Cớ sao rời xa dân trong những pháo đài run rẩy
Sự gắn bó máu thịt giữa cán bộ và người dân không biết đã bị xa cách tự lúc nào và vì những lý do gì? Để mà bây giờ, bao nhiêu tầng nấc cán bộ xa dân, đề phòng dân. Đến mức mà cả Ban Thường vụ tỉnh ủy Sóc Trăng 17 người cùng nhau ra cái quyết định lắp camera an ninh tại tư dinh bằng cả tỷ đồng tiền ngân sách dự phòng hòng “chống khủng bố”. Dẫu cho, giờ thì các vị ấy lại ngồi lại cùng nhau, kết đoàn kiểm điểm như cái dạo kiểm điểm tiệc cưới xe sang… vẫn thấy sao mà nghẹn đắng!
Không biết những ngày qua khi cuộn tròn trong những pháo đài run rẩy của mình các vị ấy có hay chăng sự kính phục và yêu thương của nhân dân dành cho vị anh hùng Nguyễn Văn Bảy trong đám tang của ông. Chiến công của ông Bảy có lừng lẫy không? Rất lừng lẫy! Nhưng sự kính phục và yêu thương của nhân dân dành cho ông có phải từ thành tích bắn rơi 7 máy bay của địch lúc kháng chiến không? Có lẽ chiến công ấy làm nên sự cảm phục, còn sự yêu thương dành cho ông lại nằm ở một góc khác, nó nằm ở quãng đời “hậu anh hùng” khi vị đại tá, phó tham mưu trưởng Không quân Việt Nam cởi áo lính là mặc ngay vào chiếc áo nâu, quấn khăn rằn để trở về y như một ông già Nam bộ chính hiệu, cũng ngày ngày thăm ruộng, đặt lờ bắt cá, đào ao trồng sen. Cũng chẳng biết các vị ấy có hay chăng chuyện về ‘kỳ quái’ về Bộ trưởng có một không hai của Việt Nam, ông Trương Đình Tuyển – người có công cực to đưa đất nước vào WTO nhưng khi được cho nhà thì nằng nặc từ chối: “Tôi có nhà rồi…”
Với chiến công oanh liệt đó, danh hiệu anh hùng đó, cấp hàm chức vụ đó, ông Bảy và cả ông Tuyển cứ thế mà sống với đô thành, thậm chí dựng cả biệt thự, sắm xe hơi thì nhân dân vẫn trân trọng các ông. Nhưng không, các ông chọn về quê, làm những lão nông lao động “thối móng tay” đúng nghĩa, họ cứ thế ngày qua ngày sống giữa làng giữa xã, nắng mưa dãi dầu cùng bà con chòm xóm… chứ không như những ông quan đương chức nào đó nhân danh vị trí xã hội tự lắp đặt cho mình và các “đồng chí” của mình cái hàng rào an ninh để bên kia, phía ngoài hàng rào ấy đang là cuộc sống của người dân – những người đóng từng đồng tiền thuế để có chi phí mua sắm mấy chục cái camera.
Buồn thay, đó chẳng phải là trường hợp cá biệt bởi như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đưa ra câu hỏi đầy nỗi niềm: “Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu – nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không?”. Rồi đại biểu Vũ Trọng Kim cũng chua xót nói: “Bây giờ nhiều cán bộ lãnh đạo kín cổng cao tường lắm, nhiều chuyện lắm“.
Chợt nhớ, có một dạo, rộ lên vụ việc Hà Nội dự kiến xây nghĩa trang 1.400 tỷ đồng dành cho cán bộ cấp cao. Nghĩ mà buồn kinh khủng! Đến chết, cũng muốn phân biệt mình – lãnh đạo cấp cao với những người còn lại – nhân dân. Huống gì khi còn sống, lại đương chức, hình như cái “khát vọng” ấy còn mãnh liệt ghê gớm, dù chỉ là mấy chiếc camera cỏn con. Nó bé, bé như cái tư duy “lắp đặt” mình – những vị công bộc trong sự an toàn lợi lộc cho riêng mình. Họ có bao giờ thấu thị, chính tai mắt nhân dân mới là camera chính xác nhất mà cũng an toàn nhất.
Mấy ngày nay, phố thị cứ nắng mưa ẩm ương, khói bụi đầy trời, nghĩ về ông Bảy với quãng đời “hậu anh hùng”, về một Bộ trưởng chẳng giống ai… lại liên tưởng đến những câu thơ của Phùng Quán: “Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn?/ Tôi có quyền gì được lành hơn nhân dân tôi một manh áo?/ Tôi có quyền gì được rộng hơn nhân dân tôi một tấc vuông nhà ở?/ Tôi có quyền gì được lên xe xuống ngựa/ Khi gót chân nhân dân tôi nứt nẻ bụi đường?”
Đừng bao giờ quên lời tiền nhân đã dạy: Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Chính nhân dân là người làm nên lịch sử và quyết định mọi thành bại của sự nghiệp cách mạng. Vậy nên, sống giản dị, thanh liêm, đề cao sự ân tình, thủy chung, gần gũi và chân thành gắn bó với nhân dân, sẻ chia với cuộc sống cần lao của bà con thì dẫu chẳng cần cao tầng kín cổng vẫn được dân chở che, đùm bọc bằng không dẫu có trăm ngàn cái camera bao quanh thì các vị cũng chẳng thể nào ngủ yên…
Văn Dân