Mất hơn 300 triệu tiền thuế chỉ để các Nghị bàn về người tài
Trong phiên họp gần đây, Quốc hội đã thảo luận 3 vấn đề liên quan đến luật cán bộ công chức. Tuy nhiên theo những gì báo chí đưa tin thì có thể thấy các vị đại biểu lại sa đà quá nhiều vào phần tranh cãi thế nào là người tài. Điều đó có nghĩa nếu cứ chia trung bình thì 1 vấn đề quốc hội dành hơn 2,5 tiếng để thảo luận và mất 300 triệu tiền thuế của dân chỉ để bàn về nó!
Tại sao lại có con số 300 triệu? Bởi theo đại biểu Trần Quốc Tuấn từng tiết lộ trên nghị trường rằng cứ mỗi phút họp quốc hội ngân sách nhà nước phải bỏ ra 2 triệu đồng. Đây là con số được tiết lộ từ năm 2013, vậy thử hỏi sau 6 năm con số này còn lạm phát, tăng lên gấp bao nhiêu lần nữa? Ấy vậy mà, có tới 18 đại biểu tranh luận về vấn đề người tài này. Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, việc tuyển chọn người tài cần phải học tập Bác Hồ từ khi thành lập nước. Tranh luận với đại biểu Vân, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, không nên nhắc lại câu chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ hơn 70 năm trước, thời đại đã thay đổi rồi. Không đồng tình với quan điểm của ông Quốc, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, nói ông cảm thấy rất “sốc” và “buồn”…. Và cứ thế là 300 triệu tiền thuế bay mất mà các vị đại biểu vẫn chưa chốt ra được định nghĩa người tài!
Biết rằng mỗi buổi họp quốc hội đều phải theo lộ trình mà ban thư ký đưa ra. Hơn nữa, việc các vị đại biểu quốc hội tranh luận cũng là điều phải ghi nhận. Ít nhất nó còn thể hiện được vai trò trách nhiệm của mỗi vị đối với cái ghế mình đang ngồi và trọng trách mình gánh trên vai. Và chính bản thân tôi cũng không rõ định nghĩa người tài là thế nào, cách thu hút ra sao? Tuy nhiên, tôi thắc mắc tại sao chúng ta lại mất quá nhiều thời gian tranh cãi về một vấn đề mà hàng loạt các công ty HR (săn nhân tài) bên ngoài đang làm tốt? Tại sao chúng ta phải mất thời gian tiền bạc để tranh luận trong khi có người làm thay? Thậm chí, còn không có chuyên môn bằng họ?
Biết rằng để tìm những người đảm nhiệm vị trí trong cơ quan nhà nước thì phải cần vừa có tài vừa có đức, các công ty HR có thể đáp ứng được việc tuyển dụng nhân tài, nhưng theo tôi như vậy là quá đủ. Bởi làm gì có một căn cứ cơ sở nào để đảm bảo đạo đức của những người tài đó. Ngay như ông Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son… đã từng được coi là lãnh đạo nòng cốt, là nhân tài của đất nước, giữ vị trí cao cấp của trung ương, ấy thế mà đến khi vào “lò” người dân mới vỡ lẽ hóa ra các ông không “đạo đức” như họ từng tưởng. Phạm trù đạo đức ở đây phụ thuộc vào quá trình rèn luyện cọ xát chứ không phải 1 vài nhận định cảm quan có thể đánh giá được. Vậy tranh luận nhiều phỏng có ích gì?
Điều tôi nghĩ chúng ta cần bàn ở đây làm sao để tạo điều kiện cho người tài phát triển khi vấn nạn con ông cháu cha trong các cơ quan nhà nước vẫn còn nhức nhối? Tôi vẫn tự hỏi tại sao chỉ 2/17 quán quân Olympia trở về nước làm việc? Phải chăng môi trường làm việc quá tốt ở nước ngoài và những hiện thực của đất nước khiến họ quên hẳn lời thề trở về xây dựng quê hương như từng đã sắt son hứa trước khi đi du học? Không chỉ kêu gọi người tài trở về mà làm sao giữ chân được họ làm việc lâu dài cũng cả là một vấn đề phải được vị quốc hội quan tâm. Thực tế vừa qua TP.HCM từng bổ nhiệm một người mang theo bao kỳ vọng, nhưng sau một thời gian người đó xin nghỉ, dù trước đó ông đã sẵn sàng từ bỏ công việc tốt ở doanh nghiệp nước ngoài với lương cao hơn nhiều lần vị trí mới trong bộ máy nhà nước. Vậy mới thấy, trọng dụng nhân tài không khó, nhưng tạo môi trường cho nhân tài phát huy năng lực, cống hiến mới khó.
Đúng là khi tranh luận thì mới vỡ lẽ ra được nhiều vấn đề, tuy nhiên chúng ta nên tranh luận đúng chuyên môn của mình để đưa ra được những ý kiến xác đáng giúp ích cho người dân và phát triển đất nước. Đừng biến những vấn đề đơn giản trở lên phức tạp và cũng đừng biến nó từ một cuộc tranh luận thành tranh cãi.
Bạn đọc Minh Anh