+
Aa
-
like
comment

Lấp ‘lỗ hổng’ công tác cán bộ, ngăn ngừa lạm dụng, thao túng quyền lực

09/10/2019 17:10

Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả. Việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nhằm ngăn ngừa lạm dụng, thao túng quyền lực, lấp ‘lỗ hổng’ trong công tác cán bộ, góp phần lựa chọn, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực.

Đừng để Đảng viên là “sản phẩm” của nạn chạy chức, chạy quyền

Mới đây, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Không ngẫu nhiên Quy định số 205-QĐ/TW được ban hành vào thời điểm chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhìn vào thực tế chúng ta thấy đã có nhiều vụ việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để kết bè, kết cánh, đưa người thân, “cánh hẩu” vào các vị trí thuận lợi trong cơ quan công quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ.

Tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị xử lý nghiêm cán bộ sai phạm để xây dựng bộ máy trong sạch.
Tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị xử lý nghiêm cán bộ sai phạm để xây dựng bộ máy trong sạch.

Việc tham nhũng trong công tác cán bộ vừa có những điểm chung của tham nhũng nói chung, vừa có đặc thù. Nếu như tham nhũng trong các lĩnh vực khác thường là những hành vi vụ lợi vật chất, tiền bạc, được luật pháp quy định rõ thành những hành vi cấu thành tội phạm, thì tham nhũng trong công tác cán bộ nhiều khi thuộc loại “tham nhũng quyền lực”, “tham nhũng quan hệ”, vụ lợi tinh thần, rất khó kết luận là tham nhũng, lại càng khó khởi tố, xét xử, như những chuyện “cả họ làm quan”, “cả nhà làm quan”, “nâng đỡ không trong sáng”…

Mặc dù đã trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, nhưng một số trường hợp lại không gương mẫu, thiếu công tâm khách quan, có biểu hiện vun vén cho gia đình trong thực thi công vụ, đặc biệt là trong công tác cán bộ.

Thời gian qua, nhiều cán bộ chủ chốt tại Đắk Lắk bị phát hiện khai man bằng cấp để thăng tiến trên đường quan lộ. Mới đây nhất, một nữ Trưởng phòng Hành chính – Quản trị trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk sử dụng hồ sơ nhân thân của chị gái để làm việc. Vụ việc không chỉ gây xôn xao dư luận mà còn là hồi chuông cảnh báo trong công tác thẩm tra, xác minh lý lịch đảng viên trước khi bổ nhiệm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Ông Nguyễn Thượng Hải – Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk – xác nhận, Đảng ủy Khối Cơ quan tỉnh đang tiến hành rà soát quy trình bổ nhiệm đối với trường hợp bà Trần Thị Ngọc Ái Sa vì hành vi gian dối sử dụng bằng cấp. Trưởng phòng Hành chính – Quản trị trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975) chứ không phải tên Ái Sa. Sau khi có đơn tố cáo, bà Thảo thừa nhận sử dụng bằng cấp của chị gái tên Trần Thị Ngọc Ái Sa để làm việc.

Rõ ràng, bà Ái Sa và bà Ngọc Thảo là hai con người khác nhau; có các đặc điểm nhận dạng, giấy tờ tùy thân sẽ khác nhau… Dù vậy nhưng hồ sơ bà Thảo vẫn lọt qua hàng loạt quy trình kiểm tra, thẩm định lý lịch… Về việc này, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Thượng Hải thừa nhận, có sai sót trong việc thẩm định hồ sơ từ đó mới có việc người này dùng bằng người khác để xin việc.

Hay còn nhớ cách đây không lâu, ông Lê Phước Thanh đã bị Ban Bí thư cách chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (nhiệm kỳ 2010-2015) vì những biểu hiện ưu ái trong việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động và bổ nhiệm cho con trai mình là Lê Phước Hoài Bảo, mặc dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ.

Rồi trường hợp của nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Phong Quang, người trực tiếp ký bổ nhiệm trên 30 trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn, đã bị Ban Bí thư cách tất cả các chức vụ trong Đảng (Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Bí thư Đảng ủy Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ).

