Kỷ luật hàng loạt lãnh đạo Khánh Hòa – Không có chuyện dừng lại!
Có thể nhận định, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, có cả một dàn lãnh đạo cũ, mới của hai nhiệm kỳ tại một tỉnh bị thi hành kỷ luật như trường hợp Khánh Hòa. Điều đó cho thấy việc chống tham nhũng đã quyết liệt đến mức nào.
Vì sao lãnh đạo Khánh Hòa bị cách mọi chức vụ trong Ðảng?
Rất đáng chú ý và rất đáng là bài học cảnh báo là vì sao cán bộ lãnh đạo tỉnh này bị kỷ luật như vậy? Tiến trình dẫn đến sự kỷ luật này thực hiện hết sức bài bản và minh bạch. Từ năm 2010 đến nay, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) đều có đến 2 đợt làm việc tại địa phương này.
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch đương nhiệm Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch Đào Công Thiên đều bị cách hết các chức vụ trong Đảng.
Riêng ông Trần Sơn Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016 bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng; còn ông Lê Thanh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy hai nhiệm kỳ từ 2010 đến nay thì tạm không xem xét kỷ luật vì đang điều trị bệnh hiểm nghèo. Toàn bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa thì bị cảnh cáo.
Ủy ban Kiểm tra trung ương đã chỉ rõ Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa trong hai nhiệm kỳ trên đã có vi phạm rất nghiêm trọng. Theo tài liệu Tuổi Trẻ có được, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa giai đoạn trên đã không xin chủ trương của Ban thường vụ Tỉnh ủy nhưng đã cho triển khai 29 dự án, không trình xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy khi triển khai 16 dự án.
Và chỉ riêng vi phạm về đất đai ở Khánh Hòa đã gây thất thoát rất lớn cho ngân sách của Nhà nước. Cụ thể, kiểm tra 23 dự án, cơ quan chức năng kết luận có 20 dự án vi phạm, gây thiệt hại ít nhất 16.559 tỉ đồng.
Trong số này, riêng dự án trung tâm đô thị – thương mại – dịch vụ – tài chính – du lịch Nha Trang (khu đất sân bay Nha Trang cũ) do vi phạm của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã gây thiệt hại ngân sách nhà nước ít nhất 11.994 tỉ đồng.
Ngoài ra còn có 19 dự án gây thất thoát ít nhất 4.565 tỉ đồng do tỉnh phê duyệt giá đất dự án thấp hơn đơn giá đất của Nhà nước, phê duyệt tỉ lệ giảm giá đất với lý do mật độ xây dựng, thời gian thi công kéo dài, diện tích đất lớn; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, không tính tiền sử dụng đất, không tính tiền chậm nộp, trái quy định của pháp luật.
Trong năm 2018, hàng loạt các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực về đất đai ở một số địa phương bị phanh phui khiến nhiều quan chức, cựu quan chức bị ‘ngã ngựa’ hay ‘vướng vòng lao lý’, đặc biệt là những thành phố lớn như Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh…
Đây đều là những vụ việc nhân dân vô cùng bất bình, thậm chí phẫn nộ khi nguồn lực cực lớn của đất nước từ đất đai, nhất là đất vàng, đất bạc, rơi vào tay doanh nghiệp “sân sau, sân trước” của một số quan chức, tạo ra những cánh hẩu trong lĩnh vực đất đai để cùng cộng sinh thâu tóm bất động sản bằng nhiều thủ đoạn.
Xử lý triệt để hành vi tham nhũng
Cụm từ “đúng pháp luật, chặt chẽ, công khai, minh bạch” được một số địa phương sử dụng lặp đi, lặp lại nhằm biện minh, che đậy cho quá trình tổ chức đấu giá đất nhưng đâu đó vẫn “gợn lên” cho dư luận thấy sự lạ lùng, bất bình thường.
Nếu là chặt chẽ, đúng quy trình, vậy tại sao kết quả lại tạo ra mối nguy cho ngân sách có thể thất thu hàng trăm tỷ đồng, và nói là minh bạch nhưng đâu đó vẫn có bóng dáng của “nhóm lợi ích” thao túng, hưởng lợi trên khối tài sản công.
Nếu các vụ việc có dấu hiệu sai phạm về đất đai không được xử lý, không làm tới nơi, tới chốn, thì đó là minh chứng rõ ràng việc “trên nóng, dưới lạnh” và là biểu hiện coi thường pháp luật, kỷ cương, phép nước, coi thường công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí đang sục sôi như hiện nay.
Việc Ủy ban Kinh tế Trung ương công bố kết luận và nguyên Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa chỉ bị yêu cầu “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Sai phạm lớn nhất, có tính chất hệ thống của lãnh đạo tỉnh này là việc thẩm định giá đất không đúng, dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước, gây bức xúc dư luận và tác nhân trực tiếp làm giảm sút uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Một vài con số nói lên sự vi phạm này: Phê duyệt 47 dự án vượt thẩm quyền, ban hành 289 văn bản có nội dung vi phạm. Hàng chục nghìn tỷ đồng của Nhà nước bị thất thoát do các vi phạm này.
Đó là chưa kể đến các dự án được phê duyệt vi phạm nghiêm trọng các quy định xây dựng gây nên sự đe dọa hiện hữu đến tính mạng nhân dân. Đáng chú ý hơn, UBKTTƯ đã chỉ ra trong một số văn bản mà tỉnh này ban hành có nội dung “cố ý vi phạm”. Như vậy, có thể hiểu mục đích, động cơ của sự vi phạm này.
Với việc kỷ luật về mặt Đảng đối với cán bộ lãnh đạo Khánh Hòa đủ thấy mức độ vi phạm nghiêm trọng đến nhường nào. Cá nhân Bí thư Tỉnh ủy phải chịu trách nhiệm chính về các vi phạm này nhưng do đang bị trọng bệnh nên trung ương tạm dừng hình thức xử lý kỷ luật đối với cá nhân ông này.
Chắc chắn, sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thì mức độ xử lý kỷ luật hành chính sẽ tương ứng và không loại trừ việc truy tố trước pháp luật các sai phạm của dàn lãnh đạo trải qua 2 nhiệm kỳ này.
Việc cách hết chức vụ trong Đảng đối với các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Khánh Hòa là tiền đề để các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật và tất yếu, khó tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật.
Dẫn lại câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “lò đã nóng rồi thì củi tươi, củi khô đều cháy cả”, ông Tiến cho rằng, công cuộc phòng chống tham nhũng (PCTN) không phải chỉ việc một cấp, một ngành thực hiện mà là sự chuyển động của cả hệ thống chính trị. Kể cả các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan hành pháp, lập pháp, các cơ quan giám sát, các cơ quan của Đảng và Ủy ban kiểm tra trung ương đều vào cuộc. Điều đó thể hiện quyết tâm rất lớn trong công cuộc PCTN.
Một bài học nhãn tiền, rất sâu sắc và sự cảnh báo sát sạt cho những ai trót hoặc chuẩn bị “nhúng chàm” sẽ phải trả giá. Một cuộc đại phẫu như thế dù có đau đớn nhưng cần thiết vào lúc này. Mong cuộc “đại phẫu” về đất và nhà công sản không chỉ dừng lại ở Khánh Hòa hay Đà Nẵng.
Đinh Lực