Xử lý “Khủng hoảng niềm tin” – vấn đề cần giải quyết ngay
Trong lịch sử những nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, sự hưng vong của các triều đại luôn gắn liền với sức mạnh niềm tin của nhân dân. Và chưa bao giờ câu chuyện niềm tin, xử lý khủng hoảng niềm tin đặt ra cấp thiết như hiện nay ở các địa phương.
Thiếu nước, ô nhiễm môi trường, gian lận thi cử và câu chuyện “Khủng hoảng niềm tin”
Cách đây 2 năm, vào ngày 09/06/2017, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV, Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nói trước Quốc hội về 6 điều bất an mà nhân dân luôn bức xúc như tham nhũng, lãng phí, thương mại hóa quan hệ xã hội, tài nguyên cạn kiệt và vấn đề an toàn sống… “Mọi thứ đều do người Việt hại người Việt và từng bước biến sự vô cảm thành vấn đề đạo đức ứng xử đạo giữa người với người.”
“Khủng hoảng niềm tin” là hiện tượng đang thực sự xảy ra trong xã hội chúng ta, ở trên mọi khía cạnh cuộc sống của người dân từ thành thị cho tới nông thôn. Dù sống ở đâu người dân đều phải đối mặt với thực trạng “thực phẩm bẩn”, nguồn nước bị ô nhiễm bởi nước thải công nghiệp, an toàn giao thông… đang vượt ngoài sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong một thời gian kéo dài.
Ngay giữa Hà Nội hiện nay những vấn đề tiêu cực về môi trường như ô nhiễm nguồn nước sông Tô Lịch, ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm từ nhà máy Rạng Đông, khủng hoảng từ nguồn nước sạch nhà máy nước Sông Đà,…
Trong các sự cố Rạng Đông và nước Sông Đà, người ta thấy thiếu sự quan tâm từ các đơn vị nơi xảy ra sự cố. Trong khi đó, các sự cố này đều ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến cuộc sống của người dân, khiến người dân phải tự xoay sở.
Đơn vị đầu tiên thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống của người dân sau sự cố Rạng Đông là UBND phường Hạ Đình, với yêu cầu triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp bảo vệ sức khỏe do không khí nhiễm bẩn.
Tuy nhiên sau đó, cơ quan này lại nhanh chóng thu hồi văn bản này, trong khi các cơ quan cấp trên như quận và thành phố không hề có động thái nào tương tự, và Bộ Tài nguyên Môi trường lại đưa ra một khuyến cáo khác, khiến người dân không biết phải nghe ai.
Trong sự cố nước Sông Đà, tại cuộc họp báo với chính quyền thành phố, đại diện công ty cũng không có động thái nào chia sẻ với hàng trăm nghìn người dân đang bị ảnh hưởng, mà chỉ quan tâm đến lợi ích của mình khi khẳng định, họ mới là nạn nhân lớn nhất. Những phát biểu này càng gây bức xúc cho dư luận.
Sự quan tâm muộn màng của nước Sông Đà bằng tuyên bố miễn tiền nước trong tháng xảy ra sự cố cũng chỉ như giọt nước thả vào biển cả, khi họ không nhắc đến những thiệt hại của hàng vạn hộ gia đình bị đảo lộn cuộc sống, phải bỏ ra quá nhiều chi phí để khắc phục sự cố.
Ở một câu chuyện khác, việc gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình đã trở thành đại án bởi hậu quả đăc biệt nghiêm trọng đối với niềm tin của Nhân dân, chỉ có sự thật và trách nhiệm trước sự thật được thể hiện mới có sức thuyết phục hùng hồn nhất.
Từ những kết quả thi cao chót vót, đến danh sách cách thí sinh được nâng số điểm “trên trời”, tiếp đến là việc phía sau các thí sinh, đó là những bàn tay của phụ huynh và các cán bộ có trách nhiệm trong công tác giáo dục tại địa phương.
Gian lận thi cử đã trở thành đại án bởi hậu quả đăc biệt nghiêm trọng đối với niềm tin của Nhân dân cả nước, chỉ có sự thật và trách nhiệm trước sự thật được thể hiện mới có sức thuyết phục hùng hồn nhất.
