+
Aa
-
like
comment

Có hiện tượng lách luật để người nước ngoài có quyền sử dụng đất ở Việt Nam

02/10/2019 16:27

Việc để doanh nghiệp Trung Quốc nắm quyền sử dụng 21 lô đất ở TP.Đà Nẵng đã đặt ra nhiều nghi vấn tiêu cực trong quá trình làm thủ tục lách luật của nhà đầu tư Trung Quốc. Để xảy ra việc này, một phần nguyên nhân là do cán bộ quản lý thực hiện chưa nghiêm, có biểu hiện lợi ích nhóm.

Thủ tướng yêu cầu TP Đà Nẵng xử lý thông tin phản ánh 21 lô đất ven biển đứng tên người Trung Quốc
Thủ tướng yêu cầu TP Đà Nẵng xử lý thông tin phản ánh 21 lô đất ven biển đứng tên người Trung Quốc

Người Trung Quốc sở hữu 21 lô đất Đà Nẵng Chính phủ phải vào cuộc chỉ đạo

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thông tin phản ánh “21 lô đất ven biển Đà Nẵng đứng tên người Trung Quốc.

Văn bản nhắc lại những phản ánh của báo chí về việc dọc các khu đô thị ven biển thuộc khu vực sân bay Nước Mặn, quận Ngũ Hành Sơn hiện có 246 lô đất, trong số này, có 21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, trước đây giấy chứng nhận quyền sử dụng những lô đất này được cấp cho người Việt Nam; trong quá trình hợp tác làm ăn, người Trung Quốc góp vốn, đóng cổ phần nên được đứng tên… Vì thế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng xử lý theo đúng pháp luật.

Vụ việc xuất phát từ những phản ánh của cử tri Đà Nẵng trước đó về hoạt động bất hợp pháp của người Trung Quốc xảy thời gian qua trên địa bàn. Cử tri cũng đề nghị thành phố cần làm rõ việc có bao nhiêu người Trung Quốc núp bóng mua đất ở khu vực ven biển gây bất ổn cho thị trường bất động sản.

Khi đó, ông Tô Văn Hùng, giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng cho biết dọc các khu đô thị ven biển thuộc khu vực Sân bay Nước Mặn (Ngũ Hành Sơn) hiện có 246 lô đất. Qua rà soát, có 21 trường hợp là người Trung Quốc đang đứng tên sở hữu quyền sử dụng đất.

Trước đó ngày 21/9/2019, Tổng Cục Quản lý đất đai – Bộ TN&MT đã có buổi làm việc với cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng liên quan đến vấn đề 21 lô đất ven biển trên địa bàn đang thuộc sở hữu của doanh nghiệp người Trung Quốc làm chủ.

Phía Đà Nẵng cho rằng, việc doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu quyền sử dụng 21 lô đất ven biển hiện nay là đúng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế lại biến tướng rất tinh vi. Khi một cá nhân người Việt Nam đứng ra mua và sở hữu quyền sử dụng khu đất này, sau đó, thành lập công ty, góp vốn với doanh nghiệp Trung Quốc thành công ty liên danh rồi thực hiện dự án.

Trong công ty liên danh, doanh nghiệp Việt Nam chiếm cổ phần lớn hơn bằng việc góp vốn bằng đất còn doanh nghiệp Trung Quốc góp vốn bằng cách bỏ tiền xây dựng tài sản trên đất. Sau khi làm xong dự án, doanh nghiệp trong nước chuyển đổi cổ phần, phía doanh nghiệp Trung Quốc mua lại và chiếm cổ phần lớn hơn trong công ty liên danh.

Rõ ràng đây là một hiện tượng lách luật để người nước ngoài có quyền sử dụng đất ở Việt Nam. Trong khi đó, việc chuyển nhượng cổ phần giữa doanh nghiệp trong nước cho doanh nghiệp nước ngoài cũng đã có quy định rất rõ ràng. Vì thế, vấn đề ở Đà Nẵng cần xem xét lại việc quản lý của các cơ quan chức năng, họ làm chưa nghiêm nên mới xảy ra tình trạng đó.