Những vụ việc trên chỉ là một trong nhiều vụ việc có sai phạm trong công tác cán bộ, đã bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc trong thời gian gần đây. Tha hóa quyền lực trở thành vấn nạn khi một bộ phận cán bộ, đảng viên là “sản phẩm” của nạn chạy chức, chạy quyền.

Cần lấp ‘lỗ hổng’ công tác cán bộ, ngăn ngừa lạm dụng, thao túng quyền lực

Căn nguyên gốc rễ dẫn đến những “lỗ hổng” nghiêm trọng trong công tác cán bộ là chạy chức, chạy quyền chính, triệt tiêu động lực phấn đấu của những người có phẩm chất, năng lực, cũng như gây mất đoàn kết trong nội bộ. Người có vị trí, bằng quyền hạn của mình, tìm cách cài cắm, đưa người thân, “cánh hẩu” của mình vào những vị trí thuận lợi để từ đây dễ bề gây dựng bè cánh, phục vụ lợi ích cho một nhóm người.

Việc này như căn bệnh lây lan, chạy chức, chạy quyền đang lặng lẽ hằng ngày, hằng giờ âm thầm tỏa chân rết vào tất cả các khâu của công tác cán bộ, với muôn vàn biểu hiện như chạy bằng cấp, chạy tuổi, chạy vào quy hoạch, chạy để được bổ nhiệm, chạy để được luân chuyển…

Tại Hội nghị lần thứ 4 (Khóa XII), khi đánh giá về những bất cập, hạn chế trong việc kiểm soát quyền lực, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ, việc “chạy chức, chạy quyền” là một bức xúc, nhức nhối trong công tác tổ chức – cán bộ hiện nay và đang diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp.

Tới Hội nghị lần thứ 7 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương nhận định: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội…, trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi…

Để phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ cần giải pháp tổng thể. Giải pháp quan trọng nhất là tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi để ban hành những quy định mới, bịt kín những “lỗ hổng” trong các quy định về công tác cán bộ; kế đến là giải pháp về kiểm soát quyền lực.

Phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ theo hướng đa chiều. Đó là kiểm soát bằng thể chế kết hợp với kiểm soát bằng đạo đức, trách nhiệm; kiểm soát bên trong của tổ chức kết hợp với kiểm soát bên ngoài của nhân dân, xã hội; kiểm soát của bên trên đối với bên dưới kết hợp với kiểm soát của bên dưới đối với bên trên; kiểm soát trong Đảng đồng bộ với kiểm soát của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị, trong mọi tổ chức của xã hội.

Đó còn là kiểm soát của tổ chức kết hợp với thúc đẩy tự kiểm soát của cá nhân cán bộ; kiểm soát của cơ quan chuyên trách việc kiểm soát quyền lực kết hợp với cơ quan không chuyên trách; kiểm soát của cơ quan quyền lực kết hợp với kiểm soát của báo chí, dư luận xã hội.

Một giải pháp rất cần thiết nữa để kiểm soát quyền lực là phải đổi mới cơ quan kiểm tra Đảng và Thanh tra Nhà nước để thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực mạnh nói chung, trong công tác cán bộ nói riêng. Vấn đề ở đây là thiết lập cơ quan kiểm tra, thanh tra đủ thẩm quyền để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, độc lập tương đối với cấp ủy, cơ quan hành chính.

Ủy ban Kiểm tra của Đảng cần do đại hội Đảng bầu ra; cơ quan thanh tra cần chuyển thành Thanh tra Nhà nước trực thuộc Quốc hội, Hội đồng nhân dân để có tính độc lập và phát huy được vai trò kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu cơ quan hành chính.

Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Để lấp “lỗ hổng” trong công tác cán bộ, ngăn chặn từ gốc những mầm mống thao túng quyền lực. Việc Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền là rất cần thiết trong giai đoạn này.

Phạm Minh Hà

Bài mới
Đọc nhiều