+
Aa
-
like
comment

Không có mâu thuẫn, chồng chéo trong ban hành văn bản chống dịch COVID-19

22/10/2021 19:15

“Có những văn bản ban hành hôm trước, hôm sau thu hồi nên hậu quả pháp lý không xảy ra”, bà Nguyễn Thị Thu Hòe – phó cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phát biểu.

Ông Nguyễn Thắng Lợi – phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp – Ảnh: DANH TRỌNG

Chiều 22-10, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thường kỳ quý 3-2021 để thông tin về tình hình hoạt động của bộ, ngành tư pháp.

Lần đầu tiên Việt Nam thu hồi được 2,6 triệu USD từ nước ngoài

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thắng Lợi cho biết tổng số tiền mà Phan Sào Nam (cựu chủ tịch HĐQT Công ty VTC Online) phải thi hành án là 1.475 tỉ đồng.

Đến tháng 9-2021, Phan Sào Nam đã nộp được 1.383 tỉ đồng và chỉ còn phải nộp thêm 11 tỉ đồng và 3,5 triệu USD.

“Vào ngày 10-9 vừa qua, lần đầu tiên Việt Nam thu tiền thi hành án từ nước ngoài. Khoản tiền thu được cũng rất lớn là 2,6 triệu USD. Điều đặc biệt là đương sự Phan Sào Nam tự nguyện thi hành”, ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, không ai ngay từ đầu tự nguyện thi hành án, việc thi hành án với Phan Sào Nam cũng gặp nhiều khó khăn.

“Bằng cái tâm, trách nhiệm của chấp hành viên, của cơ quan thi hành án và được sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan liên quan như công an, viện kiểm sát và cả sự ủng hộ từ báo chí nên Phan Sào Nam đã tự nguyện thi hành án”, ông Lợi cho hay.

Cũng theo phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng, khó khăn rất lớn đến kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

“Mặc dù số vụ việc chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số vụ việc phải thi hành án nhưng số tiền lại chiếm rất lớn, tới 24,5% so với tổng số tiền phải thi hành. Có rất nhiều ‘đại án’, điều kiện thi hành rất thấp”.

Ông Lợi lấy ví dụ như vụ án liên quan đến Huỳnh Thị Huyền Như, tổng số tiền phải thi hành lên tới 15.000 tỉ đồng nhưng chỉ có tài sản không quá 500 tỉ đồng; 16 tài sản trong vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ có giá trị hơn 17.000 tỉ đồng nhưng các đương sự đang khởi kiện ra tòa để phân chia.

Trong khi đó, một số tài sản kê biên, vốn góp, tài sản hình thành trong tương lai… ở các đại án hiện nay chưa có quy định, gây khó khăn trong thực hiện.

Không có mâu thuẫn, chồng chéo trong ban hành văn bản chống dịch COVID-19

Bà Nguyễn Thị Thu Hòe – phó cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp – Ảnh: DANH TRỌNG

Trả lời câu hỏi về việc liên quan đến dịch COVID-19 bùng phát, thời gian qua rất nhiều văn bản của các bộ ngành bị dư luận đặt vấn đề là có mâu thuẫn, chồng chéo, thậm chí không đúng quy định pháp luật, bà Nguyễn Thị Thu Hòe – phó cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – cho biết trong thời gian qua, đơn vị cũng đã nhận được nhiều phản ánh liên quan đến vấn đề trên, như các địa phương ban hành các văn bản ngăn sông cấm chợ, có địa phương ban hành văn bản yêu cầu phải có giấy phép con, hoặc nhiều nơi yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà…

Theo bà Hòe, từ tháng 2-2020 đến nay, đơn vị đã kiểm tra 165 văn bản của các địa phương có liên quan nội dung về phòng chống COVID-19 theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Qua đó, cơ quan chức năng xác định các văn bản này được ban hành đúng thẩm quyền. Vì Luật phòng chống truyền nhiễm công bố dịch bệnh thì chủ tịch các tỉnh phải thực hiện biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Từ đó, đã đạt được hiệu quả kiểm soát tốt dịch bệnh.

“Có những văn bản ban hành hôm trước, hôm sau thu hồi nên hậu quả pháp lý không xảy ra. Do đó không có mâu thuẫn, chồng chéo trong việc ban hành các văn bản liên quan đến việc phòng, chống dịch COVID-19”, bà Hòe nói.

Tuy nhiên, cũng có một số địa phương đã ban hành các văn bản chưa có cơ sở pháp lý trong quá trình phòng, chống dịch.

Khai Tâm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều