Miệng nhà quan có… lưỡi!
Trong trò chơi “ô ăn quan” bọn trẻ hát “Hết quan tàn dân…”, dân muốn “không tàn” thì đừng để “hết quan”, liệu người lớn có nghĩ như con nít?
Liên quan đến “Miệng quan”, người Việt có câu: “Miệng nhà quan có gang có thép”.
Lại cũng có câu: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”.
Vận vào trường hợp ông Nguyễn Bắc Son khi còn đương chức, miệng ông này “có gang có thép” hay không người viết không dám lạm bàn nhưng những gì ông nói trước tòa thì quả là “nhiều đường lắt léo”.
Ban đầu ông Son khai nhận của Phạm Nhật Vũ 3 triệu USD.
Số tiền này lúc nhận để ngoài ban công sau đó đưa cho con gái.
Sáng 17/12/2019, tại tòa ông Son phủ nhận lời khai này, đến buổi chiều lại khai có nhận 3 triệu USD và cải chính rằng không đưa tiền cho con gái, tuy nhiên dùng tiền đó vào việc gì thì ông không nhớ!
Với riêng ông Son đành phải ghép hai câu thành ngữ nêu trên thành câu mới, rằng “Miệng nhà quan có … lưỡi”.
Có người không đồng ý câu tổng kết trên vì cái sự “lắt léo” của ông Son xảy ra sau khi bị bắt, tức không còn là “quan” nữa, thế chẳng nhẽ những “lời vàng ngọc” ông ấy nói khi còn là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đúng tuốt tuồn tuột?
Ông Đinh La Thăng từng khai rằng việc việc PVN (Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam) góp vốn vào OceanBank “Theo quy định của pháp luật, việc này phải được sự đồng ý của Thủ tướng”.
Cùng giống như ông Thăng, ông Son khai “Do Thủ tướng có công văn chấp thuận chủ trương đầu tư nên bản thân nghĩ rằng làm đúng”.
Thẩm phán Trương Việt Toàn khen ông Son “rất dũng khí” trong lời khai sau:
“Đây là lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện dự án. Tôi và anh Tuấn đều từ ban Đảng chuyển sang, không có kiến thức, chuyên môn sâu về kinh doanh, tài chính nên tin tưởng vào các cơ quan tham mưu và các bộ ngành. Các văn bản tôi đều bút phê chứ không có đề xuất”.
Khi nhận chức chẳng thấy hai ông cựu Bộ trưởng từ chối với lý do “không có kiến thức, chuyên môn sâu về kinh doanh, tài chính”, khi ra tòa thì mới đổ vạ rằng do “từ ban Đảng chuyển sang”, thế miệng nhà quan có … lưỡi hay có … gang thép?
Ông Son và không ít người cùng chung cảnh ngộ với ông này đang biện minh, rằng họ thực hiện quyết định chuyển từ Ban sang Bộ dù thiếu kiến thức nên họ không có lỗi, họ không nên bị kỷ luật.
Liệu có phải ông Son đang trách “quy trình” chọn Bộ trưởng? Tại “quy trình” nên ông và ông Tuấn phải làm những việc mình không có kiến thức, không chuyên sâu!
Không biết ôm một lúc gần 70 tỷ đồng Phạm Nhật Vũ hối lộ cất ở hành lang thì ông Son cần đến kiến thức chuyên môn sâu về lĩnh vực gì? Mà chẳng lẽ thật sự bao nhiêu năm lãnh đạo ông Son chỉ “ăn” mỗi 3 triệu USD vụ AVG?
Nhưng phải công nhận quan tòa rất tinh khi cho rằng nói được điều đó quả là ông Son có “dũng khí”.
Có điều, thường thì Thủ tướng chỉ cho ý kiến về chủ trương, đường lối và luôn có chỉ đạo phải tuân thủ pháp luật, còn thực hiện cụ thể thì người đứng đầu bộ, ngành, tỉnh,… phải tự mình quyết định.
Chẳng nhẽ Thủ tướng còn phải cầm tay chỉ việc cho … Bộ trưởng như với 30% cán bộ, công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về mà báo chí đặt câu hỏi?
Nếu thực tế không có hiện tượng Bộ trưởng phải cầm tay chỉ việc thì vì sao không ít vị lại cố tình “báo cáo Thủ tướng”, lại cứ viện dẫn chỉ đạo của Thủ tướng?
Gần 5 năm trước, trong bài “Quốc gia đội sổ và … báo cáo Thủ tướng” người viết đã nêu câu hỏi:
“Đất nước chỉ có một Thủ tướng nhưng có 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, 22 cơ quan cấp bộ, liệu rồi đây còn bao nhiêu vụ việc sẽ lại đến tay Thủ tướng?”.
Thực ra “Báo cáo Thủ tướng” là kế thứ mười của “Binh pháp quan trường” (đã đăng được 9 kế), dù viết xong nhưng không gửi đăng vì không muốn làm khó tòa soạn.
“Báo cáo Thủ tướng” là kế để phòng thân, để rủi sau này phải đứng trước tòa thì còn có chỗ bấu víu, thậm chí là còn để… đổ vạ.
Đã xuất hiện tình trạng khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải lên tiếng cảnh báo: “Nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm”.
Sợ trách nhiệm nên không làm, khi buộc phải làm thì tìm mọi cách “báo cáo Thủ tướng”.
Đã báo cáo mà vẫn có sai sót khi thực hiện thì cả hai phía – người báo cáo và người nhận báo cáo – đều phải chung tay chịu trách nhiệm, thế gọi là “đổ vạ” hay “giăng bẫy”?
Có một băn khoăn là không biết hiện tượng “đổ vạ” sẽ dừng ở cấp trên trực tiếp hay “những bàn tay nhúng chàm” đang giơ ngón trỏ về phía “quy trình”?
Cũng còn một hướng khác, được Báo Vietnamnet chạy thành tít bài “Quốc hội là dân, dân quyết sai dân chịu chứ kỷ luật ai?”.
Bài báo dẫn ý kiến một vị lãnh đạo lúc đó: “Quốc hội là cơ quan lập pháp, nếu đưa ra quyết định, chủ trương sai cũng phải nhận khuyết điểm, nhưng không thể đem cả Quốc hội ra kỷ luật”.
Không thể kỷ luật người sai phạm vì làm theo “ý kiến chỉ đạo” của cấp trên, “không thể đem cả Quốc hội ra kỷ luật” vì “dân quyết sai dân chịu”, thế có phải chỉ hai đối tượng là “quy trình” và “dân chúng” phải chịu kỷ luật?
Nếu kết luận trên đây là đúng thì có lẽ phải nghiên cứu ngay quy trình kỷ luật hai đối tượng này, tránh tình trạng “trên có chính sách, dưới (dân và quy trình) có đối sách”.
Trong trò “Chơi ô ăn quan” bọn trẻ hát “Hết quan tàn dân…”, dân muốn “không tàn” thì đừng để “hết quan”, liệu người lớn có nghĩ như con nít?
Một bộ phận không nhỏ những người “vô trách nhiệm không thời hạn” cho đến trước khi bị bắt giam như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Đinh La Thăng,… thì không nên để họ vào cùng hàng ngũ với dân bởi nếu thế họ sẽ bị kỷ luật hai lần – trước tòa và cùng dân.
Hết quan lại không phải dân thì họ là gì?
Xuân Dương/GDVN