Không để chủ đầu tư thế chấp chung cư vô tội vạ
Theo giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cơ quan nhà nước, ngân hàng, chủ đầu tư, địa phương và người dân phải cùng chịu trách nhiệm trong việc dự án chung cư bị thế chấp cho ngân hàng.
Sáng 9-12, HĐND TP.HCM tiến hành chất vấn với Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng.
Đại biểu (ĐB) Trương Lâm Danh, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP, bày tỏ lo lắng về tình hình chủ đầu tư thế chấp dự án chung cư cho ngân hàng. “Sau khi chủ đầu tư thế chấp thì ảnh hưởng cư dân đã mua nhà…. Tôi cho rằng cần nghiên cứu về trách nhiệm của ngân hàng” – ĐB Danh nêu ý kiến.
Theo ông Danh, đa số tài sản thế chấp là tài sản hình thành trong tương lai. “Trách nhiệm của ngân hàng và sự phối hợp của các ngành chức năng phải như thế nào? Bởi khi cho vay rồi mà không quản lý thì dẫn đến chủ đầu tư phá sản, bỏ trốn” – ông nói tiếp.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, trả lời rằng trước tiên chủ đầu tư phải có trách nhiệm trong việc ký hợp đồng mua bán căn hộ với người dân. Ngân hàng cũng phải có trách nhiệm khi nhận tờ giấy thế chấp, nội dung thế chấp của chủ đầu tư và phải theo dõi tiến độ xây dựng dự án.
“Chứ không phải thế chấp vô tội vạ. Hướng dẫn giấy tờ đó, đến khi dự án hoàn thành rồi lại không có giải pháp cùng địa phương, chủ đầu tư để giải quyết hậu quả” – ông Thắng cho biết và khẳng định vấn đề ĐB Trương Lâm Danh đặt ra là rất đúng.
Phân tích thêm ông Thắng cho biết trong hợp đồng thế chấp có ghi tiến độ dự án sẽ được xử lý căn cứ vào tiến độ cam kết của chủ đầu tư và chủ đầu tư phải rút giấy chứng nhận ra đúng thời gian. Vậy nên ở đây có trách nhiệm của ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và có một phần trách nhiệm của người dân.
Giám đốc Sở TN&MT cũng thông tin, mới đây UBND TP đã giao ngành TN&MT công khai danh sách các chủ đầu tư có dự án thế chấp ngân hàng để người dân biết khi ký hợp đồng thì ghi rõ việc này vào.
“Lần đầu tiên công khai, chủ đầu tư đã phản ứng tại sao lại đưa câu chuyện thế chấp của họ ra công luận. Nhưng quyền của người có giấy chứng nhận thì có quyền sử dụng giấy này đúng quy định. Quan trọng là xử lý giấy này đúng thời gian… Các sở TN&MT, Xây dựng, ngân hàng, địa phương phải có giải pháp tổng thể” – ông Thắng nêu.
Ngoài ra, trả lời chất vấn của các ĐB khác về công khai, minh bạch thủ tục, ông Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết hiện Sở TN&MT đã công bố 120/170 thủ tục trong lĩnh vực đất đai và môi trường, còn lại 50 thủ tục phải điều chỉnh.
Ông Thắng nhận trách nhiệm về hạn chế của cán bộ thụ lý hồ sơ đất đai. Theo đó, sở đã nhận khoảng 1.200 cán bộ về văn phòng đăng ký đất đai, hiện phải rà soát lại các cán bộ được tiếp nhận từ quận/huyện về. Vì có trường hợp cán bộ đó không có trình độ chuyên môn phù hợp hoặc là trong quá trình rà soát thì vấn đề năng lực phải sắp xếp lại cho phù hợp. Từ năm 2016 đến 2018, đơn vị này cũng đã sắp xếp khoảng 200 người.
“Chúng tôi nêu lên tình trạng này là ghi nhận có chuyện trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, vẫn còn có trường hợp cán bộ viên chức có những xử sự không đúng theo quy định của ngành. Riêng ngành đăng ký đất đai có ban hành tiêu chuẩn đạo đức nhưng chấp hành cũng hạn chế” – ông Thắng thừa nhận.
Do vậy áp dụng Quyết định 36 của TP về trình tự thủ tục giải quyết hồ sơ trong lĩnh vực này và với một cửa điện tử, Sở TN&MT sẽ giám sát để xem việc trả lời của cán bộ có đúng không để xử lý nghiêm các trường hợp gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân về thủ tục đất đai.
Riêng vấn đề ĐB Vũ Thanh Lưu băn khoăn về việc xử lý khí thải ra môi trường khi đốt rác, ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định trình tự chuyển đổi công nghệ rất chặt chẽ, thẩm định, thẩm tra máy móc, thiết bị, kiểm soát vận hành hằng tháng, hằng quý… tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống của người dân. Ông nhấn mạnh việc đốt rác trong môi trường kín và nhiệt độ trên 800 độ C nên xử lý triệt để khí thải ra.
Tá Lâm – Lê Thoa/ PLO