Không đồng tình phát ngôn ‘đường lưỡi bò chỉ vài giây trong phim mà làm quá’
Everest – Người tuyết bé nhỏ (Abominable) khởi chiếu từ 4-10 tại Việt Nam, tuy nhiên tối 13-10 CGV nhận được thông tin bộ phim xuất hiện đường lưỡi bò phi pháp. CGV đã lập tức thu hồi tất cả các ấn phẩm quảng cáo và cho dừng chiếu bộ phim.
Phải nêu cao ngọn cờ độc lập chủ quyền dân tộc lên hàng đầu
Ông Bình cho biết, chiều nay, 14-10, Cục Điện ảnh đã tổ chức xem lại phim Everest – Người tuyết bé nhỏ đang được lưu chiểu tại cục Điện ảnh để xác định rõ trách nhiệm trong vụ việc này. Sau khi có kết quả, Bộ sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí.
“Chúng tôi phải đợi kết quả sau khi xem bộ phim vào chiều nay thì mới có thể quy trách nhiệm rõ. Tại thời điểm này bộ phim đang được xem lại nên chưa khẳng định được điều gì”, ông Bình nói.
Ông Bình cũng tiết lộ, có đầy đủ 11/11 thành viên Hội đồng thẩm định phim quốc gia tham gia thẩm định bộ phim Everest – Người tuyết bé nhỏ. Về trách nhiệm để xảy ra vụ việc nghiêm trọng với phim Everest – Người tuyết bé nhỏ, người phát ngôn Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch khẳng định “Trách nhiệm thuộc về ngành điện ảnh và công tác thanh tra của ngành văn hóa”.
Ông Bình cho biết, sáng nay, 14-10, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã có buổi trao đổi nội bộ về việc làm sao tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực của Hội đồng thẩm phim trong thời gian tới. Tại cuộc họp đã có ý kiến đề xuất lên bộ trưởng rằng cần thiết phải thành lập thêm bộ máy giúp việc cho Hội đồng, xem phim và làm bộ lọc trước để tư vấn cho Hội đồng tập trung vào những điểm cần chú ý.
“Có nhiều bộ lọc sẽ tốt hơn, chặt chẽ hơn, giúp họ việc phổ biến phát hành phim thuận lợi hơn, giúp người dân và doanh nghiệp có cơ hội tham gia vào điện ảnh nhiều hơn”, ông Bình giải thích về vai trò của bộ máy mới và cho hay bộ trưởng đánh giá cao ý tưởng này.
Về phát ngôn của bà Hồng Ngát – thành viên Hội đồng thẩm định phim quốc gia – rằng hình ảnh đường lưỡi bò “chỉ xuất hiện vài giây thì làm sao mà phát hiện, mọi người cứ làm quá. Phạt thế nào cũng được”, ông Bình cho biết, ông cũng như Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch không đồng tình với trả lời của bà Hồng Ngát: “Đứng trước bộ phim có xuất hiện đường lưỡi bò, cho dù là cơ quan quản lý nhà nước hay người dân thì đều phải nêu cao ngọn cờ độc lập chủ quyền dân tộc lên hàng đầu.”
Tuy nhiên ông cũng bày tỏ sự thông cảm với bà Hồng Ngát: “Có thể chị Ngát chưa hình dung hết hậu quả phát ngôn của mình, nhưng tôi nghĩ trong ý thức, trách nhiệm của mình, chị Hồng Ngát cũng ý thức được rất rõ là không được phép phổ biến khi xuất hiện đường lưỡi bò trong phim”.
Nhẽ ra chị Ngát không nên nói dỗi kiểu ấy. “Mấy giây” nhưng sức tàn phá của nó còn ghê gớm hơn cả vạn quân. Chỉ cần “mấy giây” ấy, Trung Quốc đã “đóng đinh” vào đầu thế hệ trẻ của chúng ta rằng biển Đông là của Trung Quốc đấy. Chỉ vài giây ấy thôi, nó tước vũ khí bảo vệ lãnh thổ và không gian sinh tồn của người Việt đấy chị ạ.
Nhận thức chính trị như thế thì chả trách duyệt phim mà như không. Mơ hồ về nhận thức chính trị, mất cảnh giác với Trung Quốc dù chỉ một giây thì hậu quả là rất khủng khiếp.
Đừng có nói với tôi là chỉ có mấy giây thì làm sao phát hiện được, vì nghề nghiệp, trách nhiệm của chị là phải làm chuyện đó. Chị được trả lương từ thuế của dân để làm việc đó. Nhẽ chị không nên vô trách nhiệm thế mới phải.
Đây không phải là lần đầu tiên, Cục Điện ảnh làm ăn cẩu thả khi để lọt các hình ảnh xâm phạm chủ quyền trắng trợn của Việt Nam lên màn ảnh lớn.
Không có văn bản kỷ luật nào với sai phạm trong duyệt phim Điệp vụ Biển Đỏ
Liên quan tới việc tuyên truyền sai trái về Biển Đông trong bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ từng được cấp phép phát hành tại Việt Nam năm 2018, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, sau khi thẩm định rà soát lại quá trình cấp phép phổ biến bộ phim này thì bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã chỉ đạo phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân.
Kết quả, bộ trưởng đã ra yêu cầu kiện toàn lại Hội đồng thẩm định phim quốc gia gồm 11 thành viên như hiện nay. Tuy nhiên, không có cá nhân nào bị kỷ luật liên quan đến vụ việc này.
“Không có văn bản kỷ luật nào sau vụ Điệp vụ Biển Đỏ. Thực ra chúng tôi đã có họp nội bộ góp ý, phê phán nâng cao trách nhiệm người làm công tác điện ảnh, từ đó chúng tôi có giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ của Cục Điện ảnh.
Việc kiện toàn lại hội đồng là góp phần tăng chất lượng Hội đồng thẩm định phim gồm 11 thành viên như ngày hôm nay. Tuy nhiên nay lại xảy ra sơ suất với phim Everest – Người tuyết bé nhỏ thì rõ ràng là lỗi chủ quan không đáng có và là việc rất đáng tiếc”, ông Bình nói.
Chiều 13-10, khi có thông tin phim hoạt hình Everest – Người tuyết bé nhỏ (Abominable) chứa hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò, sau suất chiếu cuối cùng tầm 18h40, bộ phim này đã bị nhà phát hành CGV rút ra khỏi các hệ thống rạp chiếu.
Hiện nay, mỗi năm Việt Nam nhập hơn 200 phim ngoại. Không chỉ số lượng phim nhiều hơn, mà nội dung phim ngày càng phức tạp hơn, trong đó không ít sản phẩm được cài cắm những thông điệp chính trị tinh vi.
Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch Tạ Quang Đông cho biết sau vụ việc này bộ đã họp bàn phương án để “vá” những “lỗ thủng” trong quy trình xét duyệt phim ngoại.
Minh Hưng