+
Aa
-
like
comment

Lúc cả thế giới chống dịch, Trung Quốc lại bày trò cướp Trường Sa của Việt Nam

28/03/2020 20:53

Trong bối cảnh các nước đang tập trung vào công tác chống dịch, thì Trung Quốc triển khai 2 trạm nghiên cứu khoa học (NCKH) trên Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định ở biển Đông và khu vực cũng như nỗ lực của các nước trong tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Cũng theo Tân Hoa Xã, các trạm này sẽ được nâng cấp trong tương lai để nghiên cứu về hiện tượng axít hóa đại dương, ô nhiễm vi nhựa, bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô và xử lý thảm họa biển. Hai trạm này cùng với Trung tâm Nghiên cứu tổng hợp đảo và rạn đã được xây dựng trước đó trên đá Vành Khăn (một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1995), tạo thành một tam giác, có khả năng cung cấp thông tin nhằm khống chế cả một vùng rộng lớn trên biển Đông.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý lợi dụng dịch Covid-19 để đăng bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp ở Biển Đông
Tài khoản có dấu tick xanh của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý đăng tải hai bức vẽ lên Twitter, trong đó bức bên trái là tranh của họa sĩ Trung Quốc vẽ “đường lưỡi bò” xuyên tạc Biển Đông. Bức bên phải được cho là tranh của một người Ý tên Aurora Cantone.

Ngụy trang dưới vỏ bọc NCKH, có thể khẳng định động thái tiếp tục xây dựng và vận hành 2 trạm NCKH là một động thái vô cùng nguy hiểm, nằm trong âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.

Trung Quốc có lịch sử diễn giải luật pháp quốc tế theo ý muốn và có lợi cho mình. Theo luật pháp quốc tế, việc công bố các kết quả NCKH không được xem là bằng chứng để khẳng định chủ quyền. Thế nhưng, từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn sử dụng chiêu bài ngụy trang NCKH, coi việc đăng các sản phẩm khoa học về biển Đông như là một trong những nỗ lực khẳng định chủ quyền. Do vậy, mặc dù Tòa Trọng tài quốc tế đã phán quyết rằng tuyên bố về “quyền lịch sử” của Trung Quốc tại vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” là không có cơ sở pháp lý, nước này vẫn muốn lợi dụng việc NCKH để thể hiện mình đang kiểm soát, quản lý, khai thác, sử dụng một cách hòa bình, tuân theo các quy định của luật pháp quốc tế đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và một vùng nước rộng lớn trong biển Đông nằm trong cái gọi là “đường lưỡi bò”.

Đặc điểm chung của Trung Quốc là thường chọn những thời điểm mà các nước khác mất cảnh giác để triển khai các hoạt động lấn chiếm biển Đông. Hiện nay, mặc dù bị tác động mạnh của dịch Covid-19 nhưng về cơ bản, Trung Quốc đã khống chế được dịch; trong khi đó, cả thế giới đang tập trung vào chống dịch cũng như bảo vệ nền kinh tế, hạn chế tới mức có thể các tác động của dịch. Trong bối cảnh này, hầu như không nước nào có thời gian để quan tâm tới các hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông. Vì vậy, Trung Quốc đã chọn thời cơ thuận lợi này để triển khai 2 trạm NCKH như nói trên. Bằng cách đó, Trung Quốc muốn nhân cơ hội cộng đồng quốc tế đang căng mình chống dịch để đặt các nước, nhất là các nước xung quanh biển Đông có vùng biển đang bị nước này xâm phạm, vào sự đã rồi.

Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn thực hiện chiến thuật “tằm ăn lá dâu” để từng bước chiếm trọn biển Đông. Hành động Trung Quốc thăm dò, khảo sát trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các nước, đặc biệt là của Việt Nam, năm 2019 là một thí dụ. Chắc chắn Trung Quốc sẽ có nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia của các nước khác trên biển Đông trong thời gian tới. Cũng không loại trừ khả năng sau khi công bố việc thành lập và vận hành 2 trạm NCKH, Trung Quốc sẽ triển khai ngay các hoạt động NCKH trên vùng đặc quyền kinh tế của các nước xung quanh biển Đông. Hành vi hạ này của Trung Quốc cần phải được vạch mặt, lên án.

Có thể nói, tuy là quốc gia có diện tích lớn, kinh tế thuộc TOP đầu thế giời nhưng hành động của Trung Quốc thì thuộc “tiểu thừa” – hạ đẳng. Vì tham vọng biến biển Đông thành ao nhà, Trung Quốc luôn thừa cơ hội và sẵn sàng tạo cơ hội để nuốt trọn phần lãnh hải không thuộc về mình. Như gần đây nhất, trong khi dịch Covid-19 lây lan, rất nhiều quốc gia hướng về Trung Quốc, chia sẻ sản phẩm y tế hỗ trợ giúp người dân nước này vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng Trung Quốc “đáp lễ” bằng cách cho tuyên truyền chủ quyền sai trái, ngay trên chiếc khẩu trang – đã bị bạn bè quốc tế vạch mặt, lên án.

Với người bạn láng giềng này, người dân Việt Nam cần cẩn trọng, lên án những hành vi xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải mà lãnh đạo nước này thực hiện. Càng trong lúc khó khăn, chúng ta càng không được lơ là cảnh giác trước những tham vọng của Trung Quốc

PGS-TS Vũ Thanh Ca – Oanh Nhã

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều