Nhân dân cần những vị đại biểu biết hiểu và thương dân
Sáng nay, đại biểu có tranh luận liên quan đến tăng giờ làm thêm cho công nhân. Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm cần tăng giờ làm thêm cho công nhân, cụ thể tăng lên tối đa 400 giờ/năm so với quy định hiện hành 300 giờ. Thì ý kiến trái chiều của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) khiến cho nhiều người suy ngẫm.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc đưa ra lý do cần phải tăng hạn mức giờ làm cho người lao động, với lý do, so với các nước, người lao động Việt Nam đang làm khung giờ thấp hơn nhiều. Trên góc độ các nhà doanh nghiệp, thì việc tăng thêm hạn mức khung giờ làm thêm, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi ích. Đầu tiên phải kể đến là, giảm rất nhiều chi phí cho các loại bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp phải đóng nếu tận dụng nguồn lao động đã có sẵn.

Không phải ngẫu nhiên mà đại biểu Quyết Tâm bày tỏ sự lo lắng và nghẹn ngào chia sẻ: “Chúng ta hãy nhìn dáng vẻ, tâm thế người công nhân, đời sống thực tế của họ. Chúng ta hãy nhìn những đứa trẻ con của công nhân phải gửi con về quê cho ông bà ở quê chăm sóc, có cha mẹ nào nỡ lòng xa con. Có những người già phải chăm cháu để con đi xa làm ăn… Nhân văn là bảo vệ quyền con người, nhân văn là tình người trong sử dụng sức lao động, tăng lương giảm giờ làm chứ không phải tăng khung giờ làm thêm”. Phải thật sự gần dân thì bà Quyết Tâm mới có thể đưa ra những lời nói đầy thân tình, sẻ chia như thế!
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, thực tế hiện nay cho thấy, có rất nhiều công nhân có nhu cầu làm tăng ca. Nếu tăng thêm khung giờ làm thêm, người lao động sẽ có thêm điều kiện, cơ hội làm thêm, tăng thu nhập. Mức thu nhập của giờ tăng ca dĩ nhiên lúc nào cũng cao hơn giờ hành chính. Có rất nhiều người lao động, do cần cù, chăm chỉ tăng ca đã cải thiện thu nhập, tháo rất nhiều nút thắt, giải quyết bài toán kinh tế cho gia đình. Từ nhu cầu cần làm việc, cần kiếm thêm tiền của người lao động, việc tăng giờ làm cho người lao động như để xuất của Đại biểu Vũ Lộc không phải là không xác đáng.

Làm sao để cơ chế “thuận mua vừa bán” được phát huy đúng nghĩa – người sử dụng lao động vừa không phải tốn tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tăng ca, vừa không phải tốn công đào tạo nhân sự; còn người lao động nếu có nhu cầu tăng ca, làm thêm để được tăng thu nhập thì đã có điều kiện. Như thế cả đôi bên mới cùng có lợi.
Thế mới thấy, làm chính sách liên quan đến đời sống dân sinh không hề dễ, và trong vấn đề này vai trò, nhận thức của người đại biểu quan trọng lắm. Đòi hỏi mỗi vị đại biểu phải am tường, hiểu lòng dân và có tâm thì mới có thể là “ngọn hải đăng” dẫn đường, góp phần đưa ra những chính sách phù hợp, giúp cho người dân có đời sống ấm no, hạnh phúc hơn mỗi ngày. Muốn làm như vậy, đại biểu cần luôn biết rõ, cần “đứng” ở đâu khi bàn về lợi ích người lao động và lợi ích của doanh nghiệp. Chổ “đứng” mà tác giả bài viết muốn bàn đến dĩ nhiên không phải đơn thuần là phòng họp, là nghị trường mà vị Đại biểu của dân phải đứng, nhìn từ cuộc sống của người dân để đưa ra những đề xuất phù hợp.

Tường Vi