+
Aa
-
like
comment

Đại biểu chất vấn Bộ trưởng mà bị Bí thư tỉnh phê bình “cháy mặt”

29/10/2019 15:19

Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, khóa trước bà từng chứng kiến việc một đại biểu Quốc hội địa phương chất vấn Bộ trưởng Công Thương mà ngay buổi trưa bị Bí thư Tỉnh ủy tỉnh đó gọi điện nói gay gắt, phê bình “cháy mặt”…

Chủ nhiệm UB Tư pháp nêu ví dụ đó để nói về việc có nhiều vấn đề chi phối, ràng buộc làm giảm hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội tại phiên thảo luận tổ về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội sáng 29/10.

Đại biểu chất vấn Bộ trưởng mà bị Bí thư tỉnh phê bình “cháy mặt” - 1
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Lý giải việc phải sửa luật Tổ chức Quốc hội lần này dù lần sửa trước đó mới thực hiện năm 2014, Chủ nhiệm UB Tư pháp đề cập, Trung ương đảng đã có nghị quyết về sắp xếp, hoàn thiện bộ máy các cơ quan nhà nước theo hướng tinh giản, tăng cường hiệu lực hiệu quả, các cơ quan, trong đó có Quốc hội đang triển khai thực hiện nghị quyết này.

Theo đó, việc giảm cấp phó, giảm số lượng ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc, các UB của Quốc hội là một yêu cầu lớn. Chỉ đạo về việc hợp nhất 3 văn phòng (văn phòng UBND, văn phòng HĐND, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội) cũng là một hướng lớn mà buộc phải sửa luật mới thực hiện được.

Bà Nga muốn có đánh giá cụ thể, việc tổ chức lại bộ máy theo những hướng đó tác động thế nào tới vấn đề thực hiện các chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia và giám sát của Quốc hội.

Nữ Chủ nhiệm UB Tư pháp nhận xét, từ kinh nghiệm làm đại biểu Quốc hội 20 năm qua (khóa X, năm 1997), qua 5 khóa hoạt động, trong đó đã 3 khóa hoạt động chuyên trách thì thấy những người làm việc ở cơ quan dân cử cũng không ít tâm tư, nhất là trong hoạt động giám sát.

“Tôi đã từng chứng kiến, khóa trước, một đại biểu địa phương chất vấn Bộ trưởng Công Thương mà ngay lập tức, trưa đó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh đó gọi điện nói đại biểu gay gắt, phê bình “cháy mặt”. Mà chuyện đó không phải hiếm. Đại biểu rơi vào trường hợp đó đương nhiên rất ấm ức. Những chuyện “kém thế” như vậy đã làm giảm hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội” – bà Nga chia sẻ.

Từ chuyện “vị thế” của cơ quan dân cử như thế nên cán bộ không “mặn mà” với việc công tác ở Quốc hội. Chủ nhiệm UB Tư pháp kể, UB của bà từng rất khó để chọn được nhân sự tham gia thường trực UB. Thậm chí nhiều cán bộ ở các Bộ, ngành khác về làm Phó Chủ nhiệm UB (tương đương Thứ trưởng) mà cũng không muốn, cũng “tâm tư một thời gian dài mới hòa nhập được với công việc”.

Thực tế, bà Nga than, công văn UB Tư pháp gửi đi các cơ quan “xin người” thì hoặc là nhân sự được nhắm tới không chịu đi, không thì cơ quan đó cũng giữ người tốt, không cho lấy mà chỉ người “có vấn đề” mới giới thiệu cho các cơ quan của Quốc hội.

Đại biểu chất vấn Bộ trưởng mà bị Bí thư tỉnh phê bình “cháy mặt” - 2
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhận xét, không cần tới số lượng 40 Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, các UB.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cũng đề cập, về cơ cấu tổ chức, số lượng cấp phó trong các cơ quan của Quốc hội, đáng ra Quốc hội phải gương mẫu đi đầu. Theo ông Lợi, không cần thiết có tới 40 Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc và các UB vì nếu tính là 40 nhân sự cấp phó như vậy thì nghĩa là mỗi UB cũng có tới 4 Phó.

“Không cần số lượng cấp phó đến như vậy, làm Phó Chủ nhiệm UB 3 khóa rồi tôi biết. Chỉ cần mỗi UB tối đa 3 Phó Chủ nhiệm cũng là nhiều rồi vì mỗi UB rất bé, số ủy viên thường trực cũng chỉ 7 – 9 người, muốn nhận thêm người về có được đâu. Đừng nghĩ thêm cơ cấu cấp Phó thì sẽ thu hút thêm người mà người ta không muốn về Quốc hội ấy. Tôi làm phó 3 khóa tôi biết, đâu cần nhiều như thế. Nếu chỉ suy nghĩ về lợi ích thì chúng tôi cũng từng nhủ, nếu biết như thế này thì ngày xưa không về Quốc hội làm” – Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi nói.

Phương Thảo/Dân Trí

Bài mới
Đọc nhiều