+
Aa
-
like
comment

Camera tốt nhất của chính quyền chính là người dân

Thế Khoa - 08/10/2019 14:05

Nhờ người dân, ngót cả tỷ đồng hoang phí lắp camera nhà cán bộ ở Sóc Trăng được trả về cho ngân khố cấp tốc. Một sự kiện nóng nhất mạng xã hội những ngày qua đã được giải quyết nhanh chóng. Đó là gì nếu không phải là nhờ dân, lắng nghe dân?

Có thể thấy rằng cái camera tốt nhất của chính quyền chính là người dân. Thực tiễn như dòng sông không ngừng chảy, vẫn cứ bật ra những vấn đề nóng bỏng, tiêu cực khiến người dân bức xúc mà các vị lãnh đạo ngồi phòng máy lạnh, họp bàn chủ trương, chính sách to lớn không thể nhìn ra. Vậy mới biết tầm quan trọng của người dân lớn nhường nào. Dân mình vậy đó, dân chính là tai mắt, là cánh tay của chính quyền, dân cứ làm và chẳng bao giờ tính toán, chỉ mong mỏi một điều duy nhất là chính quyền địa phương lắng nghe tiếng dân.

Lịch sử có ghi lại chuyện thời Trần Dụ Tông, triều chính, đất nước rối ren. Vua ham mê tửu sắc, trong triều gian thần liên kết hoành hành, bên ngoài giặc giã dấy lên cướp bóc, người dân đói khổ. Thầy giáo Chu Văn An, Hiệu trưởng Trường Quốc Tử Giám đã viết Thất trảm sớ dâng vua đề xuất chém 7 tên gian thần. Tuy vua phớt lờ, không trả lời nhưng như nhà sử học Lê Tùng nhận xét: “Thất trảm chi sớ, nghĩa động càn khôn” (tức Tờ sớ thất trảm, nghĩa khí động trời đất), đã để lại những bài học đắt giá khi sau này nhà Trần suy tàn, nguyên nhân do không biết lắng nghe những lời nói phải từ người dân. Hay Nguyễn Trãi đã phân tích nguyên nhân khiến triều Hậu Trần suy vong là do các vua quan không thực hiện đúng chính sách thân dân, họ chỉ lo cuộc sống xa hoa, quyền lợi ích kỷ của mình, bỏ mặc dân khốn khổ, oán giận.

Người xưa đã nói rồi “Thương dân, dân lập đền thờ/ Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương”. Dân là gốc của nước nhà, gốc có vững thì nước mới yên. Cái gì dân muốn thì trời cũng phải thuận theo. Thế nhưng, có vẻ thực tế vẫn còn rất nhiều vụ việc của người dân cần giải quyết rốt ráo nhưng các lãnh đạo ban, ngành, địa phương vẫn dửng dưng như việc của ai. Từ chuyện dâm ô, bạo hành trẻ em; tai nạn giao thông; tới chuyện ô nhiễm môi trường, bảo trì đường bộ; dịch tả lợn; hay chuyện để người Trung Quốc thâu tóm đất ven biển… đều phải chờ Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo thì các bộ, ngành, địa phương mới rục rịch tìm hiểu, làm rõ phản ánh, rõ ràng là rất có vấn đề. Với cả núi công việc ngồn ngộn mỗi ngày, nếu như các cơ quan cấp dưới mà sát sao xử lý rốt ráo thì đâu đến nỗi “ùn tắc” lại để người đứng đầu Chính phủ phải bận tâm, phiền lòng. Đất nước chỉ có một Thủ tướng nhưng có 63 tỉnh thành phố, 22 cơ quan cấp bộ, liệu rồi đây còn bao nhiêu vụ việc sẽ lại đến tay Thủ tướng nữa? Thế thì còn đâu thời gian Thủ tướng còn lo cho quốc gia đại sự?

Mới đây, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo rồi “Không để vấn đề gây bức xúc mà không xử lý”. Người dân không cần gì tiếng nói cao sang hay chính sách vĩ mô gì, nhưng hãy gần gũi họ, lắng nghe, giải quyết công việc của họ thì khi đó mới tạo được sự ủng hộ. Một khi đã tạo được lòng tin ở dân thì việc gì cũng thành công.

Việc giải quyết các tiêu cực, bức xúc trong xã hội của người dân là trách nhiệm của chính quyền. Nếu không giải quyết được chúng ta phải mạnh tay xử lý và loại bỏ những người lãnh đạo đứng đầu địa phương, cơ quan không làm hết nhiệm vụ, trách nhiệm. Khi không giải quyết kịp thời, một câu chuyện hết sức nhỏ nó sẽ là cơn sóng ngầm tích tụ lâu ngày mà khi bùng phát sẽ gây bất ổn. Có lẽ chúng ta chưa quên câu chuyện người dân xã Đồng Tâm bắt nhốt cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động khoảng hai năm về trước chứ. Suy cho cùng, tất cả cũng chỉ vì chính quyền không kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như giải quyết bức xúc của người dân. Đừng nói đối tượng này hay phản động nào lôi kéo khiến người dân rời xa chính quyền cơ sở. Chỉ có người dân mất niềm tin tự rời xa chính quyền địa phương khi những bức xúc của họ không được giải quyết thấu đáo mà thôi.

Thế Khoa

Bài mới
Đọc nhiều