Quy định về chuyên cơ có thể thay đổi sau vụ 9 người trốn lại Hàn Quốc
Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo nghị định về công tác quản lý chuyên cơ để phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong bối cảnh hàng không tư nhân phát triển.
Bộ GTVT đang lấy ý kiến hoàn thiện hồ sơ xây dựng nghị định về công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang (thay thế Nghị định số 03/2009/NĐ-CP). Công văn xin ý kiến được Bộ gửi Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan từ ngày 3/10.
Theo Bộ GTVT, Chính phủ từng có một nghị định về chuyên cơ ra đời năm 2009 nhằm phục vụ công tác của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi các quy định pháp luật, nghị định này đã bộc lộ nhiều hạn chế cần sửa đổi.
Theo Bộ GTVT, từ khi nghị định số 03/2009/NĐ-CP có hiệu lực đến hết năm 2016, ngành hàng không đã phục vụ 3.068 chuyến bay chuyên cơ và ưu tiên. Trong đó có 1.715 chuyến chuyên cơ chở lãnh đạo đi trong nước và quốc tế, 722 chuyến chuyên cơ nước ngoài và đối tượng ưu tiên nước ngoài, 631 chuyến bay phục vụ các đối tượng Việt Nam đặc biệt khác.
“Ngày càng nhiều yêu cầu chuyên cơ đi nước ngoài, trong đó, nhiều đại diện doanh nghiệp đi cùng đoàn chính thức… Qua thực tế đã nảy sinh yêu cầu bổ sung quy định về an ninh, an toàn hàng không cho chuyên cơ Việt Nam đi nước ngoài, trong đó quy định về vấn đề an ninh với đoàn tùy tùng trên các chuyến chuyên cơ”, Bộ GTVT nêu trong tờ trình.
Nghị định hiện hành vẫn coi việc thực hiện nhiệm vụ chuyên cơ của hãng là nghĩa vụ với chủ sở hữu (thời điểm các hãng hàng không vẫn do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ). Theo Bộ GTVT, đến nay các doanh nghiệp hàng không đã phát triển đa dạng nên cần có quy định phù hợp theo hướng đặt hàng cung ứng dịch vụ.
Ngoài ra, định nghĩa về chuyến bay chuyên cơ tại Nghị định số 03/2009/NĐ-CP chưa phân hóa được rõ khái niệm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang, dẫn đến các cơ quan thuộc ngành hàng không còn gặp nhiều vướng mắc trong công tác triển khai nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Nghị định số 03/2009/NĐ-CP không quy định cụ thể đối tượng được đi chuyên cơ, chỉ quy định cơ quan có thẩm quyền thông báo chuyến bay chuyên cơ và tự quyết định đối tượng. Trên thực tế, đối tượng bay chuyên cơ không chỉ đi chuyến bay riêng mà còn đi trên chuyến thương mại.
Bộ GTVT nêu ra vấn đề sửa đổi nghị định trong bối cảnh nhiều cá nhân lợi dụng việc quản lý đối tượng chuyên cơ lỏng lẻo để “đi ké” theo đoàn công tác của lãnh đạo cấp cao. Thậm chí đã xảy ra vụ việc 9 người trốn lại Hàn Quốc sau khi “đi nhờ” chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội.
Qua xác minh, vụ việc xảy ra ngày 7/12/2018. 9 người này thuộc đoàn khách đi dự Diễn đàn đầu tư và thương mại Việt – Hàn do Bộ KH&ĐT, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Phòng Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc phối hợp tổ chức.
Sau sự việc, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng Bộ KH&ĐT phải rút kinh nghiệm khi đề xuất, thẩm định danh sách và phải sự có quản lý tốt, đặc biệt sau sự việc phải tự kiểm điểm để rút kinh nghiệm.
Qua xác minh, Bộ KH&ĐT cho biết một số người đã cố tình lợi dụng việc tham gia đoàn để bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp, bỏ cả hộ chiếu lại. Toàn bộ số hộ chiếu này đã được Cục Đầu tư nước ngoài bàn giao cho các cơ quan chức năng.
Bộ cũng coi đây là bài học sâu sắc để rà soát, rút kinh nghiệm khi tổ chức đoàn doanh nghiệp đi cùng, không để lặp lại sự cố này trong các chuyến đi tiếp theo. Đồng thời khẳng định sẽ siết chặt hơn nữa quy trình tổ chức, quản lý chặt chẽ đoàn doanh nghiệp đi nước ngoài tháp tùng các lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
(Theo Zing News)