+
Aa
-
like
comment

“Ông lớn” nào đề xuất ‘lấp’ hồ Thành Công để xây 3 tòa chung cư?

23/12/2019 08:41

Trong phương án mới nhất cải tạo khu tập thể cũ Thành Công (quận Ba Ðình, Hà Nội), Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) đã đề xuất Hà Nội cho phép lấp đi một góc hồ để xây dựng thêm 3 tòa nhà chung cư cao tầng…

Cụ thể, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihaijco, đơn vị được thành phố giao cải tạo chung cư cũ Thành Công) đã đưa ra đề xuất nâng tầng chung cư và lấy một phần diện tích hồ Thành Công phục vụ tái định cư tại chỗ.

Đây là lần thứ 2, Vihajico đề xuất lấp 1 phần hồ Thành Công phục vụ cải tạo tạo khu tập thể cũ Thành Công

Sau gần 8 tháng khảo sát, Vihaijco cho biết đa số người dân nhất trí chủ trương cải tạo toàn khu (91%) và có nhu cầu tái định cư tại chỗ. Với 9% còn lại, Vihaijco nêu phương án giãn dân, một là về Ecopark, hai là về khu nhà ở xã hội Cổ Bi mà doanh nghiệp đang được thành phố giao nhiệm vụ phát triển.

Để giải quyết nhu cầu tái định cư tại chỗ, doanh nghiệp cho rằng nếu có ngay quỹ đất sạch tại chỗ sẽ giải quyết được 2 việc: một là có mặt bằng làm cuốn chiếu và hai là để người dân nhìn thấy chất lượng nhà tái định cư. Do đó, đại diện Vihaijco “xin điều chỉnh quy hoạch hồ Thành Công khoảng một ha” để lấy đất tái định cư cho người dân.

“Hồ Thành Công có diện tích 10ha, tôi xin điều chỉnh quy hoạch hồ khoảng một ha, sau đó chúng tôi sẽ trả lại diện tích mặt nước trong quy hoạch mới”, đại diện nhà đầu tư nói.

Chủ đầu tư cũng đề xuất khối nhà ở tái định cư có chiều cao bình quân 24 tầng và tăng tối đa đến 35 tầng với khối nhà thương mại để “tạo điểm nhấn và giúp tăng lợi ích tài chính cho nhà đầu tư”.

Trong phương án mới nhất của đơn vị được thành phố giao cải tạo khu tập thể cũ Thành Công (quận Ba Ðình, Hà Nội) đã đề xuất Hà Nội 2 phương án.

Trong đó, phương án 2 chủ yếu triển khai bằng nguồn lực của chủ đầu tư; 100% cư dân được tái định cư tại chỗ; chiều cao tối đa của công trình 35 tầng.

Đáng chú ý, với phương án 2 này, nhà đầu tư đề xuất mở rộng diện tích công viên và hồ về phía trung tâm khu đô thị và “bù lại” cũng đề xuất cắt giảm hơn 4.267m2 mặt hồ phía đối diện để làm khu nhà tái định cư chất lượng cao.

Đề xuất ‘lấp’ hồ Thành Công xây chung cư thu hút sự quan tâm của dư luận. Ảnh Kinh tế Đô thị.

Nhận định về đề xuất này, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: Các hồ nước đang góp phần tạo nên bản sắc, diện mạo của Hà Nội, trong đó có hồ Thành Công. Các hồ nước gắn với cảm xúc, kỷ niệm của người dân và tham gia vào bảo vệ môi trường, cảnh quan… Thay đổi diện mạo của hồ để giảm diện tích không gian trống tiếp cận với đường là làm giảm lợi ích chung của cộng đồng dân cư đang được hưởng.

Điều đáng nói là đi liền với việc lấp đi một góc hồ, chủ đầu tư lại đề xuất khai thác chính quỹ đất đó để xây dựng chung cư cao tầng khai thác lợi thế kinh doanh. “Chủ đầu tư muốn chuyển cái lợi ích cộng đồng thành lợi ích của một số cá nhân, doanh nghiệp. Về giải pháp đưa thêm cây xanh, mặt nước vào khu trung tâm của khu Thành Công là giải pháp tốt nhưng không được “đánh đổi” bằng lấp đi một phần hồ nước!”, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho hay.

Mặc dù một số cơ quan chức năng của Hà Nội cho rằng, đây là “ý tưởng có thể ghi nhận”, nhưng theo một số chuyên gia về đô thị, trường hợp nhà đầu tư cho lấp một phần hồ nước và xây dựng các tòa cao ốc ở góc hồ Thành Công sẽ tác động nghiêm trọng đến không gian, cảnh quan tại đây. Hồ Thành Công vốn đã bị thu hẹp thì nay càng chật hẹp hơn. Diện tích mặt nước có thể không thay đổi nhưng hàng loạt chung cư cao tầng vây quanh hồ thì chẳng khác nào biến hồ Thành Công thành “ao làng” tù túng. Góc ngã tư mà chủ đầu tư đề xuất xây cao tầng là phần rất cần được bảo vệ.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, trong phương án cải tạo khu tập thể Thành Công, tầng cao tối đa được đề xuất nâng lên tới 35 tầng và chiếm tới 70% là tỷ lệ căn hộ nhỏ loại 47,5m2; 20% loại căn hộ 60m2; 10% loại căn hộ 75m2. Với tỷ lệ cơ cấu căn hộ như vậy theo tính toán của nhiều chuyên gia sẽ đẩy mật độ dân cư thực tế lên khá cao chứ không dừng lại ở tỷ lệ 10% như báo cáo của chủ đầu tư.

Trước đó, vào năm 2017, đơn vị được thành phố giao cải tạo khu tập thể cũ Thành Công cũng đã đưa ra đề xuất nâng tầng chung cư và lấy một phần diện tích hồ Thành Công phục vụ tái định cư tại chỗ.

Vào thời điểm đó, khi thông tin về việc đề xuất lấp hồ Thành Công được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng cũng đã gây bão dư luận. Hầu hết người dân đều tỏ ra không đồng tình. Người chưa biết đến đề xuất thì bất ngờ khi nghe tin, người biết rồi thì phản đối.

Chia sẻ trên tờ Dân Việt, lúc đó, ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, hồ nước tự nhiên ở Hà Nội liên kết với nhau tạo thành một chuỗi hồ có tác dụng điều hòa không khí, nước mưa. Bây giờ, thay đổi 1ha hồ Thành Công sẽ làm sẽ phá vỡ hệ thống đó và làm thay đổi đến cảnh quan, sinh vật trong lòng hồ.

“Tôi chưa thấy quá trình đô thị hóa ở đâu mà lấp hồ chỗ này để đào chỗ khác. Đơn vị xây dựng đó không có tính toán cụ thể về mặt tự nhiên. Nói như nhà đầu tư thì bây giờ lấp đi 1/3 hồ Hoàn Kiếm để xây nhà rồi đào bù chỗ khác thì còn gì là hồ Hoàn Kiếm nữa”, ông Chính nói.

Ông Chính cho biết thêm, nếu sau khi lấp hồ xây nhà tái định cư cho người dân ở tạm trong quá trình cải tạo chung cư cũ, khu vực sẽ xuất hiện thêm một khối nhà. Khi người dân trở về, khối nhà tái định cư đó sẽ tiếp tục được cho thuê hoặc bán làm tăng thêm dân cư cho khu vực. Điều này là trái với quy hoạch xây dựng chung và không phù hợp với yêu cầu của khu đô thị cải tạo.

Hồ Thành Công nằm giữa phố Thành Công, Láng Hạ, Nguyên Hồng và đường Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Vnexpress.

Đánh giá đề xuất của nhà đầu tư là mạnh dạn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng thừa nhận: “Có những đề xuất mà ngay cả thành phố chưa thể quyết được, ví dụ lấy một ha hồ Thành Công làm nhà cho dân. Đề xuất này được cho dân, được cho doanh nghiệp nhưng liệu thành phố có dám xóa bỏ quy hoạch chỗ đó không? Chủ đầu tư nói sẽ đào thêm hồ chỗ khác, chắc gì đã làm được”.