Phải xây dựng niềm tin vững chắc trong nhân dân
Một hành động xây dựng niềm tin trong nhân dân phải được kể đến đó là “Đốt lò” – hình tượng sinh động mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dùng để nói về cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang diễn ra quyết liệt, “không vùng cấm”. “Đốt lò” là để lấy lại niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước từ TW đến địa phương.
Niềm tin đã bị khủng hoảng một thời gian dài bởi trong Đảng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cấp cao, thoái hóa biến chất…
Ở cấp TW, “đốt lò” thời gian qua đang làm niềm tin của Nhân dân sáng dần lên. Sáng lên không chỉ ở việc xử lý có trọng tâm trọng điểm, nghiêm minh, đến nơi đến chốn các vụ đại án, kể cả đại án phức tạp, nhạy cảm; mà còn từ những phát ngôn và hành động của các vị lãnh đạo, các cơ quan TW.
Ngọn lửa niềm tin sẽ rạng ngời cả nước nếu thời gian qua tất cả các địa phương đều “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Nói là nếu, vì thực tế chưa được như vậy, thậm chí nhiều địa phương không những không có sự chuyển động tương ứng, mà ngược lại, ở đó, khủng hoảng niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền càng trầm trọng thêm. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, công cuộc “đốt lò” sẽ khó đạt mục đích.
Đúng như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Điều mà tôi muốn nhấn mạnh chính là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm của tất cả chúng ta trong việc giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, từ công cuộc chống tham nhũng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, miền núi, dân tộc… chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này”, Thủ tướng khẳng định.
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ hồi tháng 4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận: “Chính phủ mới kiện toàn chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ”.
Lại nói về bộ máy Chính phủ, từ khi Chính phủ kiến tạo, liêm chính ra đời đây là phát súng lệnh cần thiết và kịp thời để vực dậy cả bộ máy hành chính cồng kềnh, chậm chạp bấy lâu nay, cũng có thể nói sự chuyển biến tư duy từ “Chính phủ mệnh lệnh” sang “Chính phủ kiến tạo” cho thấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tập thể Chính phủ đã “điểm trúng huyệt” và bắt đầu bốc trúng những thang thuốc đặc trị.
Tư duy “Chính phủ kiến tạo” là luồng gió mới thổi vào những quan niệm cũ kỹ về vị trí, vai trò của người cán bộ, công chức, những gì diễn ra cho thấy không ít cán bộ, công chức thời nay “nhầm tưởng” vị trí giữa “công bộc” và “ông chủ”. Sự “nhầm lẫn” tai hại ấy chính là nguồn cơn của tệ quan liêu, cửa quyền, xa dân, hách dịch.
Quyết tâm của Thủ tướng là điều thấy rõ qua khoảng thời gian gần 5 tháng từ khi nhậm chức, bằng những hành động chân thành, chỉ đạo sát với thực tế. Người dân hoàn toàn có thể tin tưởng vào một vị lãnh đạo “nói đi đôi với làm”.
Một trong những bài học xương máu sau chính biến ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là việc giữ được niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân đối với Đảng Cộng sản. Vì vậy, giáo dục niềm tin đã trở thành một biện pháp quan trọng nhằm góp phần xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo công cuộc đổi mới trong thời kỳ hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế tri thức.
Niềm tin của quần chúng nhân dân dành cho Đảng biểu hiện hết sức cụ thể trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống, trong sản xuất, chiến đấu, trong khó khăn, hoạn nạn… Nó được biểu hiện qua các mối quan hệ gần gũi, tin cậy lẫn nhau, trong đó người đảng viên luôn chiếm được tình cảm quý mến, trân trọng của nhân dân. Mối quan hệ giữa dân với Đảng là mối quan hệ cá – nước, gắn bó bền chặt thành “ý Đảng lòng dân”.
Trong thời đại khủng hoảng môi trường và biến đổi khí hậu hiện nay, việc giáo dục tinh thần tôn trọng, lắng nghe và bảo vệ tự nhiên càng có ý nghĩa to lớn. Mọi lý tưởng cao đẹp, xã hội công bằng, văn minh chỉ có thể bền vững trong một môi trường sinh thái bền vững. Đây cũng chính là nội dung lớn trong giáo dục chủ nghĩa nhân văn hiện đại ở Việt Nam và tất cả các quốc gia trên thế giới.
Hồng Đinh