+
Aa
-
like
comment

Những lỗ hổng nghiêm trọng trong công tác cán bộ

10/10/2019 16:58

Tệ nạn “chạy chức, chạy quyền” gây nhiều bức xúc trong nhân dân thời gian qua đang đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Những lỗ hổng nghiêm trọng trong công tác cán bộ
Những lỗ hổng nghiêm trọng trong công tác cán bộ

Lỗ hổng trong công tác cán bộ – con sâu đục khoét chế độ

Câu chuyện bi hài về bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo, SN 1975) chưa học hết cấp 3, vốn làm nghề cắt tóc gội đầu nhưng mượn bằng cấp 3 của chị gái để học tiếp và ngoi lên chức vụ Trưởng phòng Quản trị – Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk khiến dư luận râm ran suốt mấy ngày qua.

“Sự việc ở Đắk Lắk cho thấy, công tác cán bộ ở địa phương vẫn còn nhiều sơ hở. Vấn đề tin tưởng cán bộ trong cơ quan là điều rất tốt, nhưng không thể thay thế cho những nguyên tắc thẩm tra cơ bản trong công tác cán bộ. Những quy định mà Đảng đã đề ra rất rõ, tất cả các cấp ủy phải tuân thủ, thực hiện đúng trên tinh thần chỉ đạo về công tác cán bộ”, ông Nguyễn Túc (nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, thành viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX) nói.

Công luận còn nhớ cách đây không lâu, ông Lê Phước Thanh đã bị Ban Bí thư cách chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (nhiệm kỳ 2010-2015) vì những biểu hiện ưu ái trong việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động và bổ nhiệm cho con trai mình là Lê Phước Hoài Bảo, mặc dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ.

Hay trường hợp nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Phong Quang, người trực tiếp ký bổ nhiệm trên 30 trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn, đã bị Ban Bí thư cách tất cả các chức vụ trong Đảng (Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Bí thư Đảng ủy Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ).

Những lình xình liên quan đến công tác cán bộ gây nhức nhối trong xã hội còn diễn ra ở không ít nơi, từ Hà Giang, Yên Bái, Kim Thành (Hải Dương), Mỹ Đức (Hà Nội) đến Quảng Trạch (Quảng Bình), Hiệp Đức (Quảng Nam)… Và hậu quả là “chủ nghĩa gia tộc” hay “chủ nghĩa thân hữu” thao túng, chi phối những đặc quyền, đặc lợi của cơ quan, địa phương, gây bức xúc và suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước.

Thực tế cho thấy đã có nhiều vụ việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để kết bè, kết cánh, đưa người thân, “cánh hẩu” vào các vị trí thuận lợi trong cơ quan công quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ.

Từ những cán bộ “chạy” để có quyền lực, còn dẫn đến hệ lụy tệ hại là làm vô hiệu hóa đường lối, chủ trương, chính sách và các quy định đúng đắn trong công tác cán bộ của Đảng; gây nhức nhối dư luận; làm hư hỏng đội ngũ cán bộ; làm mất niềm tin của nhân dân và của chính đội ngũ cán bộ, gây hậu họa khôn lường cả trước mắt và lâu dài.

Đã trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, nhưng một số trường hợp không gương mẫu, thiếu công tâm khách quan, có biểu hiện vun vén cho gia đình trong thực thi công vụ, đặc biệt là trong công tác cán bộ.

Tha hóa quyền lực trở thành vấn nạn khi một bộ phận cán bộ, đảng viên là “sản phẩm” của nạn chạy chức, chạy quyền.

Khi có bệ đỡ, con đường tiến thân của họ dễ dàng, rộng mở. Và từ đây tâm lý “chạy chọt” để có một ví trí, để tiến nhanh, tiến “thần tốc” đã ăn sâu, bén rễ.

Chạy chức, chạy quyền chính là căn nguyên gốc rễ dẫn đến những “lỗ hổng” nghiêm trọng trong công tác cán bộ, triệt tiêu động lực phấn đấu của những người có phẩm chất, năng lực, cũng như gây mất đoàn kết trong nội bộ.

