+
Aa
-
like
comment

Giữ bình ổn giá xăng và yêu cầu cấp thiết của Chính phủ

06/11/2021 13:25

Giữ bình ổn mặt bằng giá xăng, dầu vừa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” là chỉ đạo của Chính phủ tại kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo giá do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì.

Giữ ổn định giá các mặt hàng này để tránh gây áp lực lạm phát và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, là đòi hỏi tất yếu của nền kinh tế bị tác động mạnh bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đang dần trở lại trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt để bình thường mới.

Với một nền kinh tế mà chi phí xăng, dầu chiếm gần 4% trong tổng chi phí sản xuất, khi giá xăng, dầu tăng 10% sẽ làm cho tổng sản phẩm quốc nội GDP giảm khoảng 0,5%. Chưa kể những tác động gián tiếp từ việc tăng giá xăng, dầu tới lưu thông, phân phối làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, tạo áp lực lên lạm phát và tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Thì tránh tăng giá những mặt hàng thiết yếu trong đó có xăng, dầu là giải pháp thực sự cấp thiết. Bởi chỉ cần thêm chi phí ở khâu nào là thêm khó cho doanh nghiệp và thị trường vốn đang rất khó khăn, lực cầu còn rất yếu, đang rất cần tiếp sức để phục hồi.

Trên thực tế, giá xăng, dầu trên thế giới đang liên tục tăng suốt từ đầu năm đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại đã tác động mạnh tới giá xăng, dầu trong nước. Mặc dù cơ quan quản lý đã chi sử dụng liên tục quỹ bình ổn giá xăng, dầu ở mức rất cao trong mỗi kỳ điều hành giá. Nhiều thời điểm đã chi từ 1.500 đồng đến 2000 đồng song vẫn không thể kiềm chế đà tăng của giá xăng, dầu trên thị trường. Hàng chục doanh nghiệp, đầu mối kinh doanh xăng, dầu đã thông báo âm quỹ từ lâu. Có doanh nghiệp báo âm quỹ hàng nghìn tỷ đồng.

Các phân tích chỉ ra rằng, việc chia sẻ của đầu mối kinh doanh xăng, dầu là cần thiết. Song công tác điều hành giá cần tuân thủ các nguyên tắc của thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước theo đúng tinh thần của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83 về kinh doanh xăng, dầu ngày 01/11/2021 vừa qua. Bởi khó khăn của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng, dầu cũng ẩn chứa những bất ổn của thị trường.

Đồng quan điểm, giá xăng, dầu phải điều hành linh hoạt theo diễn biến giá thế giới; mức trích, lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng, dầu cũng cần linh hoạt, hợp lý để tạo dư địa cho điều hành giá trong dịp tết nguyên đán và tạo đà kiểm soát giá năm 2022. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tới dư địa giúp Chính phủ giảm áp lực và chủ động trong công tác điều hành giá cuối năm nay và cả năm 2022, đó là công cụ thuế, phí.

Tính chung các loại thuế, phí đang chiếm tới hơn 40% trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng, dầu. Việc xem xét giảm bớt các loại thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng sinh học E5 RON 92, sẽ không chỉ giúp giảm áp lực về giá mà còn kích thích người tiêu dùng chuyển sang sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường nhờ giá cạnh tranh hơn.

Cần chủ động linh hoạt khi các điều kiện cho phép không chỉ giúp công tác điều hành giá tuân thủ các nguyên tắc của thị trường mà còn tránh được những cú sốc tâm lý gây áp lực lên lạm phát và thiết thực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cũng như giá năng lượng toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường.

Diệu Hương

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều