+
Aa
-
like
comment

Dân xây cầu mới cạnh cầu cũ, chính quyền phạt tiền và bắt phá bỏ

Nguyễn Anh - 04/10/2019 10:24

Cây cầu bê tông cốt thép dài 7,5m và rộng khoảng 4m được người dân bỏ số tiền 150 triệu xây dựng (cạnh vị trí cây cầu cũ đã xuống cấp) để đi lại khi chưa được cấp phép nên bị lực lượng chức năng phạt hành chính 40 triệu và yêu cầu tháo dỡ. Nhưng, chính quyền sở tại cho rằng cây cầu này được xây vì mục đích khác ngoài việc phục vụ dân sinh. Các bạn xem clip ngay dưới đây:

Vừa qua các lực lượng chức năng của chính quyền thành phố miền núi Cao Bằng (thuộc tỉnh Cao Bằng) đã tiến hành cưỡng chế cây cầu bê tông cốt thép bắc qua suối do các hộ dân ở tổ 9, phường Đề Thám tự ý xây dựng. Vụ việc này đã khiến các hộ dân nơi đây vô cùng bức xúc, họ nói rằng nếu phá cây cầu mới này đi thì con em họ di học kiểu gì, xe cộ qua lại kiểu gì trong khi cây cầu cũ đã xuống cấp.

Khi các PV liên hệ thì được ông Lương Tuấn Hùng – Chủ tịch UBND TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) cho biết, các lực lượng chức năng của thành phố đang tiến hành việc này.

Người dân bức xúc vì cây cầu bê tông cốt thép to, rộng hơn được người dân xây dựng cạnh cây cầu cũ trên địa bàn phường Đề Thám bị chính quyền cưỡng chế
Người dân bức xúc vì cây cầu bê tông cốt thép to, rộng hơn được người dân xây dựng cạnh cây cầu cũ trên địa bàn phường Đề Thám bị chính quyền cưỡng chế

Cây cầu mới rộng 4m, dài 7,5m, dày 30cm thay thế cho cây cầu cũ nằm sát bên, ở vị trí thấp hơn cầu mới khoảng 1m. Là cây cầu cũ nhỏ hẹp, chỉ rộng hơn 1m, đã xuống cấp, hư hỏng lan can thành cầu gây nguy hiểm cho người và phương tiện đi qua, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Cầu dân sinh do nhân dân tự đóng góp xây dựng
Cầu dân sinh do nhân dân tự đóng góp xây dựng

Đến ngày 13/3, đại diện UBND phường Đề Thám xuống lập biên bản vi phạm, xây dựng trái phép. Ngày 22/3, ông Nhất nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính Số 824 của Phó Chủ tịch UBND TP. Cao Bằng Lâm Đức Xuân ký.

Nguyên nhân xử phạt được ghi rất rõ tại khoản 2, điều 1 như sau: “Đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Tổ chức thi công xây dựng công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi”, với mức phạt lên đến 40 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu ông Nhất phải dừng thi công công trình và tự tháo dỡ trả lại nguyên trạng ban đầu.

Nhưng theo ghi nhận của PV tại hiện trường, thực tế thì lý do này không phù hợp, bởi công trình cầu mới xây nằm ở vị trí cao hơn cầu cũ hơn 1m, không làm hẹp dòng chảy hay chắn dòng chảy ra vào, không ảnh hưởng tới kè mương thoát nước bên dưới.

Quyết định xử phạt của ông Lâm Đức Xuân - Phó Chủ tịch UBND TP. Cao Bằng bị cho là chưa thật sự phù hợp với thực tế
Quyết định xử phạt của ông Lâm Đức Xuân – Phó Chủ tịch UBND TP. Cao Bằng bị cho là chưa thật sự phù hợp với thực tế
Cây cầu mới cao hơn cầu cũ hơn 1m và không ảnh hưởng tới công trình mương thuỷ lợi như quyết định xử phạt nêu
Cây cầu mới cao hơn cầu cũ hơn 1m và không ảnh hưởng tới công trình mương thuỷ lợi như quyết định xử phạt nêu

Đến ngày 22/3, UBND thành phố Cao Bằng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 40 triệu đồng đối với ông Lâm Văn Nhất (SN 1975, trú tại tổ 9, là chủ đầu tư xây dựng công trình)  vì đã xây dựng cây cầu trái phép bắc qua suối. Đồng thời, ông Nhất có trách nhiệm tự tháo dỡ toàn bộ cây cầu này.

Cây cầu bê tông cốt thép to, rộng hơn được người dân xây dựng cạnh cây cầu cũ trên địa bàn phường Đề Thám (Ảnh: CTV).
Cây cầu bê tông cốt thép to, rộng hơn được người dân xây dựng cạnh cây cầu cũ trên địa bàn phường Đề Thám (Ảnh: CTV).

Đến ngày 22/4, tập thể nhân dân đang sinh sống tại đây đã gửi đơn lên ông Lâm Đức Xuân xem xét, mong muốn được giữ lại cây cầu. Đồng thời cam kết khi nào Nhà nước có nhu cầu sử dụng thu hồi sẽ cam đoan không nhận tiền đền bù và khi cây cầu đưa vào sử dụng sẽ thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

Người dân viết đơn kiến nghị mong muốn được giữ lại cây cầu và giao lại cho Nhà nước quản lý khi hoàn thành
Người dân viết đơn kiến nghị mong muốn được giữ lại cây cầu và giao lại cho Nhà nước quản lý khi hoàn thành

Nhưng ý kiến của nhân dân đã không được ghi nhận. Ngày 7/6, UBND TP. Cao Bằng đã đưa người, máy móc xuống cưỡng chế phá bỏ công trình sai phạm. Nhưng bị các hộ dân đang sinh sống ở đây và đông đảo người dân ở các khu vực xung quanh phản đối quyết liệt.

Trình bày về mục đích xây dựng cây cầu, ông Nhất cho biết, khoảng năm 2008, địa phương có xây dựng 1 cây cầu nhỏ bắc qua suối cho gia đình và các hộ dân đi lại được an toàn.

Tuy nhiên, những năm gần đây, cây cầu cũ bị rạn nứt, xuống cấp, không đảm bảo nhu cầu cho người dân sinh sống và canh tác bên suối.

Người dân cho rằng cây cầu cũ bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn khi đi qua nên tự ý xây cầu mới (Ảnh: CTV).
Người dân cho rằng cây cầu cũ bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn khi đi qua nên tự ý xây cầu mới (Ảnh: CTV).

Chính vì vậy, gia đình ông Nhất cùng các hộ dân đã tự ý bỏ ra số tiền khoảng 150 triệu đồng xây 1 cây cầu bê tông cốt thép dài 7,5m và rộng khoảng 4m cạnh vị trí cây cầu cũ. Do không hiểu biết nên các hộ dân không xin phép mà tự hô hào nhau bỏ tiền ra làm. Thời điểm xây dựng vào trước Tết Nguyên đán 2019 và trong thời gian mấy tuần thi công, không có cán bộ nào đến nhắc nhở.

“Chúng tôi đã đề nghị UBND thành phố, các cấp chuyên môn cho phép giữ nguyên cây cầu, không tháo dỡ để phục vụ nhu cầu đi lại do cây cầu mà địa phương xây dựng đã xuống cấp, ô tô không thể đi qua. Sau này, nếu có quy hoạch lại thì chúng tôi cũng không lấy tiền đền bù của cây cầu này” – ông Nhất cho hay.

Ông Lương Tuấn Hùng - Chủ tịch UBND TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) cho biết, lực lượng chức năng của thành phố đang tiến hành cưỡng chế cây cầu bê tông cốt thép do các hộ dân ở tổ 9, phường Đề Thám tự ý xây dựng.
Ông Lương Tuấn Hùng – Chủ tịch UBND TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) cho biết, lực lượng chức năng của thành phố đang tiến hành cưỡng chế cây cầu bê tông cốt thép do các hộ dân ở tổ 9, phường Đề Thám tự ý xây dựng.

Phản hồi lại đề nghị nêu trên, Phòng Quản lý đô thị thành phố Cao Bằng cho biết không có căn cứ, cơ sở xem xét nguyện vọng được giữ lại cây cầu này. Đồng thời, đề nghị ông Lâm Văn Nhất sớm khắc phục hậu quả, tự tháo dỡ công trình vi phạm.

Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND thành phố Cao Bằng, việc người dân địa phương tự ý xây dựng chiếc cầu mới to đẹp và chắc chắn hơn là để thuận tiện cho việc các phương tiện đi qua suối san gạt đất trái phép, lấn chiếm đất rừng.

“Việc người dân tự bỏ tiền xây dựng các công trình dân sinh khi cơ sở hạ tầng xuống cấp, nhà nước chưa có nguồn lực đầu tư thì bất cứ địa phương nào cũng hoan nghênh. Thế nhưng, ở bên kia suối đang hình thành 1 xóm lậu (lấn chiếm đất trái phép). Vì vậy, cây cầu được xây không đơn thuần chỉ để phục vụ dân sinh” – vị này giải thích.

Rõ ràng việc xử lý mạnh tay với người dân trong trường hợp này của Phó Chủ tịch UBND TP. Cao Bằng Lâm Đức Xuân là chưa thật sự phù hợp nên mới gặp phải sự phản đối của quần chúng nhân dân. Trong khi công trình xây dựng cầu dân sinh tự xây kiên cố, to đẹp hơn ở khu vực chưa thực hiện dự án, và người dân cũng cam kết giao công trình cho Nhà nước quản lý khi hoàn thành.

Đại diện TP. Cao Bằng, mà cụ thể cá nhân Phó Chủ tịch Xuân không đưa ra được lý do thoả đáng về việc xử phạt, cưỡng chế phá dỡ cây cầu. Trong khi đó, nhiều nơi khác xảy ra hiện tượng lấn chiếm hành lang, đất lưu không công khai và rất nghiêm trọng. Cụ thể như khu vực cửa ngõ TP Cao Bằng kéo dài dọc theo QL3 đến đường km5 Đề Thám, hay tình trạng xảy ra trong các tuyến phố nội thị…

Hành lang QL3 bị lấn chiếm nghiêm trọng, nhưng không bị xử lý
Hành lang QL3 bị lấn chiếm nghiêm trọng, nhưng không bị xử lý

Vụ việc này đã gây ra bức xúc trong dư luận. Có ý kiến cho rằng, nếu nói xây cầu không phải phục vụ dân sinh mà phục vụ nhu cầu khác, vậy thì trước đây chính quyền xây cầu nhỏ bên cạnh làm gì ? Chẳng lẽ cũng để phục vụ mục đích khác sao? Lý do ông Chủ tịch UBND đưa ra không thuyết phục!

Ý kiến khác cho rằng, điều này chứng tỏ năng lực quản lý của địa phương còn kém. Không quản lý được lại… “suy bung ta ra bụng người” rằng … “việc người dân địa phương tự ý xây dựng chiếc cầu mới to đẹp và chắc chắn hơn là để thuận tiện cho  các phương tiện đi qua suối san gạt đất trái phép, lấn chiếm đất rừng”???

Bạn Nguyên Doãn Dũng: Cầu là để đi lại, còn xóm lậu (nếu có) thì phải quản lý. Đây là 2 vấn đề khác nhau mà lại gộp làm một để xử lý thì thật là quan liêu!? Chưa kể trước đây đã có cầu rồi, giờ dân xây mới lại có khác chi mà đổ lỗi là do có một xóm lậu? Cây cầu cũ bắc qua suối đã xuống cấp, các hộ dân cần cây cầu mới mà chính quyền không làm nên họ phải tự bỏ tiền làm để an toàn tính mạng người dân qua suối, các cháu đi học an toàn, lẽ ra cần phải hoan nghênh cây cầu mới đó chứ.

Bạn Nguyễn Văn Vinh: Tôi thấy ông chủ tịch UBND này nói thế là ko đùng rồi? Vì trước đây ở đó cũng đã có cây cầu, nhưng nó đã xuống cấp không đi được, chính quyền lại không tu sửa. Dân phải tự bỏ tiền ra làm cầu để đi lại, sao lại cưỡng chế? Việc người dân nếu qua đó để làm những việc sai trái thì chính quyền cần có biện pháp để xử lý những việc làm sai trái đó thôi chứ, còn đường giao thông chẳng liên quan. Nếu lấy lý do không sửa cầu để người dân không qua đi qua đó mà “làm bậy” phải chăng chứng tỏ năng lực quản lý của các vị còn kém?

Bạn Bông: Hai việc hoàn toàn khác nhau mà, bác chủ tịch UBND ơi! Cầu mới bên cạnh cầu cũ bắc qua suối nên giữ nguyên để dân thuận tiện an toàn đi lại, còn việc lấn đất chiếm rừng mới vi phạm luật, cần bị xử lý…

Bạn Nguyễn Duy Sơn: Cầu to hơn, tốt hơn, an toàn hơn để phục vụ việc đi lại thuận tiện hơn đó là việc tốt rồi. Còn việc lấn chiếm rừng thành lập xóm lậu nếu có là việc chính quyền phải ngăn chặn chứ không phải là việc phá cái cầu để hạn chế việc đi lại của dân. Người dân cũng đã chấp nhận việc nếu có quy hoạch lại hoặc xây mới thì phá đi không đòi đền bù hay khiếu nại. Tiền mồ hôi nước mắt của dân mà mấy quan này không biết xót.

Bạn Mai Xuân Thanh: Cứ cho là người dân tự ý xây dựng cây cầu khi chưa được cấp phép hay chưa được chính quyền đồng ý, nhưng chính quyền địa phương ở đâu mà để người dân làm cả cây cầu (trong một thời gian dài) xong xuôi rồi mới biết và bắt cưỡng chế, gây lãng phí tiền của nhân dân? Bên cạnh việc phạt hành chính 40 triệu đối với người dân, vậy tai sao không thấy có hình thức kỷ luật xứng đáng bộ máy cán bộ địa phương đã buông lỏng quản lý trên địa bàn?

Bạn Tuấn Vũ: Ở đây xóm lậu chả có liên quan gì đến việc dân tự bỏ kinh phí ra làm cầu để phục vụ mục đích sử dụng chung là đi lại, nhất là trong mùa mưa bão sắp đến (cầu cũ đã xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện qua lại). Hơn nữa đáng lẽ ra, chính quyền thành phố nên cảm ơn dân chứ, vì có cây cầu này mà điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội của nhân dân bên kia cầu được phát triển. Đồng thời các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước tại đia bàn có điều kiện qua lại sang bên kia để kiểm tra và quản lý về mọi mặt (trong đó có xóm lậu nếu có), hà cớ gì lại phá đi ???

Bạn Bụi Trần: Giống vụ dân đi lấp mấy cái ổ voi ổ gà bị mấy ông bà ở xã đến xử mấy năm trước nhỉ. Còn cái câu kết của ông chủ tịch thì phải xem lại cách quản lý của mình. Bên kia suối hình thành xóm lậu. Ông ấy biết sao không cho cán bộ đến xử lý ?

Bạn Lê Thăng: Xóm lậu thì các vị cần có biện pháp khác để giải quyết chứ sao lại phá cầu mới? Thế có cầu cũ thì không hình thành xóm lậu sao?

Bạn Trần Nam Sơn: Hình thành xóm lậu thì chính quyền kiên quyết dẹp còn cái cầu thì để sử dụng có ảnh hưởng gì? tư duy quản lý của quan địa phương yếu kém đến mức đáng báo động!

Bạn Đỗ Hồng Việt: Không lẽ chỉ vì cây cầu tốt, để dân đi lại dễ dàng mà đất rừng bị chiếm dụng? Chính quyền… không quản lý được chỉ vì… một cây cầu tốt?…

Bạn Nguyễn Thắng: Quan trọng là chính quyền nên kiểm tra thẩm định xem cây cầu mới dân làm có đảm bảo an toàn đi lại không. Nếu thiết kế an toàn thì nên giữ lại, dù sao vẫn tốt hơn cây cầu cũ. Còn việc quản lý đất đai lại là chuyện khác, chứ không nên cho rằng cây cầu làm lên là để lấn chiếm đất đai, lập khu dân cư mới nên bằng mọi giá bắt phải tháo dỡ cây cầu. Làm như vậy chứng tỏ khâu quản lý đất đai của địa phương quá yếu kém nên mới hành xử một việc gây lãng phí và ảnh hưởng đến đi lại của người dân.

Bạn Hùng Hoàng Văn: Tình trạng xin cấp vốn xây dựng các công trình nông thôn có rất nhiều bức xúc. Nhiều quan muốn ăn chia mới cấp phép. Ở Hiệp Hòa Bắc Giăng cũng xẩy ra như vậy. Doanh nghiệp tư nhân muốn bỏ tiền nâng cấp đoạn đê từ xã Hòa Sơn đến xã Thái Sơn. Nhưng chính quyền địa phương không cho. Lý do chắc hẳn nếu doanh nghiệp làm đường thì chính quyền không được chia phần gì.

Bạn Hùng Thanh: Nếu hình thành xóm lậu là trách nhiệm của chính quyền, các vị ăn lương từ thuế của dân mà. Tôi nghĩ vì dân bỏ 150 triệu xây cầu để đi đáng ra các vị nên hoan nghênh, động viên. Chứ sao nay các vị bắt đập bỏ? Vậy nếu bỏ cây cầu này các vị có làm cầu mới cho dân không? Hay các vị muốn xây cây cầu 1,5 tỷ để… thất thoát vào túi ai đó khoảng…1 tỷ ?

Bạn Thạch Bùi: Sợ người dân lấn chiếm đất rừng vậy thì kiểm lâm để đâu, cán bộ nơi đây làm việc gì hàng ngày. Còn người dân lo ngại cho sự an toàn của mình mà bỏ tiền xây cầu mới bên cạnh cầu cũ bắc qua suối là hợp lý về cả quy hoạch lẫn an toàn.

Bạn Nguyễn Đức Mạnh: Mấy hộ dân làm cây cầu mới to đẹp hơn hết có 150tr. Nếu thành phố làm chắc 1,5 tỷ? Phải chăng người ta đang định “vẽ” ra cây cầu vài chục tỷ, dân lại xây “phá giá” có 150 triệu?

Bạn Nguyễn Thị Nhân: Nếu có bọn cướp đất phá rừng trái phéo, thì bắt ngay bọn đó truy tố. Cây cầu chẳng tội tình chi, giúp dân qua lại dễ dàng tránh nguy hiểm khi qua suối. Chính quyền TP Cao Bằng làm chuyện ngược đời, kẻ gian không bắt bắt phạt người thẳng ngay.

Bạn Vũ Tuấn: Nhân dân đã kiến nghị thành phố về chất lượng cầu cũ đã xuống cấp có nguy cơ gây mất an toàn cho người và phương tiện (cầu phục vụ cho mục đích an sinh xã hội). Tuy nhiên việc này UBND thành phố Cao Bằng đã biết nhưng chưa bố trí được kinh phí để làm cầu mới. Việc công đồng xã hội tự huy động kinh phí để làm cầu mới phục vụ mục đích chung mặc dù chưa được cấp phép là sai so với quy định, nhưng không nghiêm trọng. Đáng lẽ ra cơ quan chức năng quản lý sở tại nên hỗ trợ hoàn tất thủ tục, chứ sao lại kiên quyết bắt phá bỏ? Theo tôi, chính quyên thành phố cần xem lại quan điểm này đã hợp lòng dân chưa? Nhất là trong khi toàn bộ kinh phí do dân tự huy động bỏ ra. Cần xem xét, cân nhắc sao cho đạt lý nhưng cũng phải thấu tình. Cá nhân tôi không đồng thuận với quan điểm của ông Chủ tịch UBND TP Cao Bằng.

Theo quan điểm của cá nhân tôi: 1. Thành phố cần kiểm điểm các cá nhân, tổ chức cơ quan có chức năng quản lý ở địa phương đã không bám sát địa bàn, ko nắm rõ tâm tư nguyện vọng của nhân dân, để tham mưu kịp thời cho lãnh đạo thành phố có chỉ đạo kịp thời (cầu cũ xuống cấp không đảm bảo an toàn cho nhân dân đi lại khi mùa mưa lũ sắp đến) 2. Sự việc đã rồi, lãnh đạo thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý có liên quan cho công trình này, để bà con hai bên đầu cầu sớm ổn định cuộc sống về mọi mặt. 3. Tăng cường công tác quản lý trên mọi phương diện, tránh tình trạng dân làm nhưng cán bộ không biết, không kiểm tra…?

Nguyễn Anh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều