+
Aa
-
like
comment

Thủ tướng: Nguồn lực không phải rừng vàng biển bạc mà là 100 triệu dân Việt

16/11/2019 21:30

Tại diễn đàn quốc gia Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm: nguồn lực phát triển đất nước ta không phải là rừng vàng biển bạc, cái chính là gần 100 triệu người Việt Nam.

Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp cam kết cùng phối hợp thúc đẩy phát triển giáo dục nghề nghiệp /// Ảnh Xuân Mạnh
Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp cam kết cùng phối hợp thúc đẩy phát triển giáo dục nghề nghiệp

Thiếu cả thầy, thiếu cả thợ

Hôm nay 16.11, tại Hà Nội đã diễn ra diễn đàn Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đây là diễn đàn lớn nhất từ trước tới nay trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp với nội dung về kỹ năng lao động Việt Nam.

Phát biểu kết luận diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những đánh giá khá chi tiết về hiện trạng giáo dục nghề nghiệp ở nước ta, từ đó nêu ra một số yêu cầu có tính chất định hướng cho phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn tới.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi đã nêu trước Quốc hội rằng nguồn lực phát triển đất nước ta không phải là rừng vàng biển bạc, cái chính là gần 100 triệu người Việt Nam”. Theo Thủ tướng, qua kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia phát triển cho thấy, khi các điều kiện khác không thay đổi thì nhân lực có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao, đóng góp vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong 30 năm trở lại đây, gia tăng dân số và lực lượng lao động đã là một động lực quan trọng, đóng góp to lớn cho thành tựu tăng trưởng GDP quốc gia. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách thực tiễn rằng, kể từ năm 2013, quy mô lao động của Việt Nam đã bắt đầu tới hạn so với quy mô của nền kinh tế. Vì lẽ đó, nâng cao năng suất, chất lượng của lực lượng lao động có vai trò sống còn trong cải thiện tốc độ tăng trưởng và trong nỗ lực tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thế nhưng, hiện chúng ta còn có nhiều khó khăn, khuyết điểm trong giáo dục nghề nghiệp. Chẳng hạn như tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nói chung còn thấp. Tuy là nước có số lao động đứng thứ 3 ASEAN, nhưng lực lượng lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo, mới đạt trên 22%, chỉ bằng 1/3 Hàn Quốc, Singapore.

Cơ cấu lao động qua đào tạo, xu hướng chuyển dịch có sự bất hợp lý, vẫn còn phổ biến tình trạng thiếu thầy, thiếu cả thợ chứ không phải “thừa thầy, thiếu thợ”. Vẫn còn tâm lý của cha mẹ là con mình không vào được đại học thì mới học nghề. Nhiều người làm trái ngành nghề.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von: “Người ta nói mạng lưới cơ sở dạy nghề của nước ta như chiếc áo ngũ sắc với không ít miếng vá víu từ vải cũ. Người ta nói tính đồng bộ của các trường dạy nghề là vấn đề cần quan tâm hơn, kể cả cơ sở thực hành, kỹ năng khác”.

Thủ tướng nêu thực trạng, chúng ta có quy mô dân số đứng thứ 13 – 14 trên thế giới và đặc biệt là có quy mô nền kinh tế đứng thứ 37 – 38, nhưng chúng ta chưa vào được top 50 thế giới về đào tạo nghề nghiệp, đồng thời lưu ý: “Tất cả chúng ta mong giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam có khát vọng mãnh liệt hơn nữa, vươn lên sánh ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Chỉ có như thế ta mới đưa được nền kinh tế thăng tiến trong chuỗi giá trị cao hơn”.

Thủ tướng: Nguồn lực không phải rừng vàng biển bạc mà là 100 triệu dân Việt - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian triển lãm của Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội tại diễn đàn Ảnh Xuân Mạnh

“Anh đừng đào tạo thứ người ta không cần”

Về định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp cho giai đoạn tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có 3 nguyên tắc phải được đảm bảo.

Nguyên tắc thứ nhất, cũng chính là nguyên tắc cơ bản, là cần bám sát hơn nữa vào nhu cầu thực tiễn của thị trường, bảo đảm hài hòa cung cầu về lao động có kỹ năng nghề. Thực hiện nguyên tắc ngày cần gắn kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thông qua các cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp. Và toàn bộ quá trình đào tạo nghề, từ xây dựng chương trình kỹ năng nghề quốc gia, chương trình đào tạo, chương trình kiến tập – thực hành, đánh giá chất lượng đào tạo, tuyển dụng học viên sau tốt nghiệp…

Nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc sống còn, là phát triển đào tạo nghề có chuẩn mực chất lượng quốc tế để đáp ứng yêu cầu cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đó là phát huy kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm, phù hợp với thách thức hội nhập và toàn cầu hóa, xu hướng phát triển của nền kinh tế nước ta. Ví dụ, chúng ta phải xem đào tạo các kỹ năng gì để các học viên có thể làm việc được trong môi trường quốc tế, khu vực kinh tế tuần hoàn, xây dựng các đô thị thông minh…

Thứ ba, là phải đặc biệt nâng cao tính dự báo. Cần hiểu, nắm bắt nhanh nhạy và dự báo sớm được nhu cầu nhân lực kỹ năng cao của doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn tới để định hướng hợp tác doanh nghiệp, nhà trường. “Như vậy cần đào tạo mở rộng nghề theo hướng nào? Chúng ta cần những cơ sở đào tạo các ngành ứng dụng số hóa như thương mại điện tử, thanh toán điện tử… Dự báo tương lai những nghề này thế nào để ta còn đào tạo”, Thủ tướng nói, và nhắc nhở: “Anh đừng đào tạo thứ người ta không cần”.

Cam kết của Chính phủ

Thủ tướng: Nguồn lực không phải rừng vàng biển bạc mà là 100 triệu dân Việt - ảnh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động cho em Trương Thế Diệu, người vừa đoạt Huy chương bạc tại Kỳ thi tay nghề thế giới tại Nga hồi tháng 8 Ảnh Lâm Trung

Thủ tướng cũng cam kết, rồi đây Chính phủ sẽ thực hiện chính sách ưu đãi với một tinh thần cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào, doanh nghiệp nào tham gia đào tạo, sử dụng nhiều học viên từ cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì được hưởng ưu đãi. Đây có thể coi là một việc phải làm trong thực hiện nhiệm vụ mục tiêu quốc gia giai đoạn 2020 – 2015 về phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố, các địa phương có trường đào tạo nghề cần ưu tiên các dự án có sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, ví dụ dành 10 – 15% các dự án trên địa bàn, từ đó có thể gắn kết được nhà trường và doanh nghiệp, đồng thời gián tiếp vào quá trình đào tạo nhân lực.

Thủ tướng cũng bày tỏ trăn trở về vấn đề nhận thức của gia đình, xã hội, của học sinh, sinh viên, doanh nghiệp, của tổ chức chính trị – xã hội về vị trí và vai trò của nhân lực có kỹ năng nghề. Sự tiến bộ của xã hội không thể thiếu vai trò của những người thợ lành nghề. Nhận thức này cần được thấm sâu trong xã hội hiện nay, để chúng ta có một đội ngũ lao động có kỹ năng, có tay nghề, là nhu cầu rất lớn của một đất nước mà dân số đứng thứ 3 trong khu vực. Cần phải có cơ cấu nguồn nhân lực quốc gia phù hợp, chứ không phải cứ chạy theo cử nhân, kỹ sư… Cái đó rất cần thiết, nhưng mặt khác lao động nghề nghiệp phải được tôn vinh.

Thủ tướng nói: “Không chỉ có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, cha ông ta còn có câu “Của bề bề không bằng có nghề trong tay”, lại có câu nữa “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp là sự nghiệp có ảnh hưởng đến thành bại của công cuộc phát triển một quốc gia trong quá trình chuyển đổi. Bởi vì phần lớn lực lượng lao động của một quốc gia có kỹ năng cao, năng suất cao đều được đào tạo, và phải đào tạo tốt nhất tại nơi đây”.

Kết luận diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau đây cần phải có một “sản phẩm” từ hội nghị, đó là một chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động của Việt Nam. Chỉ thị này sẽ do Bộ Lao động  – Thương binh và xã hội chủ trì cùng với các bộ, ngành xây dựng, sớm trình Thủ tướng.

Quý Hiên/Thanh Niên

Bài mới
Đọc nhiều