+
Aa
-
like
comment

Không tiếc cán bộ công an vi phạm đạo đức

19/11/2019 17:00

Sáng 18.11, bên hành lang Quốc hội, lãnh đạo Công an Hà Nội cho biết, đã ký quyết định giáng cấp và yêu cầu xuất ngũ đối với đại uý Lê Thị Hiền vì đã “đại náo” sân bay Tân Sơn Nhất hôm 11.8. Cùng ngày, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên cũng vừa ra quyết định giáng cấp bậc hàm từ thượng úy xuống trung úy và cho xuất ngũ đối với Nguyễn Xô Việt (35 tuổi).

Quyết định giáng cấp, yêu cầu cán bộ công an vi phạm đạo đức ra khỏi ngành

Khi vụ việc của Đại úy Lê Thị Hiền chửi bới, thóa mạ nhân viên làm thủ tục tại sân bay chưa kịp lắng xuống thì ngày 11/11, dư luận lại bức xúc khi trên mạng xã hội lan truyền video ghi lại cảnh Thượng úy Nguyễn Xô Việt – cán bộ Công an thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) lao vào đánh người bán hàng, ném xúc xích vào mặt nhân viên thu ngân tại một trạm dừng nghỉ.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết sáng ngày 18/11, ông đã ký quyết định kỷ luật đại úy Lê Thị Hiền, cán bộ của Công an quận Đống Đa, bằng hình thức giáng 2 cấp hàm từ đại úy xuống trung úy. Đồng thời, yêu cầu cán bộ này ra khỏi ngành.

Đại úy Lê Thị Hiền, thượng úy Nguyễn Xô Việt đều bị xử lý theo quy định

Chiều 18-11, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết vừa ra quyết định giáng cấp bậc hàm từ thượng úy xuống trung úy và cho xuất ngũ đối với Nguyễn Xô Việt (35 tuổi), cán bộ Đội tổng hợp Công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Với trường hợp thượng úy Nguyễn Xô Việt thì kiểu cách ngông cuồng khiến không ai có thể thông cảm, bởi lẽ mua hàng thì phải trả tiền, trả tiền mới lấy hàng, đằng này anh ta cho con vào lấy hàng mà không trả tiền, đó là sai trái thứ nhất. Đến khi nhân viên bán hàng nhắc nhở thì thay vì trả tiền, anh ta lại gây gổ, hành hung họ. Mức độ sai trái đã trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều. Là sĩ quan Công an, anh ta có hiểu về các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hành hung người khác có thể bị truy tố về tội hình sự hay không?

Hành xử của hai sĩ quan Công an trên đây cho thấy họ đã quên lời Bác Hồ dạy Công an nhân dân là “đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép” và 5 lời thề của Công an nhân dân, trong đó nêu rõ: “Kính trọng, lễ phép với nhân dân. Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”. Họ đã mắc

căn bệnh cậy quyền, cậy thế, coi thường nhân dân, dẫn đến hành xử kiểu mất kiểm soát.

Cách hành xử đó cũng không phù hợp với chuẩn mực của người trưởng thành ở nơi công cộng. Sân bay là nơi có những chuẩn mực cao về văn minh, yêu cầu bảo đảm an ninh được đặc biệt chú trọng, ở góc độ nào đó còn là bộ mặt của đất nước trước khách quốc tế… nhưng một nữ đại úy vẫn ngang nhiên hành xử kiểu vô văn hóa, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Công an là một ngành đặc thù, những người được tuyển dụng vào ngành phải được xây dựng nền tảng văn hóa một cách bài bản, chứ không thể chờ sai phạm mới uốn nắn. Cá nhân nào không đủ nền tảng văn hóa thì không nên giữ họ trong lực lượng vũ trang. Bởi lẽ, chúng ta cần tôn trọng nguyên tắc tối thiểu: Những người được xã hội trao quyền lực để duy trì trị an, thì không được cậy vào quyền lực để xáo trộn trị an.

