Đề xuất lương cơ sở tăng lên mức 1,6 triệu đồng/tháng vào năm 2020
Theo đề xuất của Chính phủ, năm 2020 lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng (thêm 110.000 đồng/tháng).
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, chiều 21/10, Quốc hội nghe báo cáo ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; nghe Tờ trình về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.
Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng biết: về thu, tổng thu trong 5 năm 2016-2020, ước đạt 6,8 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ huy động thu ngân sách nhà nước đạt 24,4% GDP, vượt kế hoạch là 23,5% GDP, trong đó có từ thuế, phí, xấp xỉ 21% theo kế hoạch.
Năm 2019, chi hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể là 55.000 tỷ đồng. Chi thường xuyên các lĩnh vực sự nghiệp khác, dự toán là 197.700 tỷ đồng. Dự toán chi ngân sách trung ương là 14.600 tỷ đồng để bố trí cho các cơ quan trung ương và hỗ trợ các địa phương khó khăn, chưa cân đối được nguồn cải cách tiền lương và tinh giản biên chế.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, việc thu và chi ngân sách chưa thực sự hiệu quả.
Cụ thể, theo Bộ trưởng: “Còn hiện tượng thất thu, trốn thuế, quản lý thu từ tiền đất, tài sản công còn bất cập. Về chi ngân sách nhà nước, cơ cấu lại chi đầu tư công chưa thực sự hiệu quả, phân bổ còn dàn trải, triển khai kế hoạch đầu tư công còn chậm. Chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước ước vượt kế hoạch 2 triệu tỷ đồng, nhưng số vượt là của ngân sách địa phương tăng 300 nghìn tỷ đồng. Chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương còn nhiều khó khăn. Lũy kế dự toán chi của ngân sách trung ương 5 năm đạt 967.000 tỷ đồng. Sau khi dự kiến bổ sung thêm từ nguồn tăng thu trung ương 2018-2020 khoảng 33.000 tỷ đồng thì dự kiến còn thiếu 120.000 tỷ đồng, cơ bản bằng 10% dự phòng đầu tư công trung hạn”.
Trong các đề xuất của Chính phủ, đáng chú ý là việc đề xuất tăng lương cơ sở năm 2020 lên 1,6 triệu đồng/tháng, tức tăng thêm 110.000 đồng/tháng. Nếu đề xuất được Quốc hội thông qua thì đây sẽ là mức tăng cao nhất trong những năm gần đây.
Thẩm tra báo cáo, về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng.
Có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi ngân sách Nhà nước mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn chi đầu tư phát triển, khi phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của ngân sách địa phương và 40% tăng thu của ngân sách Trung ương cho cải cách tiền lương.
Một số ý kiến còn đề nghị tăng phụ cấp công vụ, vì từ năm 2012 đến nay vẫn giữ nguyên là 25%; đề nghị dành một phần nguồn lực để tăng lương cho các đối tượng hưởng lương hưu trước năm 1993, vì mức thu nhập của các đối tượng này khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội.
Báo cáo thẩm tra cũng cho biết, mặc dù ước thu ngân sách nhà nước năm 2019 là năm thứ tư vượt dự toán, nhưng còn chưa chắc chắn. Một số địa phương là trọng điểm thu ngân sách nhà nước lại có tiến độ thu chậm, như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Chính phủ lưu ý chỉ đạo thực hiện biện pháp quyết liệt để thực hiện các vấn đề này trong công tác thu ngân sách nhà nước từ nay đến cuối năm.
Cũng trong buổi chiều nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về việc xin gia hạn sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.
Năm 2015, cả nước có 38 tỉnh, thành phố và Bộ Quốc phòng có kết dư quỹ khám chữa bệnh với tổng số gần 5.840 tỷ đồng. Theo Luật bảo hiểm y tế, 20% số tiền kết dư này là trên 1.160 tỷ đồng được để lại cho địa phương sử dụng vào việc hỗ trợ quỹ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 518,4 tỷ đồng đã quá thời hạn thanh toán sau 12 tháng của 11 địa phương và đề nghị Quốc hội cho phép được kéo dài thời hạn sử dụng kinh phí đến năm 2020.
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày nêu rõ nếu không cho phép kéo dài và thu hồi số kinh phí này về quỹ dự phòng sẽ dẫn đến các địa phương không có nguồn để tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký kết, cũng như các địa phương phải bồi thường thiệt hại cho đơn vị cung cấp hợp đồng.
“Trên cơ sở của ý kiến đa số, Ủy ban Tài chính ngân sách cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ kiến nghị đưa nội dung này vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8. Cho phép 11 tỉnh, thành phố được kéo dài thời gian thanh toán các khoản mua trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh từ nguồn 20% kinh phí kết dư quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020, tổng số tiền là 518.389 triệu đồng. Sau thời điểm này, phần kinh phí chưa sử dụng hết được hạch toán vào quỹ dự phòng để điều tiết chung theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế”, ông Nguyễn Đức Hải nêu rõ.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội nghe Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước và Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
(Theo VOV)