+
Aa
-
like
comment

Nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập cộng đồng: Không thể chủ quan

18/05/2020 06:30

Ngày 17/5, Bộ Y tế cho biết có thêm 2 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca bệnh lên 320. Đáng chú ý, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình đã chuyển 12 bệnh nhân lên điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Hiện Việt Nam đã qua 31 ngày không phát hiện ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên nguy cơ dịch xâm nhập cộng đồng vẫn hiện hữu.

Điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 ảnh: THái Hà

Liên tiếp các ca nhập cảnh nhiễm bệnh

Ca bệnh 319 là nam giới, 26 tuổi, (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng). Ngày 13/5, từ Liên bang Nga về nước trên chuyến bay VN0062, nhập cảnh sân bay Vân Đồn và được chuyển cách ly tập trung ngay tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình cơ sở 1. Ngày 16/5 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Bệnh nhân số 320 là nam giới, 29 tuổi (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).

Ngày 13/5, từ Liên bang Nga về nước trên chuyến bay VN0062, nhập cảnh sân bay Vân Đồn và được chuyển cách ly tập trung ngay tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình cơ sở 1.

Ngày 15/5 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, ngày 16/5 có kết quả dương tính SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Trong số 12 ca bệnh chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư có 2 ca bị viêm phổi. Hiện Việt Nam đã có 260 bệnh nhân được chữa khỏi, tương ứng với tỷ lệ khỏi bệnh đạt 82%. Còn 60 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định. Tính đến 18h ngày 17/5, Việt Nam có tổng cộng 180 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Tiểu Ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, đến chiều 17/5 tình hình sức khỏe của bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh diễn biến lâm sàng cải thiện tốt hơn. Kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của bệnh nhân này đã âm tính 10 ngày liên tiếp. Bệnh nhân hiện không sốt, có đáp ứng khi kích thích, không chảy máu, tiểu tốt, EF bình thường, không tràn khí màng phổi (bệnh nhân đã ngừng dẫn lưu màng phổi từ ngày 16/5), diện đông đặc phổi không tăng lên (hiện diện đông đặc 2 phổi của bệnh nhân khoảng 90%), men gan bình thường.

Tuy nhiên, bệnh nhân còn phải dùng noradrenalin, giãn thất phải, phổi còn đông đặc, bạch cầu máu còn tăng, còn phải dùng kháng sinh, kháng nấm, tăng GGT (tổn thương gan do thuốc), còn phải lọc máu ECMO. Bệnh nhân đã trải qua 60 ngày điều trị, trong đó có 42 ngày sử dụng máy ECMO. Đây là bệnh nhân nặng nhất đến thời điểm này. Ê-kíp đang nỗ lực nâng sức khỏe phi công Anh để có thể chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị cho ca ghép phổi.

Không thể chủ quan

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Hệ thống Zema Việt Nam đã công bố quy trình dịch tễ phòng COVID-19 do PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam tư vấn xây dựng theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Ông Phu cho biết, những ca nhập cảnh về nước không thể lây lan ra cộng đồng. Hiện, năng lực cách ly, xét nghiệm, phát hiện ca bệnh của Việt Nam vẫn bảo đảm. Ngành Y tế vẫn đang áp dụng phương châm “4 tại chỗ” vì thế những ca bệnh nhẹ được điều trị tại tuyến dưới, chỉ những ca nặng mới chuyển tuyến trên.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đã 31 ngày Việt Nam không có ca mắc mới COVID -19 nào ngoài cộng đồng. Đây là một tín hiệu đáng mừng nhưng tuyệt đối không thể chủ quan để dịch bùng phát lần 2. Đặc biệt, khi bắt đầu với cuộc sống “bình thường mới”, tất cả các lĩnh vực phải có quy trình dịch tễ phù hợp để phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID -19, mặc dù trong 1 tháng qua, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất thấp nhưng vẫn còn tiềm ẩn. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới cũng gia tăng do mở dần các đường bay quốc tế, nhiều chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước, yêu cầu nhập cảnh cho các nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật cao từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch nhập cảnh vào Việt Nam. Đặc biệt, rất khó kiểm soát triệt để được người dân qua lại biên giới đường bộ thông qua đường mòn, lối mở nên luôn thường trực nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm cho cộng đồng trong thời gian tới.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm “nhiệm vụ kép”, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, dịch bệnh COVID-19 sẽ kéo dài nhiều tháng thậm chí là nhiều năm. Do đó, WHO khuyến nghị, Việt Nam tăng cường hơn các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh dài hạn, như tăng cường giám sát nhóm nguy cơ, thường xuyên rà soát các biện pháp hiện có và đánh giá tình hình mới để có khuyến nghị kịp thời về giao thương…

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID -19, mặc dù trong 1 tháng qua, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất thấp nhưng vẫn còn tiềm ẩn nên người dân không được chủ quan.

Thái Hà/TP

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều