+
Aa
-
like
comment

Ô nhiễm không khí nguy hại quyết không đánh đổi môi trường vì kinh tế

04/10/2019 17:20

Gần đây, một số tỉnh, thành của nước ta có chỉ số ô nhiễm môi trường ở mức cao và bụi mịn. Và có một thực tế ai cũng phải thừa nhận, môi trường không khí của chúng ta đang bị ô nhiễm và làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đứng trước tình hình này, Chính phủ đã đưa ra nguyên tắc thép “không đánh đổi môi trường vì kinh tế”.

Nạn ô nhiễm không khí đang là “kẻ giết người thầm lặng”

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hiện trạng không khí ở Hà Nội từ ngày 12 đến 29/9 cho biết, chỉ số bụi PM2.5 (loại bụi mịn có thể xâm nhập vào cơ thể người) liên tục cao hơn 50 – ngưỡng an toàn theo Quy chuẩn Việt Nam năm 2013 (trung bình 24 giờ là 50, trung bình năm 25).

Như thông tin đã đưa, số liệu của 13 trạm quan trắc tự động (1 trạm của Tổng cục Môi trường, 11 trạm của thành phố Hà Nội, 1 trạm của Đại sứ quán Mỹ) cho thấy, từ ngày 12 đến 17/9 chỉ số bụi PM2.5 liên tục tăng, tình trạng này tiếp diễn từ ngày 23 đến 29/9. Đặc biệt các ngày từ 25 đến 29, tất cả các trạm đều có giá trị PM 2.5 trung bình 24h vượt quy chuẩn.

Ô nhiễm không khí đang tác động tiêu cực đến môi trường sống 
Ô nhiễm không khí đang tác động tiêu cực đến môi trường sống 

Kết quả cho thấy, chỉ số chất lượng không khí tổng thể (AQI) trong trong 18 ngày trên thì chỉ có 5 ngày ở mức trung bình, còn lại đều ở mức kém (chỉ số lớn hơn 100). Từ ngày 23 đến 29/9, chỉ số AQI liên tục có xu hướng tăng (ô nhiễm) và đạt ở mức cao. Ngày 29/9, trạm quan trắc tại Đại sứ quán Mỹ cho thấy chỉ số AQI đạt mức xấu (chỉ số lớn hơn 200).

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định về thời gian không khí xấu trong ngày là PM2.5 tăng và duy trì ở mức cao vào đêm và sáng sớm. Cái thời điểm không khí tưởng như sạch nhất trong ngày, thì AQI vẫn vàng rực. Đi thể dục tưởng như hiển nhiên, ngược đời là giờ họ không thể làm nữa mới có thể bảo toàn sức khỏe.

Đáng nói ở chỗ, không chỉ Hà Nội, một số thành phố khác thuộc Bắc Bộ cũng nằm trong ngưỡng ô nhiễm không khí rất cao, như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Yên, Thái Nguyên, Sơn Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên v.v. với chỉ số AQI luôn ở mức đỏ – tím.

Điều lạ lùng nhất chính là sự việc diễn ra trong một thời gian tương đối dài, dư luận và nhiều chuyên gia liên tiếp lên tiếng cảnh báo, người dân hoang mang lo lắng, nhưng hai cơ quan chức năng liên quan trực tiếp đến vấn đề này là Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế phản ứng rất chậm, thiếu hướng dẫn đầy đủ để người dân biết và thực hiện, thiếu những giải pháp căn cơ mang tính chiến lược với tư cách là cơ quan tham mưu cho Chính phủ lĩnh vực này.

Bộ Y tế thậm chí vẫn chưa đưa ra bất kỳ một cảnh báo nào trước vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp một bộ phận không nhỏ người dân đang phải đối mặt hằng ngày, hằng giờ.

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới WHO, ô nhiễm không khí gây ra cái chết sớm cho khoảng 4,2 triệu người trên thế giới vào năm 2016. Trong đó, 91% tỉ lệ thuộc về các nước nghèo và đông dân ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Có tới 92% người dân trên thế giới không được hít thở không khí trong lành, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5.000 tỷ USD mỗi năm.

Cụ thể, 1/3 số ca tử vong do đột quỵ, ung thư phổi và các bệnh tim mạch là do ô nhiễm không khí. Các chất ô nhiễm cực nhỏ trong không khí có thể lọt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể, xâm nhập sâu vào hệ hô hấp và tuần hoàn, sau đó dần làm hỏng phổi, tim và não của con người.

Ô nhiễm không khí vừa là nguyên nhân hình thành, vừa là yếu tố làm trầm trọng thêm một số bệnh, từ hen suyễn cho đến bệnh tim mạch, ung thư phổi, phì đại tâm thất, bệnh Alzheimer và Parkinson, biến chứng tâm lý, tự kỷ, bệnh võng mạc… Các hạt bụi mịn và siêu mịn – một trong những thành phần chính của không khí ô nhiễm, đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế xếp vào nhóm chất gây ung thư cho con người.

Ở Việt Nam, năm 2016 hơn 60.000 người chết do bệnh tim, phổi và các chứng bệnh khác liên quan tới ô nhiễm không khí, theo thống kê năm 2018 của WHO. Như vậy trung bình 164 người mỗi ngày tử vong chỉ vì hít thở không khí. WHO đã gọi nạn ô nhiễm không khí là “kẻ giết người thầm lặng”.

Quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế

Tại Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, diễn ra hồi giữa năm 2018 ở tỉnh Quảng Trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định về bài học không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế.

“Môi trường là một tam giác cùng với kinh tế, xã hội. Chúng ta phải giữ, một trụ cột của sự phát triển. Tất cả các địa phương phải giữ gìn môi trường, đặc biệt môi trường biển, một thế mạnh của Việt Nam. Từ sự cố Formosa, chúng ta nghĩ về tương lai môi trường của nước ta và khu vực biển nước ta, phải làm tốt hơn không được ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, nguồn nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế; tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư. Cơ chế thu hút FDI bằng mọi giá, đánh đổi với chi phí cơ hội về môi trường.

Thông điệp “không đánh đổi môi trường vì kinh tế” đã được Chính phủ đưa ra như một nguyên tắc thép và một lằn ranh không thể vượt qua trong tương lai; nhưng thực tế phạm vi áp dụng của nguyên tắc “không đánh đổi” này mới chỉ được áp dụng đối với các dự án xét duyệt mới, hoặc các dự án đã đi vào hoạt động nhưng có nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường ở mức độ tương tự như Formosa đã gây ra.

Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm đến vấn đề này để hành động, đừng để môi trường của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh “ung thư” giống Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, khi đó mọi biện pháp khắc phục đều rất tốn kém, đè nặng thêm lên vấn đề chi phí, ngân sách quốc gia, còn cuộc sống người dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề

Hồng Đinh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều