Đã là bằng giả thì không xứng đáng đứng trong hàng ngũ công chức Nhà nước
Việc các cán bộ nhà nước dùng bằng giả và “chạy” bằng cấp đang gây nhiều bức xúc trong xã hội. Đây không phải chuyện mới nhưng tình trạng này diễn ra càng ngày càng nhiều, cần phải xử lý nghiêm minh nhằm bảo đảm sự công bằng và góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Dùng bằng giả trong bộ máy nhà nước là điều không thể chấp nhận được
Sáng 18-11, đại tá Bùi Xuân Phong – phó giám đốc Công an tỉnh Lai Châu – cho biết ngày 13-11, đại tướng Tô Lâm – bộ trưởng Bộ Công an – đã ký quyết định kỷ luật thượng tá Thái Đình Hoài – trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Lai Châu) – bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân vì sử dụng bằng trung học phổ thông giả.
Công an tỉnh Lai Châu đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về công tác Đảng để trình cơ quan thẩm quyền xem xét. Do khi vi phạm, ông Thái Đình Hoài là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an tỉnh, bí thư Chi bộ Phòng Cảnh sát kinh tế, nên đơn vị phải báo cáo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến xử lý đối với đảng viên vi phạm kỷ luật, và đề nghị kỷ luật cũng sẽ ở mức cao nhất là khai trừ khỏi Đảng.
Nhiều năm trở lại đây, năm nào các cơ quan chức năng cũng “khui” ra hàng chục vụ cán bộ, công chức sử dụng bằng cấp giả, bằng cấp không đúng quy định. Các cơ quan điều tra và bảo vệ pháp luật cũng đã phát hiện, khởi tố, xử lý rất nhiều vụ việc, đối tượng làm bằng cấp đại học giả.
Thực tế, nạn bằng giả đã xuất hiện từ lâu. Năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đợt thanh tra và phát hiện được hơn 10 nghìn trường hợp dùng bằng giả. Hiện nay, Bộ cũng đã phát hiện được thêm nhiều trường hợp sử dụng bằng giả. Trong đó có cả cán bộ ở cấp Trung ương. Với sai phạm này, rất nhiều người đã bị cách chức, chuyển công việc và bị xử lý nghiêm.
Nguyên nhân có tình trạng mua bằng giả là do từ hai phía. Một phía là từ người cán bộ mua bằng giả để nộp vào hồ sơ đi làm, phía thứ hai là nơi tiếp nhận cán bộ cũng có những hành vi “nhập nhèm”, không công khai, minh bạch cho nên mới nhận những người đó. Đáng buồn là đối tượng sử dụng bằng giả chủ yếu là cán bộ với động cơ xấu.
Càng leo cao thì họ càng gây nguy hiểm cho cơ quan, cho cộng đồng. Một thực trạng đáng buồn khác là tâm lý xã hội hiện “nặng” về học chạy theo bằng cấp hơn là để thu nạp kiến thức. Đạo đức xã hội hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi xã hội thương mại, xã hội hàng hóa. Tình trạng mua bán bằng cấp, sử dụng bằng giả đã khiến đạo đức của nhiều cán bộ xuống cấp.
Khi xã hội tồn tại và đặt nặng tiêu chí bằng cấp, danh hiệu thì sẽ có không ít người dùng mọi cách “chạy” để có được hư danh, học hành gian lận để có bằng cấp. Cán bộ nhà nước phải là người học hành đến nơi đến chốn, phải trải qua thi cử nghiêm túc, vốn tri thức phải được rèn luyện, bồi đắp theo thời gian.
Học giả, bằng thật, năng lực kém, thiếu kỹ năng chuyên môn dẫn đến rất nhiều hệ lụy, tổn hại, nhất là trong lĩnh vực y tế. Không có bằng cấp, chuyên môn mà thăm khám, cấp phát thuốc, chữa bệnh sẽ nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng con người. Để những cán bộ thiếu trình độ như thế tồn tại trong bộ máy nhà nước là điều không thể chấp nhận được.
Quyết không dùng người chạy bằng cấp trong bộ máy nhà nước
Nhằm ngăn ngừa vấn nạn “chạy bằng cấp”, đã đến lúc chúng ta phải tìm cách “trị” tận gốc tình trạng này. Trước hết cần đổi mới quan niệm, tư duy về bằng cấp. Bằng cấp chỉ có giá trị khi người sử dụng phải được học hành, đào tạo nghiêm túc với một lượng kiến thức, trình độ, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ đã được quy chuẩn và luật hóa theo quy định.
Để hạn chế tình trạng “chạy” bằng cấp, trong quy trình cấp phát phôi bằng tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề cần phải chặt chẽ hơn. Ngoài ra, lãnh đạo các cấp quản lý nhà nước cần chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và chặt chẽ, xử lý nghiêm những trường hợp dùng bằng giả, “chạy” bằng cấp. Bằng do cơ sở nước ngoài cấp khi được sử dụng làm điều kiện để tuyển dụng cần có quy định cụ thể, phải được thẩm định bởi cơ quan quản lý nhà nước.
Trong quá trình tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, các tổ chức, cơ quan, đơn vị chỉ nên xác định tiêu chí bằng cấp là điều kiện cần chứ không phải là tiêu chí quan trọng nhất, duy nhất, mà đòi hỏi phải trải qua sát hạch, kiểm tra, thi tuyển một cách thực chất, khách quan, công bằng, minh bạch để tìm kiếm, lựa chọn được những cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực toàn diện nhất bố trí vào cương vị tương xứng.
Các cơ quan, tổ chức-cán bộ cần sớm nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí khoa học để đánh giá thực chất trình độ, trí tuệ, năng lực thực tế của đội ngũ cán bộ, công chức, làm cơ sở để tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ một cách phù hợp, chính xác, bảo đảm đạt cả ba mục tiêu là “được người, được việc, được tổ chức”.
Trong Di chúc, Người đề cập vấn đề đầu tiên là về Đảng. Người khẳng định Đảng có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng nhưng sau khi kết thúc thắng lợi kháng chiến chống Mỹ thì công việc trước hết là chỉnh đốn Đảng. Đây là một trong những tầm nhìn hết sức sắc bén, thiết thực của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng ta, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền, lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo nhân dân.
Đặc biệt, nói về đạo đức cách mạng của Đảng, Bác viết rất rõ: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Với 67 từ nhưng Bác dùng 4 lần từ “thật”, “thật sự”. Có nghĩa là Bác dặn dò riêng về đạo đức cách mạng là phải đạo đức thật.
Bởi đối lập với thật là giả. Hôm nay, điều này sâu sắc biết nhường nào. Vì thế, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo, nói hay làm dở, thậm chí nói sai làm sai như thế là đạo đức giả. Đây là điều tối kỵ của Đảng cầm quyền, của người cán bộ Đảng viên. Bác nhắc nhở chúng ta tâm huyết như thế. Bác mong mỗi Đảng viên thật sự là chiến sĩ tiên phong như Bác từng nói “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Việc sử dụng bằng giả không chỉ làm suy yếu nền hành chính do không đảm đương được vị trí việc làm mà còn đánh mất niềm tin của người dân vào đạo đức công vụ của bộ máy nhà nước. Dùng bằng giả là để đạt vị trí công việc mà trình độ học vấn thực tế không đảm đương được. Một khi đã đạt được vị trí mới, song trình độ thực sự không có, không đủ, dẫn đến không thể xử lý tốt công việc.
Đã đứng trong hàng ngũ của Đảng và làm việc trong bộ máy công quyền, cán bộ, đảng viên, công chức không bao giờ được phép sử dụng bằng cấp giả, bằng cấp không đúng quy định. Vì đó không chỉ là hành vi gian dối đối với Đảng, Nhà nước, mà còn làm đảo lộn các giá trị văn hóa, đạo đức công vụ, gây xói mòn niềm tin trong nhân dân.