+
Aa
-
like
comment

Vụ mượn bằng thăng tiến: Nữ trưởng phòng chưa được xác minh hồ sơ kết nạp Đảng!

08/10/2019 20:17

Lãnh đạo Đảng uỷ nơi gia đình bà Trần Thị Ngọc Ái Sa cư trú tại phường 6, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng xác nhận, nữ trưởng phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk không có tên trong hồ sơ xác minh lý lịch kết nạp Đảng ở đây.

Vụ mượn bằng thăng tiến: Nữ trưởng phòng chưa được xác minh hồ sơ kết nạp Đảng! - 1
Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu – Bí thư Đảng ủy phường 6 (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng, nơi gia đình bà Ái Sa sinh sống) thông tin những nội dung liên quan đến việc xác minh lý lịch Đảng.

Ngày 8/10, bà Nguyễn Thị Minh Hiếu – Bí thư Đảng ủy phường 6 (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng, nơi gia đình bà Ái Sa sinh sống) cho biết, trong hồ sơ xác minh của đơn vị không có tên bà Trần Thị Ngọc Ái Sa.

Theo bà Hiếu, sau khi tiếp nhận thông tin vụ mượn bằng thăng tiến, đơn vị đã tiến hành xác minh. Thông tin từ ông Đoàn Ngọc Yên – Bí thư Chi bộ tổ dân phố 17 (nơi bà Ái Sa sinh sống) cho biết, Chi bộ này chưa từng xác minh lý lịch vào Đảng cho ai tên Trần Thị Ngọc Ái Sa. Ông Yên làm Bí thư chi bộ tổ dân phố 17 từ năm 2004”.

“Để hoàn thiện thủ tục kết nạp Đảng viên thì việc xác minh lý lịch hết sức chặt chẽ. Cụ thể, sau khi Đảng ủy nhận được giấy yêu cầu xác minh lý lịch, đơn vị sẽ vào sổ rồi chuyển xuống Chi bộ nơi có gia đình hoặc chính người cần được kiểm tra lý lịch sinh sống để xác minh. Tiếp đó, Đảng ủy ký và gửi lại cho đơn vị yêu cầu xác nhận lý lịch”, bà Hiếu thông tin.

Vụ mượn bằng thăng tiến: Nữ trưởng phòng chưa được xác minh hồ sơ kết nạp Đảng! - 2
Ông Lê Văn Tiến – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong hồ sơ của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973, nhân viên hộ sinh) có nội dung nhắc đến người em gái của bà làm việc ở Tỉnh ủy Đắk Lắk tên là Trần Thị Ngọc Thêm (SN 1975).

Xác minh tại nơi làm việc nơi làm việc của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, ông Lê Văn Tiến – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị có nhận được yêu cầu từ cơ quan chức năng về việc xác minh lý lịch bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973, nhân viên hộ sinh). Đây là chị ruột của nữ Trưởng phòng Hành chính – Quản trị, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, người vừa bị phát hiện có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo, nhưng đã sử dụng bằng cấp mang tên Trần Thị Ngọc Ái Sa.

Cũng theo ông Tiến, trước khi xảy ra sự việc, nhân viên hộ sinh Trần Thị Ngọc Ái Sa có xin nghỉ phép, đến nay vẫn chưa đi làm. Trong tờ trình, bà Sa cho biết, không có người em nào tên Thảo. Người em gái của bà làm việc ở Tỉnh ủy Đắk Lắk tên là Trần Thị Ngọc Thêm (SN 1975). Ngoài ra, bà Sa khẳng định không cho em gái mình mượn bằng cấp 3, giấy tờ quan trọng, bằng cấp của bà đều để ở nhà mẹ đẻ.

“Đối với đơn vị, nếu cơ quan chức năng xác minh bà Ái Sa không liên quan đến việc cho em gái mượn bằng cấp thì vẫn tạo điều kiện cho làm việc bình thường. Tuy nhiên, nếu bà Sa khai không đúng sự thật, đơn vị sẽ họp Hội đồng để thống nhất phương án xử lý”, ông Tiến chia sẻ thêm.

Vụ mượn bằng thăng tiến: Nữ trưởng phòng chưa được xác minh hồ sơ kết nạp Đảng! - 3
Nữ Trưởng phòng Hành chính – Quản trị, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, người vừa bị phát hiện có tên là Trần Thị Ngọc Thảo, nhưng đã sử dụng bằng cấp mang tên Trần Thị Ngọc Ái Sa.

Như Dân trí đã đưa tin, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa – Trưởng phòng Quản trị (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) đã bị tố cáo gian dối khi kê khai lý lịch. Cụ thể, bà Sa có tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Thảo (SN 1975). Bà Thảo mới chỉ học hết cấp 2, nhưng đã mượn bằng cấp 3 của chị gái mình (hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng) để xin đi làm rồi học lên trung cấp, đại học.

Năm 2002, bà Thảo làm kế toán tại một khách sạn rồi chuyển qua làm kế toán tại Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk. Đến tháng 10/2009, bà Thảo được điều động về làm Kế toán trưởng tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Năm 2015, bà Thảo làm Phó Trưởng phòng Quản trị. Tới năm 2016 bà Thảo được bổ nhiệm lên làm Trưởng phòng này.

Qua xác minh, Tỉnh ủy Đắk Lắk xác nhận đơn tố cáo là đúng sự thật. Sau đó, bà Thảo đã chủ động làm tờ trình xin nghỉ việc và thừa nhận “do điều kiện khó khăn, tuổi đời còn trẻ nên nhận thức chưa đầy đủ. Việc dùng bằng cấp của chị chỉ nhằm mục đích kiếm một công việc để sinh sống chứ hoàn toàn không có một mục đích nào khác”.

Trung Kiên – Xuân Hinh/Dân Trí

Bài mới
Đọc nhiều