VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng, truy tố bị can Nguyễn Minh Quân, cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức (TP HCM), về tội “Tham ô tài sản” và “Rửa tiền”.

Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Thế Năng, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam, về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố Hoa Công Hậu, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh, về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”…

Cơ quan chức năng liên tiếp khởi tố, truy tố nhiều cựu cán bộ trong thời gian ngắn cho thấy công cuộc phòng chống tham nhũng đang trong hồi quyết liệt. Qua đây cũng thể hiện rõ quyết tâm ngăn chặn những “bàn tay nhám nhúa” luôn manh nha đục khoét ngân sách quốc gia, trục lợi tài sản nhà nước và tham ô quyền lợi của nhân dân.

Danh sách càng dài, chức vụ mà họ từng đảm nhận ngày càng lớn – thậm chí truy tố đến bộ trưởng đương chức như trường hợp Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Không sợ bất cứ cản ngại nào, với cuộc chiến chống tham nhũng mạnh mẽ trong 10 năm qua, 37 cán bộ diện trung ương quản lý đã bị xử lý hình sự, còn cán bộ cấp tỉnh – thành thì lên đến hàng trăm.

Trong giai đoạn phát triển nhanh chóng của đất nước hiện nay, cuộc chiến cam go nhất là làm sạch bộ máy và tuyên chiến với tham nhũng. Cuộc chiến này tuy không màu khói lửa nhưng hiểm nguy không kém bất cứ cuộc chiến nào, bởi không xác định được cụ thể giới tuyến, đối phương, hậu quả để lại nặng nề, dai dẳng và tàn phá đất nước rất khủng khiếp. Kẻ đối diện có khi hôm qua còn là đồng đội.

Có thể trị được tham nhũng trong từng vụ việc, từng cá nhân nhưng mối lo ngại lớn hơn là tham nhũng len vào chính sách, là câu chuyện lợi ích nhóm mà các đại biểu từng nhiều lần đặt ra tại các kỳ họp Quốc hội. Nó không còn là sự biến chất, hư hỏng của từng cá nhân mà có nguy cơ tập hợp, chi phối quyền lực. Đây mới là mối nguy lớn nhất mà chúng ta phải đối diện và cần dập tắt khi vừa nhen nhóm.

Một hệ quả cũng rất đáng ngại là sau hàng loạt vụ việc khởi tố, truy tố cán bộ tham nhũng thì xuất hiện không ít cán bộ lo sợ trách nhiệm, ngại việc, không dám làm. Nhiều kế hoạch kinh tế – xã hội đang chậm lại, đánh mất cơ hội phát huy tác dụng để mang lại lợi ích lớn nhất cho người dân. Tâm lý “có làm có sai, không làm không sai” để bảo toàn “chiếc ghế” đang ngồi sẽ tác động cực xấu đến chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của từng địa phương và cả nước.

Chỉ riêng câu chuyện nhiều địa phương ì ạch giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua đã cho thấy tâm lý chùn bước, ngại khó đang hiện diện. Nói rõ hơn, ngại khó, sợ việc chỉ xuất phát từ năng lực hạn chế, chỉ đạo điều hành bộ máy quản lý kém. Những biểu hiện này của cán bộ, công chức nếu không cải thiện được thì thiết nghĩ cũng không thể để tại vị mà làm chậm bước phát triển chung. Tất nhiên, không chỉ đẩy nhanh xét xử các vụ án, xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng “sợ việc”, “sợ trách nhiệm” mà còn cần sớm hiện thực hóa quy định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Trong thế giới phẳng với mối liên kết kinh tế, xã hội và văn hóa ngày càng chặt chẽ, cuộc chiến chống tham nhũng không còn là chuyện của từng quốc gia mà trở thành vấn đề toàn cầu. Thực trạng của một số quốc gia châu Phi, châu Mỹ cho thấy tham nhũng dìm sâu đất nước vào nghèo đói, bế tắc, gây mất ổn định xã hội và đe dọa cả các nước lân cận. Thậm chí, có nơi đã khơi mào cho nội chiến. Tài nguyên quốc gia, đóng góp của người dân lẽ ra phải phục vụ cho xã hội tươi đẹp thì tham nhũng đã biến nó thành quyền lợi để chia chác.

Đây là bài học xương máu cho bất cứ quốc gia nào. Không còn cách nào khác, chống tham nhũng phải triệt để, không khoan nhượng để bảo toàn lợi ích của người dân, của quốc gia, làm cơ sở xây dựng các kế hoạch phát triển đất nước trong tương lai.