhóm bệnh do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra.

Họ cho rằng cán bộ thế hệ sau là “không lễ phép”, là “hư hỏng”, là “không biết trước sau”. Muôn vàn lý do được đưa ra để họ thấy… ghét. Và hiển nhiên, sau khi đã “ghét” thì họ sinh ra không ưa, bất mãn. Từ đây, họ bắt đầu nảy sinh sự thù hằn đội ngũ lãnh đạo, dần dần dẫn đến việc thù hằn chế độ, thù hằn Đảng. Có những người còn quay 180 độ, trở thành các phần tử cực đoan chống đối Đảng, Nhà nước ta.

Một số người đang tại chức, tại quyền cũng mắc phải căn bệnh công thần này. Chỉ với một chút đóng góp, một chút thành tựu nhưng nhiều người đã coi trời bằng vung, coi mình là trung tâm của vũ trụ. Thậm chí, có những người ảo tưởng về sức mạnh của bản thân, tự cho mình là “cứu tinh” của nhân dân. Cũng từ căn bệnh công thần này sinh ra rất nhiều bệnh tật nguy hiểm khác.

Để tán phát những thông tin xấu, tiếp tay cho những căn bệnh kiêu ngạo, công thần, những điều sai trái có “cánh tay vô hình” của kênh truyền thông mạng xã hội và thủ đoạn lôi kéo của các đối tượng xấu, cơ hội chính trị thường lợi dụng những cán bộ nghỉ hưu.

Kiêu ngạo, công thần là khi có chút đóng góp, họ trở nên tự kiêu, tự đại, không tôn trọng mệnh lệnh của chỉ huy, người đứng đầu. Như vị trung tướng quân đội đã nghỉ hưu dùng lời lẽ khiếm nhã, thách thức khi bị lực lượng CSGT Cần Thơ xử lý việc chạy xe quá tốc độ, rõ ràng là người có tư tưởng, mắc bệnh công thần.

Rồi vị nữ Phó chủ tịch quận ở Hà Nội, trong quá khứ chắc có thành tích nên được cử vào chức danh này, đã cãi nhau với người dân về chuyện đỗ xe sai quy định, sau đó lại cho rằng những thông tin được lan truyền, dư luận phản ứng mạnh về chuyện này là có ý đồ bêu xấu bà vì mục đích cá nhân, là nói xấu chính quyền.

Trong thực tế, Đảng, Nhà nước, Quân đội ta rất tôn trọng và đánh giá cao những công lao, đóng góp của những người đã từng chiến đấu, hy sinh bảo vệ nền độc lập cho Tổ quốc và được ghi nhận, phong tướng… nhưng nay khi nghỉ hưu, một số cá biệt lại có phát ngôn xuyên tạc, đưa thông tin sai đến công chúng, tạo bức xúc trong xã hội là không thể ủng hộ được nữa, nói đúng hơn là phải kỷ luật.

Căn “bệnh công thần” vô cùng nguy hiểm. Ở một góc độ nhất định, những người mắc bệnh công thần cũng nguy hiểm không kém những người tham nhũng. Tất cả đều làm suy yếu nội bộ, khiến cho bản chất cách mạng của người cán bộ bị biến chuyển.

Hồng Đinh

Bài mới
Đọc nhiều