+
Aa
-
like
comment

Đại biểu đề xuất Quốc hội họp mỗi năm 4 kỳ

29/10/2019 14:47

Thay vì 2 kỳ họp mỗi năm như hiện nay, cần nghiên cứu tổ chức 4 kỳ họp/năm, mỗi kỳ họp 2 tuần. “Việc bố trí kỳ họp kéo dài như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết công việc”.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề xuất Quốc hội họp mỗi năm 4 kỳ - Ảnh 1.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) – phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam – Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) – phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam – nêu ý kiến này tại buổi thảo luận tổ sáng 29-10.

Trong buổi thảo luận tổ về dự án Luật tổ chức Quốc hội, nhiều đại biểu có ý kiến về việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách và “mở cửa” để thu hút người giỏi không phải công chức làm đại biểu chuyên trách.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng thay vì 2 kỳ họp mỗi năm như hiện nay, cần nghiên cứu tổ chức 4 kỳ họp/năm, mỗi kỳ họp kéo dài 2 tuần.

“Việc thiết kế kỳ họp như thế sẽ giúp giải quyết được các việc cấp bách. Mặt khác, hiện nay có nhiều đại biểu kiêm nhiệm, ngoài làm nhiệm vụ đại biểu còn phải làm công việc chuyên môn. Việc bố trí kỳ họp kéo dài như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết công việc. Thực tế có những đại biểu phải bay ra bay vào trong kỳ họp để giải quyết công việc”, ông Hiểu lý giải về đề xuất.

Mặt khác, ông Hiểu cho rằng thực tiễn hoạt động Quốc hội hiện nay rất cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách. Việc này cũng phù hợp yêu cầu của Nghị quyết số 18 ngày 17-10-2017 của Ban chấp hành trung ương về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

“Chúng ta không thiếu người giỏi, vấn đề phải có cách để mở đường, mở cửa để người giỏi vào vị trí đó. Quy định đại biểu chuyên trách phải là công chức cần được xem xét, nghiên cứu lại. Bởi liệu một luật sư, trí thức, doanh nhân… giỏi đang làm ở khu vực tư nhân nhưng có đủ tất cả điều kiện về phẩm chất, đạo đức và có nguyện vọng làm đại biểu chuyên trách thì liệu có nên mở đường cho họ không?”, ông Ngọ Duy Hiểu phát biểu.

Phân tích sâu hơn, ông Hiểu cho rằng về tuổi tác, những người này khó đi thi công chức nên cần nghiên cứu đề xuất một cơ chế để không bắt buộc đại biểu chuyên trách là công chức. Ngược lại, sẽ có chính sách thu hút những người ở khu vực tư nhân đủ tiêu chuẩn làm đại biểu chuyên trách bằng lương, chế độ đãi ngộ…

“Trên thực có nhiều đại biểu không phải công chức nhưng đóng góp hiệu quả và quan trọng cho hoạt động Quốc hội”, ông Hiểu nói.

Mặt khác, ông Hiểu cho rằng cần nghiên cứu đưa vào luật quy định tuổi đại biểu chuyên trách sẽ được kéo dài hơn tuổi lao động bình thường. Bởi vì, hiện nay thẩm phán Tòa án tối cao, kiểm sát viên của Tòa án tối cao đã được quy định luật chuyên ngành, nếu luật Quốc hội không đưa điều này vào luật sau này sẽ khó thực hiện.

“Quốc hội các nước có nhiều đại biểu 70-80 tuổi. Thực tế đại biểu chuyên trách hoạt động lâu năm thì tích lũy kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm, tính chiến đấu rất cao và có những đóng góp lớn, ý nghĩa cho Quốc hội”, ông Hiểu nói.

“Phát biểu như vậy có đụng chạm tới ai không”

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề xuất Quốc hội họp mỗi năm 4 kỳ - Ảnh 2.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại buổi thảo luận tổ sáng 29-10 – Ảnh: NGỌC HIỂN

Đại biểu TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đề nghị tăng số lượng đại biểu chuyên trách.

“Nếu có ý chí và yêu cầu thực tiễn muốn bố trí các đại biểu chuyên trách nhiều hơn, tại sao không quy định hẳn trong luật này để tạo hành lang pháp lý. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để bố trí nhân sự ứng cử đảm bảo tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, tăng số lượng đại biểu chuyên trách”, bà Tâm nói.

Đi sâu phân tích, nữ đại biểu có kinh nghiệm gần 10 năm với 2 nhiệm kỳ liên tiếp cho rằng đa phần đại biểu Quốc hội chuyên trách làm việc toàn thời gian, có điều kiện để nghiên cứu chuyên sâu, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng… nên có hiệu quả cao.

Bà Tâm cũng cho rằng trong điều kiện Việt Nam, người cán bộ công chức có nhiều ràng buộc cả về quy định pháp luật lẫn mối quan hệ xã hội. Do đó, những đại biểu không phải chuyên trách, làm ở cơ quan này, cơ quan khác phát biểu một vấn đề là rất cân nhắc.

“Nói như anh Nghĩa (đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng của TP.HCM – PV), khi mình phát biểu một vấn đề nào đó rất là cân nhắc, phát biểu như vậy có đụng chạm tới ai không, có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của cơ quan địa phương mình hay không, đó là chưa suy tính đến lợi ích cá nhân, chỉ mới nói đến lợi ích của cơ quan, đơn vị là bắt đầu suy tính rồi. Có nên nói hay không, nói như thế nào”, bà Tâm nói.

Theo bà, điều này hạn chế việc thể hiện chính kiến của đại biểu nếu không hoạt động chuyên trách.

“Ví dụ TP.HCM đang đề nghị một cơ quan nào đó, bây giờ mình phát biểu, chất vấn, phê bình với với việc gì đó của bộ đó cũng cân nhắc lắm chứ. Tôi cũng nghe một số đại biểu nói rằng lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo bộ hoặc các lãnh đạo cũng có khuyến cáo đừng nói vấn đề này, đừng nói vấn đề kia, nó ảnh hưởng tới quyền lợi địa phương, cơ quan, đơn vị đó. Nghe không nhiều nhưng cũng có râm ran chuyện đó”, bà Tâm thẳng thắn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chia sẻ tâm tư rằng có nhiều vấn đề cử tri muốn đại biểu nói nhưng đại biểu lại “kẹt” vì đại biểu cũng là người hành pháp.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân thì đồng tình đề xuất tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên 40%, giảm kiêm nhiệm để giải quyết những bức xúc của dân, đi đến cùng ý kiến của cử tri.

TIẾN LONG – NGỌC HIỂN/Tuổi Trẻ

Bài mới
Đọc nhiều