Cán bộ quản lý thực hiện chưa nghiêm hay pháp luật còn lỗ hổng?

Ở đây có thể là vấn đề lợi ích nhóm, khi người Trung Quốc liên kết với một cá nhân nào đó ở Việt Nam, từng bước sở hữu đất rồi chuyển nhượng lại. Để làm được việc này rõ ràng phải có sự bàn bạc, thống nhất ngay từ đầu.

Khi cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần đặt ra những câu hỏi người mua khu đất đó là ai, đứng sau đó là đơn vị cá nhân nào, và cũng không loại trừ khả năng chính cán bộ quản lý cũng tiếp tay cho vấn đề này.

Việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng nhiều chiêu tinh vi để sở hữu đất tại những khu vực “nhạy cảm” tại Việt Nam đang làm dấy lên những lo ngại về an ninh, quốc phòng.

Dù biết “chiêu bài” nhiều nhà đầu tư nước ngoài (đặc biệt là Trung Quốc) đã lợi dụng kẽ hở của Luật Đầu tư 2014 trong việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các doanh nghiệp Việt Nam để sở hữu đất nhưng các cơ quan chức năng vẫn “bó tay” vì luật cho phép.

Thậm chí, khi trả lời kiến nghị của một cá nhân người nước ngoài về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã khẳng định: “Khoản 2, Điều 14 Luật Kinh doanh bất động sản quy định, “… Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng để sử dụng làm văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ theo đúng công năng sử dụng của nhà, công trình xây dựng đó”.

Như vậy, công ty có thể sở hữu căn nhà đó. Theo Khoản 3, Điều 11 Luật Kinh doanh bất động sản quy định về phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì, chỉ cho phép thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại. Vì vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép sở hữu nhà, công trình xây dựng để sử dụng, nhưng không được phép kinh doanh”.

Lấy ví dụ với trường hợp người Trung Quốc sở hữu đất tại Đà Nẵng mà trong số báo 61 ngày 29/7/2016, Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp (DĐDN) đã có bài viết “Người Trung Quốc sở hữu đất tại Đà Nẵng: Luật hở, cơ quan chức năng bó tay” phản ánh việc người Trung Quốc lách luật để sở hữu đất làm đau đầu các nhà quản lý và dấy lên nhiều lo ngại về an ninh quốc phòng thì có thể thấy được chiêu lách luật này.

Cụ thể, theo tài liệu mà DĐDN có được, trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của những doanh nghiệp đang sở hữu đất tại Đà Nẵng như Công ty V.N.Holiday (sở hữu 24 lô đất) có vốn điều lệ 40 tỷ đồng trong đó ông/bà Li Jinan có quốc tịch Trung Quốc góp 19,2 tỷ đồng – tương đương 48%, còn lại 3 cổ đông Việt Nam chiếm 52%; Công ty Diệp Phúc Lợi (17 lô) có vốn điều lệ 199,93 tỷ đồng trong đó Công ty Harvest View Inc Limeted (Truong Quốc) góp hơn 84 tỷ đồng chiếm 42,35%, còn lại là 2 cổ đông Việt Nam hay công ty Nguyên Thịnh Vượng (10 lô) có vốn điều lệ là 20 tỷ đồng trong đó Công ty Hong Kong Hankey Enterpris Es Limited góp 9,8 tỷ đồng chiếm 49%, còn lại là hai cổ đông Việt Nam.

Về nguyên tắc, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ cho phép với các doanh nghiệp trong nước, không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nước ngoài.

Hơn nữa, những lô đất này cùng nằm trên một dải đất ven biển thuộc khu vực gần sân bay quân sự Nước Mặn, khu vực được xem là vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng, cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt.

Việc một doanh nghiệp mà thực hiện quyền mua bán, sáp nhập với 20 cá nhân, chủ sở hữu của 20 lô đất khác nhau mà chính quyền địa phương không phát hiện có bất thường là vô lý, là thiếu trách nhiệm.

Hồng Đinh

Bài mới
Đọc nhiều