Thủ tướng nhắc nhở tư tưởng cuối nhiệm kỳ, sợ trách nhiệm
Thủ tướng nhắc nhở, tư tưởng cuối nhiệm kỳ, sợ trách nhiệm, ngại khó… làm cho môi trường kinh doanh chuyển biến chậm.
Chiều nay (5/11), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, đánh giá kết quả kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng của năm 2019.
Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn của khu vực và thế giới, những kết quả đất nước đạt được rất khả quan và cần thông tin khách quan để người dân phấn khởi, tạo niềm tin trong nhân dân.
Cho biết nhiều tổ chức quốc tế dự báo thế giới sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị tâm thế để không chỉ hoàn thành nhiệm vụ năm nay mà cả năm tới.
Thủ tướng đánh giá, kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục tích cực. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định. Khu vực công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng, đạt 9,5%. Thị trường trong nước phát triển tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng gần 12%; thu hút khách quốc tế lần đầu tiên đạt 1,6 triệu lượt khách một tháng trong tháng 10, lũy kế 10 tháng đã thu hút 14,5 triệu lượt khách.
Bên cạnh đó, lạm phát đang được kiểm soát, CPI bình quân 10 tháng chỉ tăng 2,48%. Xuất khẩu tăng 7,4%, xuất siêu 10 tháng khoảng 7 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 16,2 tỷ USD, có 114.000 doanh nghiệp đăng ký mới, trên 34.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động.
Không chỉ các đại biểu Quốc hội đánh giá tích cực về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng còn dẫn ra đánh giá của các tổ chức quốc tế: “Các tổ chức quốc tế uy tín đều đánh giá cao Việt Nam, trong đó Ngân hàng Thế giới đánh giá bức tranh kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng triển vọng trong trung hạn và tích cực. Chính vì thế các đồng chí cần đánh giá khách quan kết quả quan trọng đạt được để tạo niềm tin, không khí phấn khởi cho người dân và xã hội, doanh nghiệp. Phải tạo ra sự lan tỏa và niềm tin trong nhân dân. Chính phủ sẽ làm hết sức mình để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn nữa”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu các thách thức, trong đó có giá một số mặt hàng nông sản giảm. Một số ngành công nghiệp giảm tốc. Một số công trình lớn chậm tiến độ. Những rủi ro từ bên ngoài có thể tác động đến thương mại, đầu tư và áp lực tỷ giá của Việt Nam.
Thủ tướng cũng nêu một thông tin kém vui là Ngân hàng Thế giới (WB) vừa xếp hạng Môi trường kinh doanh 2019 của Việt Nam giảm 1 bậc so với năm ngoái. Thủ tướng nhắc nhở, nhất là tư tưởng cuối nhiệm kỳ, tư tưởng sợ trách nhiệm, ngại khó, không xử lý, giải quyết những vấn đề đặt ra của phát triển thì sự chậm trễ, trì trệ ấy làm cho môi trường kinh doanh chuyển biến chậm.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội nổi lên như tình trạng lừa đảo trong xã hội, tội phạm có yếu tố nước ngoài, buôn bán và sản xuất ma túy, đánh bạc qua mạng, cướp của giết người, tai nạn giao thông. Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an xử lý nghiêm túc các vụ việc để răn đe, bảo vệ người dân, trong đó có tình trạng lừa đảo về đất đai.
Hai tháng cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành. Một tinh thần là quyết tâm hoàn thành đạt và vượt mức mọi chỉ tiêu đề ra, tạo dư địa cho chính sách năm tới.
Về rủi ro từ bên ngoài, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, tiếp tục theo dõi, bám sát, cập nhật, đánh giá đầy đủ tác động của căng thẳng thương mại, đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời và phù hợp, trong đó đặt vấn đề mạnh mẽ hơn đối với đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Mặt khác, phải tập trung phát triển thị trường trong nước với gần 100 triệu dân.
Vũ Dũng/VOV