Người có vị trí, bằng quyền hạn của mình, tìm cách cài cắm, đưa người thân, “cánh hẩu” của mình vào những vị trí thuận lợi để từ đây dễ bề gây dựng bè cánh, phục vụ lợi ích cho một nhóm người.

chay-chuc-chay-quyen-va-quoc-nan-tham-nhung-1

Lấp khoảng chống với lỗ hổng trong công tác cán bộ

Chỉ bốn mươi lăm ngày sau Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi “Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng trên báo Cứu quốc, số ra ngày 17-10-1945, để nhắc nhở về lỗi lầm rất nặng nề là: “Tư túng-Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài nǎng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai.”

Và Người cảnh báo: “Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung.”

Bảy mươi tư năm qua, nhận thức sâu sắc lời dạy của Bác, Đảng luôn dành sự quan tâm lớn cho công tác cán bộ, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong các thời kỳ cách mạng.

Qua nhiều kinh nghiệm lịch sử và tiếp thu lời dạy của Bác, Đảng ta cũng cho thấy, chúng ta không sợ khuyết điểm, khi đã nhận ra, Đảng sẽ ra sức sửa chữa. Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 205-QĐ/TW cho thấy Đảng quyết tâm chấn chỉnh công tác cán bộ, tuyên chiến mạnh mẽ với vấn nạn chạy chức, chạy quyền.

Trước nhức nhối trên, tại Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu, phải trả lời cho được những câu hỏi: Vì sao quy trình công tác cán bộ đúng, nhưng bố trí con người cụ thể lại sai? Phải làm gì để khắc phục, đẩy lùi tình trạng “chạy chức,” “chạy quyền” hay “thân quen, cánh hẩu”? Cơ chế giám sát quyền lực đã đủ chưa? Làm thế nào để bảo đảm quy chế, quy trình công tác cán bộ thật chặt chẽ để người muốn “chạy chức,” “chạy quyền” cũng “không thể chạy” và “không dám chạy”…

Chính vì vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, trong đó chỉ rõ tình trạng phe nhóm, “cánh hẩu”…, được các tầng lớp nhân dân quan tâm, đồng tình ủng hộ.

Dư luận có nhiều ý kiến cho rằng, vấn nạn chạy chức, chạy quyền như khối “ung nhọt” mà ở thời nào, xã hội nào cũng có. Việc ra Quy định trên không chỉ thể hiện quyết tâm chấn chỉnh công tác cán bộ, mà đó còn là lời tuyên chiến mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trước vấn nạn chạy chức, chạy quyền.

Điều nhân dân cả nước và dư luận trông đợi hơn nữa, sau khi có Quy định 205-QĐ/TW là việc cụ thể hóa và thực hiện trong thực tế để đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, Đảng và Nhà nước có những giải pháp cụ thể, cấp bách, tạo những bước “đột phá” mang tính căn bản và toàn diện để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Đây là những yếu tố vô cùng quan trọng nhằm bảo đảm bộ máy trong sạch, đảm bảo quyền lực được trao đúng người và giám sát cán bộ trong quá trình thực thi quyền lực.

Nhân tố có ý nghĩa quyết định trong đấu tranh chống chạy chức, chạy quyền là quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhất là vai trò người đứng đầu thể hiện ở sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, nhất là điều tra, xử lý các vụ việc tham nhũng trong công tác cán bộ.

Trước vấn nạn đang đánh thẳng vào khâu trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng, tại Hội nghị lần thứ 7 (Khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu nhận thức sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của tệ chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ, cần đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền.

Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu “… hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm.”

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Mong đợi của các tầng lớp nhân dân là Nhà nước rất cần có các cơ chế công khai, khách quan, minh bạch hơn nữa trong thi tuyển cán bộ, tạo cơ hội cho tất cả ứng viên trình bày chương trình hành động về vị trí công việc, cá nhân nào đáp ứng được yêu cầu thì sẽ được lựa chọn. Người tài, đức sẽ được lựa chọn để gánh vác việc nước.

Đinh Lực

Bài mới
Đọc nhiều