Xử lý nghiêm vi phạm về phẩm chất, đạo đức, tư cách của cán bộ công an

Một trong những điều đầu tiên của họ khi bước chân vào ngành công an có lẽ là trịnh trọng đưa ra lời thề: Kính trọng, lễ phép với nhân dân, sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, suốt đời tận tuỵ phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Thế nhưng, hành động của họ đi ngược hoàn toàn với những lời dạy của Bác Hồ, những lời thề mà họ từng trịnh trọng tuyên bố. Họ ngạo mạn, coi thường người dân. Họ tự cho mình những đặc quyền đặc lợi được đứng trên người khác.

Hành động của họ không chỉ vi phạm đạo đức của người chiến sĩ công an nhân dân mà còn vi phạm pháp luật. Với chức vụ đang mang trên mình, họ lẽ ra hơn ai hết phải là người tuân thủ pháp luật nhất, phải bảo vệ người dân nhưng họ lại dựa vào đó, cho mình cái quyền làm trái lại pháp luật, vi phạm đạo đức.

Hơn thế nữa, họ ngang nhiên thực hiện những hành động vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức ở nơi công cộng, ngay trước sự chứng kiến của hàng trăm con người. Họ tự cho mình cái quyền đứng trên người khác, hay họ nghĩ, khi trút bỏ bộ quân phục, họ không còn nghĩa vụ phải đúng phận sự của mình.

Những hành động phản cảm, vi phạm luật pháp, vi phạm đạo đức của chiến sĩ công an nhân dân thường xuyên diễn ra như vậy có khiến lãnh đạo ngành suy nghĩ? Đó chỉ là những trường hợp cá biệt nhưng có lẽ đến lúc lực lượng công an nên thẳng thắn nhìn vào những thiếu sót trong việc công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo và xử lý cán bộ vi phạm.

Hai trường hợp trên đây còn cho thấy họ đã thiếu rèn luyện, tu dưỡng. Những kiểu hành xử đó là kết quả của cả một quá trình, chứ không phải bộc phát nhất thời.

Đó cũng là những chỉ dấu rất tiêu cực về một bộ phận không nhỏ người hoạt động trong lĩnh vực chấp pháp, được giáo dục về pháp luật, am hiểu pháp luật và có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật lại bất chấp pháp luật, sẵn sàng chà đạp lên pháp luật. Mà coi thường pháp luật, bất chấp chuẩn mực chung của xã hội là tiền đề của những sai phạm khác nghiêm trọng hơn nhiều.

Khi pháp luật không được tuân thủ thì hậu quả rất nghiêm trọng, nhất là đối với chủ thể có chức, có quyền. Người coi thường pháp luật thì đương nhiên là dễ dẫn đến tham nhũng để trục lợi. Tham nhũng đang được coi là quốc nạn tại Việt Nam vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng của loại tội phạm này.

Dư luận mong mỏi, lực lượng công an phải xử lý mạnh mẽ và dứt điểm sự việc. Có như thế, lực lượng công an mới lấy lại được uy tín và niềm tin trong người dân. Còn nếu như lực lượng công an tiếp tục bao che, hoặc nương tay với 2 trường hợp này, niềm tin của người dân sẽ bị lung lay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, cán bộ là “công bộc của dân”. Bác còn khuyên răn: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Từ đó cho thấy, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần coi trọng trước hết việc tu dưỡng đạo đức và chỉ có đức mới thành người có ích. Dù là người tài giỏi đến đâu nhưng thiếu đạo đức thì cũng chỉ “vô dụng” và gây họa cho cá nhân, tập thể, tổ chức, thậm chí là đất nước.

Đặc biệt là khi vấn đề tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy nhà nước đang được quan tâm thì đối tượng là công chức, viên chức không đủ phẩm chất cần phải loại bỏ ngay để nhường chỗ cho người khác làm việc. Đó là bài học không thể không tính đến khi xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả.

Đinh Lực

Bài mới
Đọc nhiều