+
Aa
-
like
comment

“Người có tài năng trong hoạt động công vụ” đi tìm nhân tài hay hiền tài?

25/10/2019 16:00

Tranh luận nối tiếp thảo luận, rồi tranh luận với tranh luận, chỉ là một trong hơn 20 nội dung song định nghĩa người tài và quy định chính sách đối với người có tài năng đã làm rộn rã phiên thảo luận sáng 24/10 của Quốc hội.

Tranh luận khái niệm chung về người có tài năng trong luật

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là nội dung của phiên thảo luận. Báo cáo tiếp thu, giải trình trước khi Quốc hội thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu tới hơn 20 vấn đề còn có ý kiến khác nhau, qua thảo luận tại kỳ họp trước của Quốc hội. Về chính sách đối với người có tài năng (khoản 2 điều 1 của dự thảo luật – sửa đổi, bổ sung điều 6 của Luật Cán bộ, công chức) Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng trong luật này là khó khả thi.

Trong phạm vi của Luật Cán bộ, công chức, quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là chỉ bổ sung khái niệm “người có tài năng trong hoạt động công vụ” và quy định về chính sách trọng dụng, đãi ngộ, cơ quan có thẩm quyền quy định về khung chính sách, quyết định áp dụng chế độ, trọng dụng đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ để bảo đảm tính thống nhất, nhưng phù hợp với thực tiễn. Sau một số phát biểu thì vô số tấm biển tranh luận được sử dụng, một số vị hơn một lần đứng lên, tranh luận về chính sách đối với người có tài năng. Cơ sở được một số ý kiến viện dẫn cho quan điểm của mình là cách chọn hiền tài của Bác Hồ. Dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng không thể có một định nghĩa chính xác về tài năng để hài lòng tất cả mọi lĩnh vực, mọi người.

duong-trung-quoc_vznq
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) phát biểu tại hội trường sáng 24.10

Nếu chúng ta cứ sa đà vào chuyện định nghĩa tài năng thì sẽ không tìm được người tài năng, ông Hiếu nói. Tán thành quan điểm này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói, nên bàn về nhân tài ở chính sách khác. Ông Quốc cũng cho rằng: “Quan trọng nhất chúng ta đánh giá con người phải thể hiện đi cùng với đó là chính sách đãi ngộ. Thời kỳ Bác Hồ là thời kỳ có giá trị lớn hơn cả tiền bạc, đó lòng yêu nước, cho nên phần lớn những người Bác dùng là những người được đào tạo ở chế độ cũ nhưng sẵn sàng hy sinh tất cả những giá trị vật chất để họ thực hiện mục tiêu yêu nước của mình”, ông Quốc nói.

Cũng dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nói ông “rất sốc và rất buồn khi nghe đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu”. “Tôi nghĩ rằng tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị của nó cho dù 70 năm trôi qua”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tiếp tục giơ biển, đại biểu Quốc hồi âm ý kiến đại biểu Tuấn, theo đại biểu Quốc thì “cốt lõi trong tinh thần của Bác Hồ cũng là tiếp thu của người xưa là dụng nhân như dụng mộc, biết dùng người, biết dùng đúng lúc, đúng chỗ và có một hệ thống giá trị để thu hút. Hiện nay, có những vấn đề liên quan đến hệ thống giá trị, tại sao một người y tá giỏi luôn luôn phải đứng dưới một bác sĩ tầm thường, kể cả lương bổng, kể cả thưa gửi trong một hội nghị”.

Nhân tài, hiền tài lực lượng ưu tú của xã hội

Quốc gia nào có nhiều nhân tài, hiền tài, lao động tri thức và nguồn nhân lực phát triển thì quốc gia đó sẽ có tốc độ phát triển nhanh và có đủ khả năng xử lý các nguồn thông tin cho đất nước mình và chiến thắng trong quá trình hội nhập quốc tế. Cho đến nay, nhiều học giả và người dân nước ta có các quan điểm khác nhau về nhân tài, hiền tài. Có người cho rằng nhân tài, người tài, hiền tài có nội hàm giống nhau và có cùng một khái niệm, họ là những người xuất chúng, có học vị và bằng cấp cao.

Về khái niệm “Hiền tài” đã xuất hiện rất sớm trong ngôn ngữ và lịch sử của dân tộc, đã được ghi tại văn bia Quốc Tử Giám năm 1442. Có người đặt ra câu hỏi: Tại sao Tiến sỹ Thân Nhân Trung năm 1442 ở văn bia Quốc Tử Giám đã ghi: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” mà không ghi “nhân tài là nguyên khí quốc gia”? Vậy nhân tài và hiền tài có gì khác nhau? Ở nước ta hiện nay, đại diện cho lực lượng ưu tú trong xã hội là Người tài và Hiền tài; còn Nhân tài vốn là thuật ngữ Hán-Việt, Nhân là Người, có nghĩa là Nhân tài đồng nghĩa với Người tài. Vì vậy, khẳng định rằng ở nước ta chỉ có 2 khái niệm nhân tài (người tài) và hiền tài.

Về tiêu chí đối với Người tài (Nhân tài): Điều kiện tiên quyết đối với họ là phải có lòng yêu Tổ quốc, dân tộc, có tính sáng tạo, có đóng góp xứng đáng, có kết quả cụ thể được cộng đồng công nhận và suy tôn. Họ có tài năng thực sự trong một lĩnh vực nào đó có thể là khoa học công nghệ, kinh tế, kinh doanh, quân sự, chính trị, giáo dục, y học, nghệ thuật, thể thao…Họ xuất hiện ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội, có bằng cấp hay không có bằng cấp, họ xuất thân từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến hải đảo, từ Trung ương đến địa phương.

Hiền tài trước hết phải đạt tiêu chí là người tài, nhưng dứt khoát là không có “tật”. Đối với họ Đức và Tài phải nằm trong một thể thống nhất nghĩa là phải có Tâm, có Tầm và có Tài. Hiền tài cũng như người tài phải giỏi một hoặc hai lĩnh vực chuyên môn nào đó. Song không phải bao giờ cũng giỏi hơn mọi người. Vì ở từng lĩnh vực khác nhau có người giỏi hơn mình nhưng đòi hỏi hiền tài phải có năng lực phát hiện ra tài năng, biết tiến cử, sử dụng và phát huy năng lực của những người tài giỏi hơn mình, biết quy tụ, đào tạo và sử dụng họ.

Người xưa có câu: “Không biết người tài, biết người tài mà không dùng, dùng người tài mà không tin” là ba điều tối kỵ đối với người đứng đầu một tổ chức nhất là đối với đất nước ta trong giai đoạn hiện nay, cho nên tiêu chí cao nhất của Hiền tài là phải có khả năng phát hiện, sử dụng người tài.

Điều này cho thấy hiền tài xuất hiện từ trong nhân dân, từ hoạt động thực tiễn, từ sự rèn luyện gian khổ để tạo ra các sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị cho dân tộc, cho đất nước được cộng đồng tôn vinh. Để tránh tụt hậu và bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, nước ta cần phải tái cấu trúc lại nguồn nhân lực, đây là khâu yếu nhất hiện nay, vì vậy đòi hỏi phải có nhiều người tài, hiền tài và lao động có chất lượng cao như Bác Hồ đã dạy: “… tài to ta dùng vào việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy…”.

Đây chính là chiếc chìa khóa vàng cho dân tộc ta phát triển bền vững và giàu mạnh, hội nhập với nền kinh tế quốc tế, từng bước tiến vào nền kinh tế tri thức.
Ngày nay Hiền tài và Người tài đã trở thành yếu tố quyết định cho sự thành bại của đất nước ta trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và thế giới mà thực chất đó là sự đọ sức về trí tuệ như Long Tử Dân – một học giả Trung Quốc, đã có câu nói hết sức chí lý cho thời đại hiện nay: “Sự lãng phí lớn nhất là lãng phí nhân tài, sự cạnh tranh căn bản nhất là cạnh tranh nhân tài, năng lực chủ yếu của người lãnh đạo là phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và sử dụng nhân tài”. Theo tôi, người lãnh đạo ở đây chính là hiền tài.

Phạm Minh Hà

Bài mới
Đọc nhiều