Ông Hùng cho rằng, đề xuất này cũng nảy ra cơ chế xác định vị trí tái định cư cho người dân xem trước. Nếu người dân đồng ý sẽ xây ngay nhà tái định cư, sau đó mới phá chung cư cũ và làm tiếp các hạng mục khác. Như vậy người dân có nhà về ở luôn, không phải đi nơi khác.

Trao đổi với báo chí về đề xuất này, ông Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc và đô thị Hà Nội cho rằng, đề xuất nói trên là không theo quy hoạch. Hà Nội đang phát triển cây xanh mặt nước đề xuất như vậy là không theo quy hoạch. Trong quy hoạch chung thủ đô phát triển cải tạo chung cư cũ phải theo quy hoạch. Người ta không lấp hồ thì lại đi lấp hồ là không hợp lý”, ông Nghiêm nói.

đơn vị đưa phương án dùng 1ha diện tích công viên và mặt hồ hiện hữu để xây nhà ở tái định cư cho người dân và đồng thời hoàn lại bằng cách đào bổ sung 1ha mặt nước về phía Bắc

Kiến trúc sư (KTS) Lê Hoàng Cương, Quản lý dự án cho Công ty cổ phần kiến trúc xây dựng AA, cho biết trên cương vị là một người Việt và một người có phần hiểu biết về quy hoạch đô thị và kiến trúc, ông không đồng ý với dự án này vì “nó thay đổi thiên nhiên và môi trường sinh thái tuy với lý do để phục vụ dân và nó không có thỏa đáng so với xu hướng của thế giới”.

Theo KTS Cương, hiện nay vẫn còn nhiều đất đai nơi khác không nhất thiết phải lấp đi một phần hồ để làm dự án xây chung cư như vậy.

Việc lấp đi một phần hồ hiện này rồi phải đào trả lại phần diện tích hồ đã bị lấp này theo KTS Cương là sẽ “rất tốn kém, thậm chí tốn kém gấp đôi so với lựa chọn phần mặt bằng khác đã có sẵn”.

Ngoài chuyện chi phí tốn kém thì còn phải tính đến các vấn đề sinh thái liên quan, vẫn theo KTS Lê Hoàng Cương:

“Còn chưa chắc để có thể đảm bảo vấn đề cấp thoát nước hay các vấn đề sinh thái khác vì trước khi đào hồ như vậy thì xung quanh hồ đó là một hệ sinh thái khác. Khi làm lại thì mình phải làm lại tất cả từ đầu và nó sẽ tốn kém và khó khăn hơn rất nhiều so với làm trên một mặt bằng khác,” KTS Cương nói.

Doanh nghiệp đề nghị lấy một ha hồ Thành Công để xây chung cư tái định cư.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, nói rằng “đây là một đề xuất hoàn toàn không phù hợp, thậm chí có phần phản cảm”.

“Dưới góc độ cơ quan đất đai và môi trường và cả cá nhân, tôi cho rằng đây không phải là giải pháp hữu hiệu. Không đời nào lại có chuyện lấp một phần hồ này rồi lại đào thêm một hồ khác. Hơn nữa, cả TP Hà Nội đang nỗ lực tạo ra các hồ để tạo môi trường, cảnh quan. Hồ Thành Công là một địa danh đã đi vào lòng người, người ta đã quen với phong cảnh ở đây, giờ lại đề xuất lấp một phần thì không thể chấp nhận được”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa nói.

Giải pháp tốt hơn theo KTS Cương là nên “xê dịch đất dự án vào xa hơn một chút để khỏi mất đi phần chi phí lấp và tạo dựng hồ mới vì đề xuất hiện tại là không hợp lý và không khả thi về chi phí. Đó là chưa kể người dân ở Việt Nam ngày nay nhiều người cũng thích được ở gần hồ”.

Kiến trúc sư Lê Hoàng Cương cho biết đề án hiện đang ở giai đoạn đề xuất và nó có thể được đưa ra Quốc hội để được xem xét hoặc đưa lên một diễn đàn hay tờ báo nào đó để lấy góp ý của người dân, tuy nhiên quyết định chính vẫn thuộc về phía chính quyền.

Bích Thảo

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều